Trăn trở vì pháp luật chưa đến được với đồng bào
Anh tốt nghiệp Đại học Luật Hà Nội khóa 1992-1997. Trong khi bạn bè anh đều trở về quê hương hay lựa chọn mảnh đất Thủ đô để bắt đầu sự nghiệp thì anh lại quyết định rời quê hương Thái Bình đến với vùng đất Lai Châu, một tỉnh nghèo với hơn hai mươi đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc miền núi phía Tây Bắc.
Thời gian đầu làm việc tại Phòng Pháp quy, tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật của Sở Tư pháp Lai Châu với bao bỡ ngỡ từ những phong tục, tập quán của người dân nơi đây cho đến những trăn trở vì pháp luật chưa đến được với đồng bào dân tộc. Ở đó, những đứa trẻ lớn lên chưa được đến trường vì không được khai sinh, những bé trai, bé gái ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” đã thành vợ, thành chồng vì tảo hôn.
Anh Thiếp cũng mong muốn làm sao để công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và theo trình tự thủ tục…
Từ những trăn trở ấy anh đã tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu cũng như tình hình thực tế địa phương cộng với những kiến thức học được trên ghế nhà trường năm 2000, anh đã tham mưu cho lãnh đạo Sở trình UBND tỉnh Dự thảo Quyết định số 13/2000/QĐ-UBND ngày 14/3/2000 về ban hành quy chế quy định trình tự thủ tục xây dựng, ban hành VBQPPL của HĐND, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh. Đây là một trong số ít các VBQPPL của địa phương làm căn cứ thực tiễn để sau này các cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền nghiên cứu xây dựng và ban hành Luật Ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004.
Trong công tác tuyên truyền pháp luật, anh Thiếp luôn sắp xếp thời gian hợp lý để cùng đồng nghiệp đi các xã, các bản để tuyên truyền pháp luật đến cho bà con nhân dân, có những chuyến đi phải trèo đèo, lội suối để vào tận bản, có những ngày dầm mình trong mưa gió trên những con đường trơn trượt, nhưng sau mỗi chuyến đi là mỗi lần anh hiểu được nỗi vất vả, cơ cực của bà con.
Hơn hết, anh hiểu giá trị của những kiến thức pháp luật sẽ giúp bà con tự bảo vệ mình trong cuộc sống, nhất là quyền lợi của những đứa trẻ khi được đăng ký khai sinh kịp thời.
Hạnh phúc là hoàn thành nhiệm vụ được giao
Năm 2003 tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh là Lai Châu và Điện Biên. Anh lại một lần nữa xung phong sang tỉnh mới, với biết bao khó khăn buổi ban đầu khi tỉnh mới được thành lập, cơ sở vật chất còn sơ sài, anh lại cùng đồng nghiệp phải bắt đầu với bộn bề công việc, với vai trò mới là Phó trưởng phòng - Phụ trách Phòng Pháp quy, phổ biến giáo dục pháp luật.
Là người quản lý, anh luôn ý thức rõ được vai trò và trách nhiệm của mình, luôn tích cực, chủ động trong công tác tham mưu giúp lãnh đạo Sở thực hiện tốt công tác tham mưu, giúp UBND tỉnh trong lĩnh vực được phân công phụ trách như quản lý thống nhất công tác VBQPPL ở địa phương; quản lý và thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong toàn tỉnh; thực hiện công tác tự kiểm tra VBQPPL do HĐND và UBND tỉnh ban hành; thực hiện kiểm tra và xử lý VBQPPL do HĐND và UBND cấp huyện ban hành, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực trên đối với các Phòng Tư pháp.
Dù ở vị trí nào anh cũng luôn cố gắng để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, vì vậy năm 2006 anh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Pháp quy, phổ biến giáo dục pháp luật.
Năm 2009 Phòng Pháp quy, phổ biến giáo dục pháp luật được tách thành hai phòng là Phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản và Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, anh lại phải gồng gánh trên vai cả hai phòng, vừa là Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản, vừa kiêm nhiệm quản lý Phòng Phổ biến giáo dục pháp luật, công việc, trách nhiệm đè nặng trên đôi vai của chàng trai đến từ Thái Bình có thân hình nhỏ bé, có lúc tưởng chừng như không thể làm được.
Nhưng với nỗ lực và quyết tâm, anh vẫn dìu dắt cả hai Phòng đi lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với vai trò là người quản lý, anh không những phân công công việc cho các công chức trong Phòng một cách khoa học, hợp lý để công chức phát huy được năng lực, sở trường trong thực hiện nhiệm vụ mà với anh em, đồng nghiệp anh luôn vui vẻ, hòa đồng, chúng tôi thường đùa nhau mỗi khi rảnh rỗi rằng, “anh như một cuốn bách khoa” để giải đáp tất cả những thắc mắc của chúng tôi trong công việc cũng như trong cuộc sống.
Giờ đây khi ở tuổi 42 với hơn 18 năm công tác trong ngành Tư pháp, với những nhiệt huyết, quyết tâm và những cống hiến của anh, nhiều năm liền tập thể Phòng đã liên tục được UBND tỉnh công nhận là Tập thể lao động xuất sắc và được Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Tư pháp tặng Bằng khen về thành tích công tác. Năm 2013 Phòng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
Bản thân anh Thiếp nhiều năm liền đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, nhận Bằng khen của Chủ tịch tỉnh, Bằng khen của Bộ Tư pháp. Năm 2014 anh được Bộ Tư pháp tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Tư pháp. Cũng trong năm này, anh được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba. Nhiều thành tích được ghi nhận song khi được hỏi về những thành tích ấy, anh chỉ cười khiêm tốn.
Có lẽ với anh, hạnh phúc chính là luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và sau mỗi ngày làm việc được trở về bên người vợ yêu thương, tảo tần và hai đứa con ngoan ngoãn, học giỏi. Còn với chúng tôi, những thế hệ đi sau thì anh vẫn mãi là tấm gương để chúng tôi soi mình.