Ngôi chùa gắn liền giai thoại chuyện tình ngang trái của công chúa nhà Nguyễn

Đại Giác cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Nam.
Đại Giác cổ tự là một trong những ngôi chùa cổ nhất miền Nam.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Không chỉ là chứng nhân lịch sử của thời khẩn hoang mở cõi, chùa cổ Đại Giác còn là nơi từng cưu mang vua Gia Long và gắn liền với giai thoại về một mối tình đơn phương, bi thảm của công chúa nhà Nguyễn với một vị thiền sư.

Chùa Đại Giác ở Cù Lao Phố - một hòn đảo nằm giữa sông Đồng Nai (thuộc khu phố Nhị Hòa, phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa) được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ nhất đất phương Nam.

Ngôi cổ tự lưu dấu chân vua

Một số ghi chép và thông tin còn lưu lại ở chùa Đại Giác cho rằng, chùa này được dựng từ năm 1412, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ lợp tranh thờ Phật, giữa vùng đất hoang sơ vắng vẻ. Hàng trăm năm sau, khi dân cư đến Cù Lao Phố ngày một đông đúc, một ngôi chùa được xây dựng trên nền am thờ. Thời điểm xây dựng chùa, theo các ghi chép, được cho là khoảng vào năm 1665.

Truyền rằng, trong giai đoạn xuôi Nam để tránh sự truy đuổi quân Tây Sơn, những năm cuối thế kỷ XVIII, chúa Nguyễn Ánh đã cùng bầu đoàn thê tử có lần dừng chân đất Đồng Nai, có thời gian nương náu ở chùa Đại Giác. Nhiều tài liệu, sách vở cho rằng, trong đoàn người khi đó có một vị công chúa nhà Nguyễn, lai lịch của nàng hiện có nhiều ý kiến khác nhau, có thông tin cho là công chúa là người con gái thứ ba vua Gia Long, tức chị ruột vua Minh Mạng, tên là Ngọc Anh. Nhưng có lưu truyền khác cho rằng, nhân vật nữ ở đây là chị vua Gia Long, tức cô vua Minh Mạng.

Chuyện kể rằng, vị công chúa này lúc bôn tẩu, tuy tuổi còn nhỏ nhưng say mê Phật học, thích ăn chay trường và tụng kinh niệm Phật. Khi đoàn người tiếp tục bôn tẩu, nàng đã xin được ở lại chùa, nương mình cửa Phật vì không muốn bị cuốn vào cuộc binh đao, tranh giành quyền lực.

Năm 1802, Nguyễn Ánh đánh bại nhà Tây Sơn, lên ngôi lấy hiệu là Gia Long. Nhớ ơn đức năm xưa, vua ban lệnh trùng tu chùa. Ngoài cho binh thợ xây dựng bài bản, tượng binh dặm nền chùa chắc chắn, vua Gia Long còn dâng cúng một pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ mít cao gần 2,5 m thờ trong chánh điện. Cũng vì chùa có bảo vật vua tặng này, dân gian sau này gọi chùa bằng cái tên là chùa Phật Lớn.

Khi đã an dân, vua triệu hồi công chúa lúc này còn đang ở chùa Đại Giác về kinh đô. Thuận ý vua cha, công chúa từ giã ngôi chùa để về Phú Xuân dù lòng vẫn muốn tiếp tục cuộc sống thanh tịnh dưới mái chùa mình đã nương nhờ thời gian qua.

Tuy nhiên sau khi đã về kinh thành, công chúa tỏ ý không muốn thành gia lập thất theo như ý muốn của vua cha và hoàng tộc. Nàng lánh mình trong phủ riêng, sớm tối với câu kinh tiếng kệ cầu cho quốc thái dân an.

Lúc bấy giờ, ở phương Nam có thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, là một bậc chân tu sáng ngời đạo hạnh, lại thông kim bác cổ và khả năng thuyết giảng Phật pháp xuất chúng. Ông là đệ tử của hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc, trụ trì chùa Từ Ân ở Gia Định (nằm tại khu vực vườn Tao Đàn ngày nay, đã bị phá hủy vào thời Pháp thuộc).

Ông được mô tả có vóc dáng cao lớn oai nghiêm đĩnh đạc, khuôn mặt tuấn tú, phúc hậu, giọng nói truyền cảm, có tài hùng biện. Ông là vị sư đầu tiên của miền Nam được vua Gia Long phong là Quốc sư.

Khi hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm lên ngôi với niên hiệu Minh Mạng (năm 1820), đã tiếp tục cho tu sửa chùa Đại Giác. Vua cũng cho mời thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành về kinh đô để thuyết pháp cho hoàng tộc. Tuy nhiên, điều ít ai ngờ là ngay khi gặp và nghe thiền sư giảng giải, vị công chúa nói trên đã đem lòng yêu thương say đắm. Dù biết là không thể nhưng vì quá thương mến, công chúa đã đề nghị thiền sư phá giới để sánh duyên với mình.

Trước tình cảnh ấy, thiền sư vô cùng khó xử, đã ân cần khuyên giải, phân tích cho nàng ngộ tỏ. Ai ngờ, công chúa đã không tỉnh ngộ mà còn nhờ vua Minh Mạng tác hợp cho mình. Giữa lúc bối rối, khó xử đó thì hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc, trụ trì chùa Từ Ân viên tịch (năm 1821). Nhân cơ hội này, thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã xin trở vào Gia Định chịu tang thầy và chấp chánh chùa Từ Ân.

Ngôi chùa cổ này xa xưa từng cưu mang chúa Nguyễn Ánh và bầu đoàn thê tử.Ngôi chùa cổ này xa xưa từng cưu mang chúa Nguyễn Ánh và bầu đoàn thê tử.

Kết thúc bi thảm

Lúc thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã rời Phú Xuân với chuyến đi không hẹn ngày về, công chúa tương tư sầu muộn đến bỏ ăn bỏ uống, người tiều tụy suy sụp. Biết chuyện, vua Minh Mạng đến thăm nhưng dù có thế nào thì tâm bệnh của công chúa vẫn không thể khá lên được. Công chúa khi đó hết lời nài nỉ vua cho phép mình vào Gia Định để cúng dường, lễ Phật.

Được vua đồng ý, công chúa và đoàn tùy tùng lên đường xuôi Nam với nhiều món lễ vật. Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành lúc này đang ở chùa Từ Ân, hay tin công chúa vào Nam, vô cùng hốt hoảng. Không muốn đối mặt với công chúa một lần nữa để thêm khó xử, nhà sư sắp đặt mọi việc, căn dặn các đệ tử đâu vào đó rồi ngài về đất Đồng Nai. Ông vào chùa Đại Giác, nơi công chúa từng quy y, quyết định nhập thất trong 2 năm.

Vượt quãng đường xa xôi cách trở nhưng khi đặt chân đến chùa Từ Ân thì trớ trêu công chúa không tìm thấy bóng hình thương nhớ. Chúng tăng ở chùa, như đã được sư Liễu Đạt Thiệt Thành dặn dò, dù công chúa có hỏi thế nào cũng đều trả lời không biết nhà sư đi đâu. Hiện thực phũ phàng, nghĩ như vậy là mãi mãi kiếp này không còn dịp gặp gỡ, công chúa đau đớn gục ngã, tâm bệnh trầm trọng hơn trước.

Thấy công chúa đổ bệnh, chúng tăng chùa Từ Ân đành kể lại chuyện nhà sư Liễu Đạt Thiệt Thành đã căn dặn trước lúc rời chùa. Công chúa khi biết thiền sư đang nhập thất ở ngôi chùa mình từng tu tập nhiều năm, liền thông báo cho quan Tổng trấn Gia Định lúc bấy giờ là Lê Văn Duyệt, là mình sẽ lên chùa Đại Giác lễ Phật. Một đoàn hộ tống sau đó đã được cử đưa công chúa viếng chùa Đại Giác.

Công chúa hương khói lễ Phật xong xuôi rồi tìm đến tịnh thất nơi nhà sư đang nhập thất. Hai người lúc này chỉ cách nhau bức tường, công chúa dù tha thiết được gặp mặt nhưng nhà sư bên trong thất vốn là bậc chân tu, một lòng nghiêm cẩn gìn giữ giới luật, giữ im lặng như không hề có chuyện gì. Người thương chỉ cách bước chân nhưng không thể nhìn mặt, công chúa đau khổ quỳ trước tịnh thất, quyết gặp mặt bằng được thiền sư.

Biết thiền sư là bậc chân tu đạo cao đức trọng, công chúa van xin rằng nếu hòa thượng không thể cho mình gặp, thì xin được thấy bàn tay của hòa thượng rồi nàng sẽ hân hoan ra về. Không còn cách nào khác, thiền sư đành đưa bàn tay qua ô cửa nhỏ ra bên ngoài để toại ý công chúa.

Như một cách để kết thúc mối tình ngang trái, bảo trọng thanh danh của một nhà tu hành, cũng là cách để thức tỉnh tỉnh công chúa, thiền sư đã đưa ra quyết định mà không ai ngờ tới. Canh ba đêm ấy, khi cả chùa đang say giấc thì châm lửa tự thiêu, để bảo toàn danh tiếng của một người tu hành và danh tiết cho công chúa. Tịnh thất phát hỏa, mọi người chạy ra dập lửa thì tịnh thất đã cháy rụi, nhục thân của thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành cũng đã cháy đen.

Công chúa đau đớn tột cùng khi biết chính vì mình không chịu từ bỏ mối tình ngang trái, dẫn đến cái chết của vị thiền sư. Ngọn lửa tự thiêu đã làm nàng thức tỉnh, nhưng không thể ngờ rằng sau đó người con gái si tình càng chìm trong đau khổ. Khi đã lo xong hậu sự cho thiền sư, ba ngày sau đó, nàng uống thuốc độc quyên sinh tại hậu viên chùa Đại Giác, kết thúc một mối tình đơn phương và ngang trái.

Xoay quanh vị công chúa được đề cập trong câu chuyện này, ngày nay trong các ghi chép, các tác phẩm đã xuất bản vẫn còn nhiều ý kiến, lý giải khác nhau, thậm chí có mâu thuẫn về lai lịch, thân phận của nhân vật.

Giai thoại chuyện tình đơn phương của nàng và thiền sư cũng có nhiều diễn biến, tình tiết không đồng nhất. Tuy nhiên, nhiều người đứng trước những bút tích dưới mái chùa cổ, nghe kể về cuộc đời và tình duyên của công chúa và thiền sư, không khỏi cảm giác bồi hồi, xót xa.

Ra đời trong giai đoạn lịch sử nhiều biến động, chuyện tình nghiệt ngã ấy có lẽ muôn thuở khiến người đời suy ngẫm. Công chúa là người từng náu nương cửa Phật tránh cuộc ly loạn binh đao, hơn ai hết là người thấu rõ thất tình lục dục ở cõi ta bà này nếu không thể buông bỏ, chỉ có thể mang đến khổ đau sầu lụy, nhưng nàng lại không cách nào tỉnh ngộ quay đầu. Cái kết của chuyện tình bi thương ấy cũng là điển hình răn dạy về sự giữ gìn thanh tịnh của tâm hồn và thể xác của những bậc chân tu chốn già lam.

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.