Dân nông thôn khó tiếp cận
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, các kênh phân phối hiện đại tổ chức theo chuỗi hiện chỉ chiếm khoảng trên 25% lượng tiêu thụ nông sản tươi sống. Xu thế này đang phát triển mạnh cùng với sự ra đời của các cơ sở phân phối hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng phân phối nông sản thực phẩm chuyên doanh và các chương trình kết nối cung cầu do bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp (DN) tổ chức. Cơ quan này dự báo, đến năm 2020 mặt hàng nông, lâm, thủy sản an toàn được cung ứng tại các kênh phân phối hiện đại có thể chiếm trên 40% thị phần trong nước.
Tuy nhiên, theo ông Mai Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội, hệ thống phân phối hiện đại (siêu thị, trung tâm thương mại) chỉ chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, trong khi lượng lớn thực phẩm lại chủ yếu thông qua hệ thống phân phối truyền thống là chợ.
Ông Anh cho rằng chợ truyền thống chính là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho mỗi gia đình Việt chứ không phải là các kênh phân phối hiện đại. “Mạng lưới chợ này được phân bố tới cấp xã, phường. Hầu hết các chợ đều có kinh doanh chế biến hàng thực phẩm. Mặt hàng chủ yếu được lưu thông qua chợ bao gồm: Thịt gia súc gia cầm, hàng hải sản tươi sống, hàng rau củ quả, hàng lương thực, ngũ cốc, hàng ăn và đồ uống, hàng thực phẩm công nghệ…”, ông Anh nói.
Chỉ trong vòng một năm, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã xác nhận thí điểm được 85 cơ sở tại 18 tỉnh, thành được cho là có chuỗi nông, lâm, thủy sản an toàn. Có thể kể ra một số chuỗi như VinEco của Tập đoàn VinGroup đầu tư lớn để sản xuất rau sạch trồng tại tỉnh Vĩnh Phúc, hay chuỗi nông sản FVF của Ngân hàng Bắc Á đầu tư tại tỉnh Nghệ An… nhưng mục tiêu hướng tới của các chuỗi này cũng chỉ nhằm cung ứng cho cư dân tại các trung tâm thành phố lớn. Hàng chục triệu dân nông thôn vẫn khó có thể tiếp cận nông sản sạch khi hệ thống cung ứng vẫn còn là một khoảng trống khó lấp đầy.
Hơn 8.000 chợ hạng 3 cần được đầu tư
Phân phối là một kênh quan trọng trong chuỗi cung ứng nông sản an toàn. Phát triển các kênh phân phối hiện đại là xu thế tất yếu. Bà Lê Việt Nga (Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương) cho biết: Nhiều năm qua, Bộ Công Thương đã có các hoạt động khuyến khích xây dựng, phát triển hệ thống cung ứng chuỗi thực phẩm an toàn như ban hành quy hoạch về chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại theo hướng vệ sinh, văn minh hiện đại; khuyến khích DN đầu tư và tạo điều kiện về thủ tục hành chính đối với mở kênh phân phối hiện đại; khuyến khích chính quyền địa phương và DN đầu tư cải tạo xây mới hạ tầng chợ đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm; tổ chức xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm tại 32 tỉnh, thành.
Ngoài các chương trình để phát triển hệ thống phân phối, được biết Bộ Công thương cũng dành một nguồn kinh phí rất lớn (khoảng hơn 30% kinh phí Quỹ xúc tiến thương mại Quốc gia) cho việc phát triển phân phối mặt hàng nông lâm thủy sản trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để phát triển hệ thống phân phối nông sản an toàn đạt chiều sâu cả chiều dọc lẫn chiều ngang, đang đòi hỏi nhiều vấn đề khác.
Bà Nga thừa nhận, một trong những hạn chế phát triển hệ thống phân phối theo chuỗi hiện nay là trách nhiệm của các đối tượng tham gia nhiều khi cũng chưa nghiêm túc, từ việc chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, cho đến duy trì được hệ thống của mình. Nhưng khó khăn lớn nhất trong việc xây dựng hệ thống phân phối nông sản an toàn theo chuỗi hiện nay, chính là nguồn lực để phát triển chuỗi này tại các vùng nông thôn.
Theo bà Nga, trong 8660 chợ truyền thống hiện nay, có tới 76% nằm ở khu vực nông thôn và 86% được xếp hạng là chợ hạng 3, có cơ sở hạ tầng rất yếu kém. “Vì thế, để tổ chức theo chuỗi, cung ứng nông sản sạch vào hệ thống chợ nông thôn là đòi hỏi rất khó khăn, cần phải có sự đầu tư hơn nữa”, lãnh đạo Vụ thị trường trong nước cho biết.
“Sân chơi của các “ông” lớn”
“Trong bối cảnh hiện nay chỉ một số ít DN lớn mới có thể xây dựng và kiểm soát được tiêu chuẩn thực phẩm an toàn trong toàn bộ chuỗi: nuôi trồng - sản xuất - chế biến - buôn bán, cung ứng thực phẩm. Đã có một số chuỗi khép kín do các công ty lớn làm chủ đạo, kiểm soát và áp đặt tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật cho toàn bộ các khâu trong chuỗi như chuỗi chăn nuôi - chế biến thịt của các công ty liên doanh và công ty thực phẩm Vissan, Đức Việt…”, Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Viện Kinh tế Việt Nam.