“Mất cả chì lẫn chài”
Theo Cục quản lý chất lượng Nông lâm và Thủy sản, Bộ NN&PTN, tính đến tháng 6/2016, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản được kiểm tra đạt yêu cầu (loại A/B) về điều kiện đảm bảo ATTP đã tăng lên 79,76%, tỷ lệ cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản xếp loại C được tái kiểm tra và nâng hạng A là 35,84%.
Cũng theo cơ quan này, tỷ lệ mẫu vi phạm qua giám sát sản phẩm rủi ro cao, nhiều bức xúc như thịt, rau, thủy sản nuôi đã giảm, có chuyển biến nhưng kết quả không đạt vẫn còn cao. “Rau có tỷ lệ mẫu vi phạm chiếm 4,2 % trong đó thuốc BVTV chiếm 3,98% giảm so với đợt cao điểm hành động về VSATTP (5,17%).
Thịt có tỷ lệ 10,93 % trong đó vi sinh chiếm 9,7% có giảm so với đợt cao điểm (15,4%), hóa chất, kahngs sinh, chất cấm, kim loại nặng chiếm 1,3% giảm so với đợt cao điểm (1,91%), thủy sản nuôi mẫu vi phạm chiếm 1,61% trong đó chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh, chất cấm chiếm 1,41% tăng so với cuối năm 2015 (1,14%)”- Cục này công bố.
Tuy nhiên, đại diện Hội Nông dân cho rằng thực ra tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh, sử dụng chất cấm, hóa chất trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và bảo quản, chế biến trên thực tế vẫn còn diễn biến phức tạp, gây bức xúc dư luận xã hội.
Theo Hội này, tính riêng trong năm 2015, cơ quan chức năng đã phát hiện 77.946 cơ sở chế biến, kinh doanh vi phạm quy định an toàn thực phẩm; 32.060 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản vi phạm sử dụng chất cấm, hóa chất kháng sinh; tiêu hủy hơn 100 tấn mỡ động vật, thịt, hải sản, cam, rau; có 4.965 người bị ngộ độc và 23 người tử vong.
“Nông sản bẩn phá hỏng thương hiệu Quốc gia”
“Một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh ATTP diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu. Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm để tăng trọng, kể cả nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng. Ở đây, "con sâu không chỉ làm rầu nồi canh" mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm...”- chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh.
Hậu quả của một nền sản xuất thực phẩm không an toàn đang khiến nông sản Việt không chỉ mất niềm tin đối với người tiêu dùng ở thị trường nội địa mà còn đang mất dần “đầu ra” ở thị trường nước ngoài.
Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh, một thực trạng đáng lo ngại là tình trạng vi phạm các quy định về chất lượng và vệ sinh ATTP diễn ra kéo dài và không giảm bớt ở hầu hết các thị trường chủ yếu.
“Điển hình là thủy sản xuất sang Nhật Bản thường xuyên gặp khó khăn do vượt dư lượng kháng sinh cho phép, bị bơm nước hay tạp chất vào tôm để tăng trọng, kể cả nhét đinh vào đầu tôm để tăng trọng lượng.
Ở đây, "con sâu không chỉ làm rầu nồi canh" mà còn phá hỏng thương hiệu quốc gia khi phía Nhật Bản nhiều lần đe dọa đình chỉ nhập khẩu tôm...”, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh ngán ngẩm.
Theo chuỗi mới truy xuất được nguồn gốc
Theo ông Mạc Quế Anh, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, cơ quan quản lý phải cố gắng hơn, siết chặt các quy định và thanh, kiểm tra để giám sát, ngăn chặn tối đa thực phẩm không an toàn trên thị trường.
Các cơ quan chức năng của Nhà nước, các hiệp hội cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thanh tra, trừng phạt nghiêm khắc các hành vi vi phạm pháp luật, gây tác hại đến sức khỏe cộng đồng và làm mất uy tín của nông sản nước nhà.
Tuy nhiên, ngoài việc tuân thủ quy định về ATTP của các cơ sở kinh doanh, nhất là các cơ sở nhỏ lẻ chưa cao, còn nhiều hạn chế, trách nhiệm, sự vào cuộc của một số địa phương trong công tác ATTP còn hạn chế theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân thực phẩm bẩn tràn lan còn do việc chậm truy xuất, điều tra xử lý sự cố mất ATTP.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho rằng để giúp nông sản an toàn phát triển, người tiêu dùng cần nâng cao vai trò trong việc cùng chung tay hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng nông sản.
Trong đó, chấp nhận và ủng hộ nông sản có xuất xứ, xác nhận an toàn với giá cả hợp lý, nói không với thực phẩm bẩn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội có chức năng giám sát, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, vi phạm hình sự lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.
“Ví dụ, để đưa thực phẩm sạch vào các chợ cần bổ sung thêm các trạm kiểm soát tại các cửa ngõ ra vào thành phố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn thực phẩm lậu, không rõ nguồn gốc. Cùng với đó là xây dựng cách thức truy xuất nguồn gốc thực phẩm cũng để hạn chế thực phẩm bẩn”- đại diện Bộ Công thương đưa ra giải pháp.
Liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn, bà Võ Ngân Giang, đại diện FAO nhấn mạnh, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, kênh phân phối nào, có đạt yêu cầu an toàn thực phẩm, có chứng chỉ an toàn không?
Do đó, nhà sản xuất cũng phải tự hỏi người tiêu dùng có tin chất lượng sản phẩm của mình không? Khi có sự việc xảy ra cần phải nhanh chóng xác định mắt xích bị lỗi: sản xuất hay phân phối, bảo quản.
"Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi thức ăn hoặc thực phẩm qua các công đoạn sản xuất, chế biến và phân phối cụ thể. Trong những năm qua các loại bệnh có nguồn gốc động vật có thể lây lan cho con người, các vi phạm sinh vật gây bệnh như H5N1… Vì vậy cần truy xuất để loại bỏ các mầm mống bệnh tật này", bà Giang chia sẻ.