Ngang nhiên dựng xưởng, hoạt động trái phép
Trong vai người thu mua gỗ dăm, chúng tôi tìm đường lên xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đến xưởng sản xuất gỗ dăm của Cty TNHH sản xuất chế biến và thương mại Thắng Lợi (Cty Thắng Lợi) mà người dân ở đây gọi là “xưởng của thầy Lợi”.
Xưởng thầy Lợi băm dăm ngày đêm với công suất lên đến cả trăm tấn. Hàng ngày, xe tải chở keo rầm rập đi vào khu vực sản xuất. Sau đó, keo được tách vỏ và băm thành gỗ dăm rồi chất lên xe kéo chở đi.
Không riêng huyện Quỳ Hợp mà tại xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, Cty CP đầu tư và sản xuất Thành Phát (Cty Thành Phát) cũng xây dựng trụ sở và nhà máy để kinh doanh gỗ dăm trái phép.
Được biết, trước đó Cty Thành Phát được tỉnh Nghệ An cho chủ trương đầu tư sản xuất gỗ thanh và than nhiên liệu. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã thu mua nguyên liệu, tiến hành hoạt động băm dăm trái phép để xuất bán.
Theo quan sát của chúng tôi, khu vực sản xuất của Cty Thành Phát được đầu tư bề thế với các dây chuyền hoạt động chuyên nghiệp. Vì hoạt động trái phép nên nhà xưởng này luôn có lực lượng túc trực, theo dõi người lạ. Thấy những ai “không liên quan” đến hoạt động kinh doanh trong ngành gỗ, lập tức “người đưa tin” sẽ nhấc máy báo cho ông chủ.
Để kiểm chứng các thông tin từ người dân địa phương, đêm 20/1/2016, chúng tôi đã mục kích các hoạt động của xưởng gỗ bất hợp pháp này. Theo đó, nhiều xe chất đầy gỗ oằn mình chạy trên con đường mòn vào tập kết trong xưởng của Cty Thành Phát. Ngay trong khu vực xưởng, nguyên liệu được bốc dỡ xuống, trong khi đó, băng chuyền và máy móc tạo ra sản phẩm dăm gỗ rầm rầm hoạt động hết công suất...
Dấu hiệu “bảo kê” xưởng gỗ dăm trái phép
Trước tình trạng hoạt động bất hợp pháp, tỉnh Nghệ An đã có văn bản yêu cầu xử lý các xưởng gỗ dăm trái phép nhưng nhiều nơi vẫn chưa xử lý quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu “bảo kê” cho các xưởng gỗ dăm này.
Từ năm 2010, UBND tỉnh Nghệ An đã ngừng cấp phép các dự án nhà máy chế biến gỗ dăm và sản xuất gỗ dăm. Tại Kết luận số 02-KL/TU ngày 13/5/2011 gửi các sở, ban ngành trên địa bàn, Tỉnh ủy Nghệ An chỉ đạo rõ “… không thu hút đầu tư chế biến gỗ dăm”.
Trong khi đó, tháng 4/2015 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã ban hành Công văn số 2775/BNN-CB yêu cầu xem xét thẩm định theo hướng không phê duyệt các dự án mới về xây dựng cơ sở sản xuất dăm gỗ xuất khẩu tại nhiều khu vực, trong đó có Nghệ An.
Dù lãnh đạo tỉnh Nghệ An và Bộ NN&PTNT đã có chỉ đạo cụ thể như vậy nhưng Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nghệ An vẫn cấp đăng ký ngành nghề kinh doanh cho Cty Thắng Lợi: “Tận dụng gỗ tạp vườn, cành, ngọn, bìa, bắp, keo để xay dăm”. Lợi dụng điều này, doanh nghiệp đã dựng hẳn một dây chuyền băm dăm với công suất hàng trăm tấn mỗi ngày, hoạt động trái phép tại xã Đồng Hợp.
Mặc dù công khai hoạt động nhưng chính quyền sở tại là UBND huyện Quỳ Hợp vẫn không có động thái gì ngăn chặn. Khi chúng tôi tiếp xúc làm việc cũng không nhận được câu trả lời. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương Nguyễn Hữu Hiền cho rằng, sau khi chính quyền qua kiểm tra thì lâu nay “họ (Cty Thành Phát) không sản xuất gỗ dăm nữa”.
Tuy nhiên, khi chúng tôi cung cấp thông tin, hình ảnh tối 20/1/2016 vẫn thấy Cty Thành Phát sản xuất gỗ dăm, xe chở keo vẫn ra vào thì ông Hiền lại cho rằng Cty Thành Phát là công ty sản xuất ván ép và than nhiên liệu, thỉnh thoảng khi huyện kiểm tra vẫn thấy doanh nghiệp băm gỗ nhưng không nhiều. “Vì việc băm gỗ cũng giúp chế biến than nhiên liệu nên khó xử lý”, ông Hiền nói.
Được biết, ngày 24/12/2015, UBND tỉnh Nghệ An có Công văn số 9444/UBND-CNTM giao Sở NN&PTNT phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan “kiểm tra hoạt động sản xuất gỗ dăm không phép”, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 20/1/2016. Tuy nhiên, ngày 21/1/2016, trả lời chúng tôi, Phó Chủ tịch Nguyễn Hữu Hiền cho biết, huyện chưa nhận được sự phối hợp nào của Sở NN&PTNT như chỉ đạo của tỉnh Nghệ An.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 3 nhà máy được cấp phép và nằm trong quy hoạch chế biến gỗ, rừng trồng làm dăm gỗ và bột giấy xuất khẩu. Việc mọc lên các xưởng sản xuất dăm gỗ trái phép đang khiến các nhà máy này rơi vào khó khăn vì thiếu nguồn nguyên liệu. Để “con voi chui lọt lỗ kim” như vậy, chính quyền sở tại khó tránh khỏi hồ nghi của dư luận về dấu hiệu bao che, lợi ích nhóm.