Nguồn tin PLVN còn cho biết, nhà thầu này đã hai lần phát văn bản để “đốc” nợ đối với chủ đầu tư – Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), đồng thời “đe” sẽ khiếu nại đòi bồi thường chi phí tài chính do chậm thanh toán theo các điều khoản đã ký trong hợp đồng.
Nhà thầu vượt 6,5% kế hoạch
Ngoài Sumitomo Mitsui, trong liên danh thi công Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) còn có 2 nhà thầu nội đó là Cienco 4 và TCty Xây dựng Trường Sơn. Theo đại diện chủ đầu tư - PMU2, đây là một liên danh mạnh, từng tham gia thi công nhiều công trình lớn của ngành Giao thông.
Ở dự án này, với vai trò là nhà thầu chính, Sumitomo Mitsui đảm nhận thi công cầu dẫn Hải An, kết cấu phần dưới cầu chính, kết cấu phần dưới cầu dẫn Cát Hải…; Cienco 4 thi công 5,6km đường dẫn Cát Hải, kết cấu phần trên cầu dẫn Cát Hải và cầu chính…; TCty Xây dựng Trường Sơn khối lượng ít hơn - với 4,5km đường dẫn Hải An, thảm bê tông nhựa, sơn kẻ mặt đường cầu dẫn Hải An…
Đến cuối năm 2015, tổng giá trị liên danh thực hiện đạt 4.494 tỷ đồng/7.632 tỷ đồng (đạt gần 59% giá trị hợp đồng). “Liên danh nhà thầu đã vượt 6,5% so với kế hoạch. Trong đó, Cty TNHH xây dựng Sumitomo Mitsui dẫn đầu với giá trị sản lượng 3.323 tỷ đồng/5.058 tỷ đồng, tương đương 66% tổng giá trị của nhà thầu này. Tiếp đến, Cienco 4 với 47% và “Tổng” Trường Sơn hơn 43% giá trị sản lượng.”, ông Bùi Huy Kiểm - Trưởng phòng Quản lý dự án 3 (PMU2) nói.
Hiện tại, trên thực địa, Cienco 4 đã xử lý xong 100% phần đất yếu, phần cầu đã xong bệ và thân mố A2, 10/12 thân trụ thẳng…; TCty Xây dựng Trường Sơn hoàn thiện việc thi công cầu tạm Sông Cấm và đã tiến hành đóng cọc ván thép quanh mố A2, đắp nền bù lún giai đoạn 1 đạt 90% kế hoạch; còn nhà thầu Nhật đã triển khai thi công đồng loạt các hạng mục của phần cầu.
Khất nợ!
Đại diện PMU 2 xác nhận, thời gian qua, liên danh nhà thầu rất nỗ lực trước những đòi hỏi về tiến độ của chủ đầu tư. Thế nhưng, điều kiện quan trọng để nhà thầu có thể chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công đó là tài chính thì không được chủ đầu tư đáp ứng kịp thời.
Vì thế, cuối tháng 11/2015 ông Hitoshi Yamaji, Giám đốc điều hành Dự án Tân Vũ - Lạch Huyện đã có văn thư gửi Tổng Giám đốc PMU2 và Trưởng đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam cho biết, họ đang bị thiếu nợ lên tới hơn 157 tỷ đồng; đồng thời đề nghị sớm nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam.
“Trước đó, nhà thầu được chủ đầu tư giải thích rằng, vốn đối ứng sẽ được Văn phòng Chính phủ phê duyệt trong tháng 9/2015. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về việc phê duyệt này…”, ông Hitoshi Yamaji lưu ý.
Liên quan vấn đề trên, Tổng Giám đốc Cienco 4 Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết thêm: “Do chậm thanh toán nên doanh nghiệp buộc phải đi vay ngắn hạn để đắp vào duy trì dự án. Tiến độ thi công nói chung là cơ bản đảm bảo, nhưng hạch toán kinh tế của doanh nghiệp chắc chắn sẽ ảnh hưởng. Nhưng may là còn vay được vốn ngân hàng nên vẫn đảm bảo được nguồn vật tư phục vụ thi công”.
Được biết, nhu cầu vốn đối ứng năm ngoái của dự án này là 400 tỷ đồng nhưng thực tế mới bố trí được 150 tỷ đồng. Như vậy, đến thời điểm này, chủ đầu tư đang nợ liên danh nhà thầu nói trên khoảng 270 tỷ đồng.
“Đây là thực trạng chung với các dự án ODA chứ không riêng gì đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện. Cụ thể, do ngân sách của ta có khó khăn nên vốn đối ứng năm 2015 cho các dự án ngành Giao thông chỉ đủ dùng trong vòng 1 quý (đến tháng 4/2015 giải ngân hết). Vì thế, chúng tôi đã phải đề nghị bổ sung thêm khoảng 7.000 tỷ đồng”, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông giải thích.
Nguồn tin của PLVN còn cho biết, 2 tháng cuối năm 2015, Sumitomo Mitsui đã 2 lần có văn bản “đốc” nợ chủ đầu tư. Lời lẽ văn bản khá ngắn gọn và lịch sự nhưng đoạn cuối, đại diện nhà thầu Nhật không quên “chốt” câu: “Nhà thầu xác nhận với chủ đầu tư rằng, nhà thầu có quyền yêu cầu thanh toán phí tổn tài chính do thanh toán chậm theo Điều 14.8 của Điều kiện chung”. Đại ý là nếu để dây dưa, nhà thầu sẽ căn cứ theo luật để khiếu nại đòi bồi thường.
Thực tế thì việc này không phải là không thể xảy ra bởi cách đây 3 năm, một nhà thầu Nhật khác (Cty TNHH xây dựng Tokyu) từng yêu cầu đòi bồi thường 200 tỷ đồng do phía Việt Nam chậm bàn giao mặt bằng dẫn tới việc thi công Dự án cầu Nhật Tân (Hà Nội) của họ bị ảnh hưởng.
Theo Trưởng phòng Quản lý dự án 3 Bùi Huy Kiểm, trước tình thế này, PMU2 buộc phải trấn an và tìm cách khất nợ nhà thầu để tiếp tục duy trì tiến độ dự án. “Cụ thể, nhu cầu vốn đối ứng năm nay là 650 tỷ đồng, nhưng mới bố trí được 87 tỷ. Trong khi chưa có vốn, chúng tôi dự kiến sẽ trả lãi chậm thanh toán cho nhà thầu theo quy định trong hợp đồng; ngoài ra, còn tính đến phương án cho nhà thầu miễn thuế nhập khẩu vật tư, thiết bị phục vụ dự án”, ông Kiểm nói.
Vốn đối ứng năm 2015 chỉ đủ dùng… 3 tháng
“Đây là thực trạng chung đối với các dự án ODA chứ không riêng gì Dự án đường ô tô Tân Vũ – Lạch Huyện. Do ngân sách của ta có khó khăn nên vốn đối ứng năm 2015 cho các dự án ngành Giao thông chỉ đủ dùng trong vòng 1 quý (đến tháng 4/2015 giải ngân hết). Vì thế, chúng tôi đã đề nghị bổ sung thêm khoảng 7.000 tỷ đồng”.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông