Gần 18h cùng ngày, UBND thành phố Hà Nội nhận được tin từ Ban quản lý Hồ Gươm thông báo cụ Rùa hồ Hoàn Kiếm đã chết nổi trên mặt nước.
Sau khi nhận thông tin, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội và UBND quận Hoàn Kiếm cử cán bộ ra hiện trường làm các thủ tục liên quan.
UBND thành phố cũng quyết định chuyển xác cụ Rùa về Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam - Thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.
UBND thành phố Hà Nội cho biết thêm, cụ Rùa chết là do quy luật tự nhiên "sinh-lão-bệnh-tử", đặc biệt dịp này thời tiết xấu cũng là một trong những nguyên nhân khiến cụ Rùa ra đi.
Anh Vũ Văn Hiển, trú tại huyện Lạng Giang, Bắc Giang, là một trong những người đầu tiên phát hiện cụ Rùa chết cho biết, anh và một số người khác thấy xác cụ Rùa nổi lập lờ góc hồ phía đường Lê Thái Tổ. Anh Hiển đã tra mạng tìm đường dây nóng của Ban quản lý Hồ Gươm và thông báo sự việc. Khi đưa vào gần bờ, anh lội xuống xem thì thấy xác cụ Rùa đã bị phân hủy.
Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm cùng với người dân đã đưa rùa vào ven bờ, tiến hành lau qua cơ thể rùa.
Chiều tối cùng ngày, Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) thông báo cho nhà nghiên cứu rùa học - Phó giáo sư, Tiến sỹ Hà Đình Đức việc rùa Hồ Gươm chết và mời ông đến hiện trường xác nhận.
Theo Nhà nghiên cứu rùa học, năm 2015 số lần cụ rùa hồ Gươm nổi lên mặt nước khá ít. Tháng 11 nổi hai lần, tháng 12 nổi một lần. Trung bình mỗi tháng cụ rùa nổi vài lần, trong khi những năm trước, trung bình một tháng nổi khoảng chục lần. Lần cuối cụ rùa nổi lên là từ 10h đến 12h ngày 21/12/2015, gần khu vực đối diện đường Lê Thái Tổ.
Rùa hồ Gươm là cá thể cái. Năm 2011 rùa được đưa lên bờ để chữa trị các vết lở loét trên thân trong hơn ba tháng. Khi đó rùa có chiều dài toàn thân là 185 cm, chiều rộng mai 100 cm, chiều dài đuôi là 35 cm, nặng 169 kg.