Dân “trắng tay” sau gần 20 năm được giao đất?!
Ngày 22/01/1995, ông Sơn ký “Khế ước giao khoán đất rừng tự nhiên, có thảm thực vật cần bảo vệ thuộc rừng phòng hộ” số 49 KU/UBvới UBND huyện Quỳnh Lưu (đại diện là Hạt trưởng Nguyễn Xuân Chất). Theo nội dung Khế ước này, ông Sơn được Nhà nước giao khoán tổng diện tích là 145 ha với thời hạn giao đất là 50 năm để sử dụng vào mục đích xây dựng rừng phòng hộ. Song song với việc ký kết hợp đồng này, ngày 30/2/1995, ông Sơn cũng ký Hợp đồng quản lý, bảo vệ rừng với Hạt kiểm lâm Quỳnh Lưu.
Trong quá trình trồng rừng, nhận thấy một số diện tích rừng đạt hiệu quả không cao nên ngày 16/5/2003, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 1805/QĐ-UBND theo đó quyết định chuyển đổi một số diện tích đất lâm nghiệp sang đất sản xuất nông nghiệp, trong đó có phần diện tích đất rừng của gia đình ông Sơn . Thế nhưng gia đình ông Sơn không được sử dụng diện tích đất được chuyển đổi kia.
Bởi ngày 10/12/2003, UBND xã Tân Thắng đã lấy toàn bộ diện tích đất rừng (được chuyển đổi) thuộc diện tích đất của gia đình ông Sơn đang quản lý, sử dụng (khoảng 20ha) để giao cho 2 xóm (xóm 26/3 và xóm 2/9) thầu khai hoang sản xuất trồng dứa với thời hạn là 05 năm. Không đồng ý với việc này, ông Sơn đã khiếu nại tới cơ quan có thẩm quyền để đề nghị trả lại đất. Tại văn bản trả lời, UBND xã Tân Thắng kết luận: đây không phải là thu hồi đất mà là thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh Nghệ An và huyện Quỳnh Lưu về việc chuyển mục đích sử dụng đất. Năm 2009, khi đã hết thời gian thầu sử dụng đất, gia đình ông Sơn được nhận lại đất để tiếp tục sử dụng.
Ngày 06/9/2013, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã ra Quyết định số 57/QĐ-CT: Quyết định thay lý Khế ước giao khoán đất cho gia đình ông Sơn năm 1995 và đề nghị gia đình hoàn trả lại đất. “Trước quyết định này, gia đình tôi không đồng ý bởi tôi cho rằng đây là quyết định trái thẩm quyền, không phù hợp với thể thức văn bản và quy định pháp luật” - ông Sơn cho hay.
Do có kế hoạch thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn tại xã Tân Thắng nên UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định 3946/QĐ-UBND (năm 2013) về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và Quyết định 381/QĐ-UBND (tháng 3/2014) về việc thu hồi đất. “Theo các quyết định này thì gia đình tôi bị thu hồi toàn bộ 145ha đất rừng được giao năm 1995 nhưng lại không được bồi thường về đất mà chỉ được bồi thường về hoa màu trên đất” – ông Sơn nói.
Tiếp lời ông Sơn cho biết đến thời điểm này, gia đình ông vẫn không hiểu được dựa vào căn cứ nào mà khi UBND tỉnh chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất năm 2003, gia đình ông lại bị UBND xã lấy 1 phần diện tích đất và giao cho cá nhân khác được quản lý, sử. Bên cạnh đó, gia đình ông Sơn cũng thắc mắc tại sao năm 2013, năm 2014 khi UBND huyện có Quyết định thu hồi đất và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, gia đình ông lại không được bồi thường về đất trong khi toàn bộ hồ sơ, giấy tờ về việc giao và sử dụng đất gia đình vẫn còn lưu giữ đầy đủ và gia đình ông cũng không có bất cứ sai phạm gì trong quá trình sử dụng đất?
Vì đâu nên lỗi?!
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Phan Thị Lam Hồng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội cho biết: “Việc giao đất mà gia đình ông Sơn đang quản lý, sử dụng cho cá nhân khác là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc thu hồi, bồi thường đất đối với gia đình ông Sơn, UBND huyện Quỳnh Lưu chưa thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục và xây dựng phương án bồi thường khi thu hồi đất”.
Luật sư Hồng phân tích: Thứ nhất, theo các quy định của pháp luật tại Nghị định số 02/CP ngày 15/01/1994 của Chính phủ, Quyết định số 202/TTg ngày 02/5/1994 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên ngành của Bộ lâm nghiệp thì việc ký kết Khế ước về việc giao đất lâm nghiệp cho gia đình ông Sơn là đúng với quy định của pháp luật thời điểm này. Bên cạnh đó, theo thỏa thuận tại Khế ước thì chỉ khi Nhà nước thu hồi đất hoặc người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế hoặc xảy ra sự kiện bất khả kháng thì việc giao đất theo khế ước mới bị hủy bỏ.
Thế nhưng năm 2003, khi thực hiện chủ trương chuyển mục đích sử dụng đất của UBND tỉnh, UBND xã Tân Thắng đã tuỳ tiện lấy phần đất của gia đình ông Sơn (thuộc phạm vi chuyển đổi theo quyết định của UBND tỉnh) để giao cho các cá nhân khác khai thác, trồng dứa trong vòng 05 năm.
Điều này là trái với quy định của pháp luật bởi đối với đất đã giao cho hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng mà muốn giao cho hộ gia đình, cá nhân khác thì cơ quan có thẩm quyền (UBND huyện Quỳnh Lưu hoặc UBND tỉnh Nghệ An) phải tiến hành thủ tục thu hồi đất hoặc thỏa thuận với người dân để chấm dứt Khế ước giao đất đã ký kết. Sau đó, khi đã nhận bàn giao đối với thửa đất thu hồi thì mới được quyền giao cho người khác để quản lý, sử dụng.Vậy nên việc UBND huyện, tỉnh chưa có quyết định thu hồi mà UBND xã Tân Thắng đã lấy đất của gia đình ông Sơn để giao cho hộ khác là hoàn toàn trái với quy định của pháp luật.
Thứ hai, việc ban hành Quyết định thanh lý Khế ước giao đất của Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu hoàn toàn tuỳ tiện, không đúng quy định pháp luật.
Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định về việc thanh lý Khế ước ngày 22/01/1995 đối với hộ gia đình ông Sơn. Việc thanh lý này là không đúng thẩm quyền bởi vì cơ quan tiến hành việc giao đất cho ông Sơn là UBND huyện Quỳnh Lưu – là cơ quan Nhà nước, trong khi đó Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu chỉ là doanh nghiệp Nhà nước, không có quyền, nghĩa vụ gì trong việc giao đất trên nên hoàn toàn không có quyền thanh lý Khế ước này.
Thứ ba, trình tự thủ tục thu hồi đất để thực hiện dự án bố trí sắp xếp dân cư vùng đặc biệt khó khăn, vùng sạt lở đất, sạt lở bờ sông, sạt lở núi tại xã Tân Thắng đã được thực hiện không đúng quy định pháp luật.
Việc thu hồi đất trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu trong đó có diện tích đất của gia đình ông Sơn là không đúng với quy định của pháp luật về trình tự thu hồi đất, bởi theo quy định tại khoản 2 Điều 31 Nghị định 69/2009/NĐ-CP thì sau khi ban hành Quyết định thu hồi đất, cơ quan tài nguyên và môi trường trình UBND cùng cấp phê duyệt và công bố công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nghĩa là lúc này UBND cấp có thẩm quyền mới được tiến hành phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Trong trường hợp này, UBND huyện Quỳnh Lưu lại ban hành Quyết định phê duyệt phương án chi tiết giá trị bồi thường ngày 25/11/2013 (theo Quyết định số 3946) rồi mới có Quyết định thu hồi đất số 381 ngày 10/3/2014 là đi ngược lại với quy trình thu hồi đất theo quy định của pháp luật.
Thứ tư, việc thu hồi đất đã sử dụng suốt hai mươi năm, đủ điều kiện được cấp GCNQSDD nhưng không bồi thường về đất là trái với quy định của Luật Đất đai năm 2003.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Đất đai năm 2003 vàĐiều 8 Nghị định 197/2004/NĐ-CP thì khi Nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất mà người bị thu hồi đất có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 50 của Luật đất đai 2003, có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai thì đủ điều kiện để được bồi thường về đất.
Gia đình ông Sơn đượcgiao đất theo Khế ước năm 1995, việc ký kết Khế ước và nội dung Khế ước là đúng với các quy định của pháp luật về giao đất lâm nghiệp(như đã phân tích ở trên). Do đó có thể khẳng định gia đình ông Sơn đủ điều kiện để được bồi thường về đất theo các quy định của pháp luật.
PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.