“Cuộc đời phi thường” của Công tước xứ Edinburgh
“Với nỗi buồn sâu sắc, Nữ hoàng đã thông báo về cái chết của người chồng yêu quý, Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh”, thông cáo của điện Buckingham viết.
Ông qua đời đúng 12 ngày trước sinh nhật lần thứ 95 của Nữ hoàng Elizabeth và khi chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày sinh nhật 100 tuổi của ông. Nhiều năm trở lại đây, sức khỏe Hoàng thân Philip ngày càng yếu dần do bệnh tật, trong đó có bệnh tim và nhiễm trùng bàng quang.Hoàng thân Philip hầu như không xuất hiện trước công chúng kể từ khi rút khỏi các hoạt động của Hoàng gia Anh năm 2017.
Thủ tướng Anh Boris Johnson ra tuyên bố về việc Hoàng thân Philip qua đời ngay sau khi Cung điện Buckingham công bố tin tức. Ông bày tỏ lòng tôn kính với chồng Nữ hoàng Anh, khẳng định nước Anh cảm ơn vì “cuộc đời phi thường” của Công tước xứ Edinburgh.
Phát biểu bên ngoài Phủ Thủ tướng Anh, ông Johnson nói gia đình Hoàng gia “mất đi không chỉ một nhân vật được công chúng yêu mến và kính trọng mà còn mất đi một người chồng tận tụy, một người cha, người ông vĩ đại, đáng tự hào”. “Hoàng thân Philip đã giành được tình cảm của nhiều thế hệ ở Anh, trên khắp Khối thịnh vượng chung và trên toàn thế giới... Hôm nay, chúng tôi xin gửi lời chia buồn tới Nữ hoàng và gia đình bà. Chúng tôi gửi lời cảm ơn vì cuộc đời phi thường của Hoàng thân Philip, Công tước xứ Edinburgh”, Thủ tướng Johnson nhấn mạnh.
Không lâu sau thông báo về sự ra đi của Hoàng thân Philip từ Cung điện Buckingham, Phố Downing hạ cờ rủ để tưởng nhớ ông.Cái chết của Hoàng thân Philip khiến các đảng ở Anh tạm ngừng vận động chính trị trước cuộc bầu cử vào tháng 5 tới.
Lãnh đạo các nước cũng gửi lời chia buồn sau sự ra đi của Hoàng thân Philip. Thủ tướng Australia Scott Morrison khẳng định chồng của Nữ hoàng Elizabeth “là hiện thân của cả một thế hệ”.Nhắc lại việc Hoàng thân Philip tới thăm Australia 20 lần, ông Morrison cho biết,“người dân Australia gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới Nữ hoàng và toàn thể Hoàng gia”.
Hoàng gia Anh treo biển thông báo về sự qua đời của Hoàng thân Philip bên ngoài Cung điện Buckingham. |
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern gửi lời chia buồn tới Nữ hoàng Anh vào thời điểm đau buồn này. “Hoàng thân Philip sẽ được trân trọng ghi nhớ vì sự khích lệ mà ông dành cho rất nhiều thanh niên New Zealand thông qua Giải thưởng Hillary của Công tước xứ Edinburgh. Trong hơn 50 năm Giải thưởng này được trao ở New Zealand, hàng ngàn người trẻ đã thay đổi cuộc đời của mình”, bà Ardern xúc động nói.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng gửi lời chia buồn, nhấn mạnh Hoàng thân Philip “đã có một sự nghiệp xuất sắc trong quân đội và đi đầu trong nhiều sáng kiến phục vụ cộng đồng”.
Tại Thụy Điển, Vua Carl XVI Gustaf ca ngợi Công tước xứ Edinburgh là “một người bạn tốt của gia đình chúng tôi”. “Sự phục vụ của ông ấy đối với nước Anh sẽ vẫn là nguồn cảm hứng cho tất cả chúng tôi”, Vua Carl XVI Gustaf khẳng định.
Trong một diễn biến liên quan, chỉ ít phút sau khi Hoàng gia Anh thông báo Hoàng thân Philip qua đời, người dẫn chương trình Brian Kilmeade của Fox News lập tức liên hệ cái chết của Công tước xứ Edinburgh với cuộc phỏng vấn “bom tấn” của vợ chồng Harry vào tháng trước. Cuộc phỏng vấn chứa nhiều tuyên bố chấn động về phân biệt chủng tộc và việc nhiều thành viên Hoàng gia đối xử bất công, tàn nhẫn với Meghan.
Kilmeade cho biết: “Có báo cáo nói rằng Hoàng thân Philip hết sức giận dữ sau cuộc phỏng vấn. Ông ấy đã cố gắng hồi phục nhưng ông ấy bị ảnh hưởng bởi điều đó”.
Mối tình bền chặt của cặp đôi Hoàng gia
Tạm gác những đau buồn hay sự tranh cãi, đổ lỗi thì tình yêu, lòng chung thủy và hôn nhân hơn 70 năm giữa Hoàng thân Philip và Nữ hoàng Elizabeth II mới là điều khiến công chúng ngưỡng mộ. Mối quan hệ của họbắt đầu từ khi còn trẻ. Hai người gặp nhau lần đầu trong một đám cưới Hoàng gia, khi Công chúa Elizabeth II mới 13 tuổi và Philip 18 tuổi. Mái tóc vàng, thân hình cường tráng, khuôn mặt đẹp của chàng trai dòng dõi Hoàng tử Hy Lạp đã làm xiêu lòng Công chúa Elizabeth.
Đến tháng 7/1947, cặp đôi tuyên bố đính hôn, khi cả hai lần lượt ở tuổi 21 và 26. Khoảng 4 tháng sau, lễ cưới của họ đã được tổ chức tại tu viện Westminster vào ngày 20/11/1947, 5 năm trước khi Elizabeth II trở thành Nữ hoàng Anh.
Theo quy định, các thành viên của Hoàng gia không được có hành động thân mật nơi công cộng. Bởi thế, lễ cưới của Công chúa Elizabeth và Philip không được kết thúc bằng một nụ hôn. Quy định này đã bị phá vỡ khi Công nương Diana và Hoàng tử Charles hôn nhau trên ban công Cung điện Buckingham sau đám cưới của họ vào năm 1981. Sau khi kết hôn với Công chúa Elizabeth II, Philip trở thành Công tước xứ Edinburgh. Họ tận hưởng tuần trăng mật ở Romsey, Hampshire.
Tháng 2/1952, Nữ hoàng Elizabeth II kế vị vua cha, Quốc vương George VI và đăng quang ngày 2/6/1953. Từ đó, Hoàng thân Philip luôn đồng hành cùng Nữ hoàng trong các sự kiện Hoàng gia cho đến ngày ông “về hưu” năm 2017. Kể từ khi chính thức ngừng thực hiện các nghĩa vụ Hoàng gia, Công tước xứ Edinburgh mới ít xuất hiện trước công chúng Anh.
Năm 1992, Nữ hoàng Anh đã phải trải qua thời gian khủng hoảng sau khi ba người con của bà là Thái tử Charles, Hoàng tử Andrew và Công chúa Anne cùng chấm dứt cuộc sống hôn nhân. Không dừng lại ở đó, Lâu đài Windsor, lâu đài lớn nhất thế giới và là một trong những tài sản lâu đời nhất của Hoàng gia Anh tại Berkshire đã bị lửa nhấn chìm vào ngày 20/11/1992, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày cưới của Nữ hoàng và Hoàng thân Philip. Nữ hoàng đã mô tả năm 1992 với cụm từ “annus horribilis” (năm khủng khiếp). Nhưng bà cũng rất may mắn khi có chồng luôn bên cạnh, chỉ cần nhìn vào nụ cười rạng rỡ của Nữ hoàng trong các sự kiện năm 1992 là có thể thấy.
Theo New York Times, ông được miêu tả là “đời thường” nếu so với những thành viên khác của Hoàng gia Anh. Hoàng thân Philip có thói quen tự làm mọi thứ mà không nhờ đến quản gia hay người giúp việc. Ông tự pha đồ uống mình yêu thích, từ chối để người hầu mở cửa hay mang túi của mình.
Hay đích thân Hoàng thân Philip yêu cầu các con được gửi đến trường học, trái với truyền thống của Hoàng gia Anh là để con học tập ở nhà. Ông cũng tự bài trí căn bếp của gia đình. Có thời gian khi còn trẻ, mỗi sáng, ông là người chiên trứng, trong khi Nữ hoàng Elizabeth ủ trà. Đây là cách để duy trì sự cân bằng giữa áp lực hoàng gia và cuộc sống gia đình bình thường.
Tất nhiên, Hoàng thân cũng tận hưởng những thú vui xa xỉ, có cùng sở thích như đa phần giới quý tộc Anh như chèo thuyền buồm, chơi polo hay lái máy bay. Ngoài ra, Hoàng thân Philip sử dụng phần lớn thời gian cho các hoạt động Hoàng gia, thúc đẩy phúc lợi của người dân và bảo vệ môi trường.
Là một sĩ quan hải quân nổi tiếng nhưng sau kết hôn, Hoàng thân Philip dành 65 năm trong cuộc đời mình để ủng hộ Nữ hoàng. Gần 74 năm hôn nhân, Hoàng thân Philip luôn bên cạnh và hỗ trợ Nữ hoàng trong các công việc của Hoàng gia. Ông cũng là vị quân vương đồng hành cùng nữ hoàng trong suốt 68 năm trị vì ngai vàng, nhiều hơn bất cứ vị quân vương nào trong lịch sử xứ sở sương mù lẫn trên toàn thế giới.