Khi phụ huynh thích “hơn thua”
Hai vụ việc trong ngành Giáo dục làm xôn xao dư luận gần đây nhất phải kể đến nghi án phụ huynh dàn dựng chuyện con mình bị bắt phơi nắng cổng trường tung lên mạng xã hội và việc phụ huynh xông vào lớp học đánh cô giáo bị chấn thương nhập viện.
Trong vụ việc đình đám ở Hải Phòng, dư luận sôi sục trước sự việc cháu bé bị cô giáo và sao đỏ đuổi ra ngoài cổng trường đứng giữa trời nắng như bức ảnh và câu chuyện của người mẹ kể. Để rồi, không lâu sau, một “sự thật” khác được hé lộ khi hình ảnh camera nhà dân gần đó cho thấy việc người mẹ chở con đến trường, để con đứng ngoài nắng rồi chụp ảnh và chở con về. Sau đó, người mẹ cũng lên tiếng xin lỗi và cho biết việc mình làm để phản ánh việc nhà trường không cho con vào lớp sớm.
Lo lắng nữa là sự việc hành hung giáo viên xảy ra tại một trường tiểu học ở Long An, phụ huynh nghe con mình kể bị cô giáo đánh, đã xông thẳng vào lớp học dùng mũ bảo hiểm đánh cô giáo đến nhập viện.
Từ nhiều năm nay, những câu chuyện phụ huynh hành hung, đánh đập giáo viên xảy ra không ít. Thời điểm đầu năm nay, tại quận 10, TP HCM cũng xảy ra sự việc hai học sinh một trường tiểu học có mâu thuẫn, phụ huynh tìm lên trường “tính sổ” nhau, để rồi hành hung luôn... thầy hiệu phó.
Không chỉ hở chút là “động chân, động tay” với những người từng dạy dỗ con mình, nhiều phụ huynh còn đem giá trị tiền để đo, đếm mối quan hệ giữa phụ huynh - giáo viên. Như sự việc phụ huynh kéo lên trường quốc tế tại TP HCM la ó, phản đối muốn trường này giảm học phí hơn nữa trong mùa dịch.
Không biết yêu cầu ấy có được đáp ứng hay không, hai bên có thể thỏa thuận được với nhau hay không, nhưng sau sự việc ầm ĩ ấy, giữa nhà trường và cha mẹ học sinh không dễ có thể kết nối được mối quan hệ như trước và cũng khó mà các em có thể nhìn thầy cô mình bằng con mắt kính trọng như xưa, một khi sự hục hặc tiền bạc đã thô bạo chen vào môi trường giáo dục.
Nhiều thầy, cô giáo cũng chia sẻ với nhau một bài học ứng xử với phụ huynh: Đừng quá “thân” với phụ huynh học sinh. Bởi, tại các trường học ở đô thị, có không ít trường hợp phụ huynh thường tặng quà cáp, biếu xén cho thầy, cô giáo với danh nghĩa “quý mến, cảm ơn”. Thế nhưng, đến lúc con học hành kém, có việc muốn xin thầy, cô chiếu cố, chính những món quà ấy là áp lực mà phụ huynh lấy để gây khó dễ cho thầy, cô giáo.
Những tấm gương xấu
Có thể thấy, giờ đây, không ít phụ huynh không còn xem các thầy, cô giáo là những “người đưa đò” để đưa con họ đến với bến bờ tri thức. Với họ, đó là mối quan hệ sòng phẳng của những người “nhận tiền” để dạy học kiêm bảo mẫu và những người “trả tiền”.
Một khi phụ huynh đã có suy nghĩ ấy, không tránh khỏi khi con cái của họ ngỗ ngược với thầy cô. Nhiều trường hợp, học sinh “bật” thầy cô giáo ngay trên lớp, hoặc ngang ngược cá biệt, thậm chí chặn đánh cả thầy, cô giáo cho thấy sự xuống cấp của đạo đức xã hội, nhưng xét ở gốc rễ, nó đến từ sự giáo dục của gia đình. Một khi cha mẹ không trọng thầy cô thì mong gì con họ kính yêu thầy, cô giáo của mình.
Cô Nguyễn Thị O. Y., giáo viên dạy văn cấp 2 tại quận 8, TP HCM chia sẻ, có lần, cô bắt gặp học sinh đang lấy máy điện thoại quay phim trong giờ học. Vì quy định nhà trường không cho học sinh sử dụng điện thoại nên cô phạt học sinh phải quỳ.
Chỉ như thế nhưng phụ huynh kéo đến trường, suýt đánh cô. Phụ huynh em học sinh nọ còn ngang nhiên nói: “Chính tôi bảo nó giờ học phải lấy điện thoại ra quay đó. Nghe nói cô có chửi con tôi trong giờ học nên nó phải quay, có gì còn tung lên mạng chứ để cô muốn chửi gì cũng được hay sao”.
Thực tế, đã không ít sự việc hình ảnh thầy, cô giáo bị học sinh và phụ huynh tung lên mạng nhằm “hạ bệ”. Hoặc khi chớm có mâu thuẫn, phụ huynh liền hăm dọa thầy, cô giáo “cô coi chừng tung lên mạng” hoặc “coi chừng gọi cho nhà báo”. Nhiều phụ huynh cho rằng, mạng xã hội và báo chí là công cụ hữu hiệu để họ trấn áp, trả đũa những người hàng ngày dạy dỗ con cái mình.
Đối với học sinh và phụ huynh của những thế hệ trước, tinh thần “tôn sư trọng đạo” được thấm nhuần. Với học sinh, thầy, cô giáo là những hình tượng lung linh, những “người cha, người mẹ” thứ hai, tôn kính. Với phụ huynh, đó là những “người ơn” với mình, vì đã dìu dắt, dạy dỗ con cái họ.
Nhưng, dường như xã hội càng phát triển, “chiếc cầu kiều” ngày nào đã rạn nhịp, muốn đứt gãy, đổ vỡ. Một khi phụ huynh và học sinh không còn tiếng nói chung, một khi mối quan hệ đáng ra là thiêng liêng bị vùi dập, rạn nứt thì khó trách làm sao, ngày càng nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra dưới mái trường...
Chuyên viên tâm lý Lê Thị Minh Nga: “Hiện nay, xã hội kinh tế thị trường, nhiều người lấy đồng tiền và những giá trị vật chất làm thước đo cho nhiều chuẩn mực trong cuộc sống. Đáng buồn là thước đo này lại len lỏi cả vào môi trường giáo dục. Không ít phụ huynh và nhiều người trong xã hội cho rằng quan niệm “tôn sư trong đạo” giờ đã lỗi thời.
Có một luồng quan điểm cho rằng, dạy học cũng chỉ là một nghề, cũng chỉ là cung cấp dịch vụ giáo dục cho thanh, thiếu niên. Vì thế, “người thầy” cũng không cần được đặt ở vị trí cao cả gì cả, mà cần được coi như bao người làm nghề dịch vụ khác trong xã hội, được “người mua” đòi hỏi được phục vụ tương xứng.
Bên cạnh đó, sự phát triển của mạng xã hội, nhiều phụ huynh nảy sinh cảm giác “quyền lực” và sẵn sàng khẳng định quyền lực ấy với giáo viên khi phật ý. Với quan điểm sòng phẳng nhưng lệch lạc ấy, phụ huynh dễ dàng có thái độ xem thường các thầy, cô giáo, dẫn đến ảnh hưởng đến hành xử của học sinh đối với thầy, cô mình.
Nhưng các phụ huynh không hiểu rằng, nghề giáo không chỉ là một nghề “dịch vụ” mà là một nghề đặc biệt. Trẻ hầu như có một nửa thời gian học hành ở trường và chịu ảnh hưởng về tâm lý, tư duy lẫn đạo đức không nhỏ từ nhà trường. Nói không quá, trường học “chia nửa” với cha mẹ phần hình thành nhân cách con trẻ.
Khi phụ huynh phá hủy đi kết nối chân tình giữa mình và thầy, cô giáo cũng chính là phá hủy đi hình ảnh đáng tôn kính, trân trọng của thầy, cô trong mắt con mình. Điều này dẫn đến học sinh có tâm lý chống đối, ghét bỏ, coi thường giáo viên, không thể hấp thu tốt sự dạy dỗ của thầy, cô giáo, dẫn đến những thiệt thòi, khiếm khuyết trong nhận thức của con trẻ hiện tại và về sau”.