Rối loạn tâm thần chiếm tỉ lệ 15 – 20% dân số
Tâm thần đã và đang là một loại bệnh rất phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng trong xã hội hiện nay. Theo khảo sát của Bệnh viện Tâm thần (BVTT) Trung ương I, tỷ lệ người bị rối loạn tâm thần ở nước ta chiếm tới 15 – 20% dân số.
Trong đó, các bệnh lý tâm thần thường gặp đó là rối loạn tâm thần liên quan đến các vấn đề xã hội, trầm cảm căng thẳng đang ngày càng gia tăng. Năm 2014, BVTT Hà Nội tiếp nhận tới 4.000 lượt bệnh nhân tới khám và chữa bệnh.
Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc BVTT Trung ương I nhận xét, rối loạn tâm thần là hiện tượng rất phổ biến hiện nay và tỉ lệ này ngày càng gia tăng ở các nước phát triển. Theo bác sĩ Cương, có rất nhiều nguyên nhân, yếu tố dẫn đến các rối loạn về tâm thần như: kinh tế, môi trường sống, áp lực học tập, công việc…
Những biểu hiện cụ thể của bệnh là tình trạng mất ăn, mất ngủ, giảm trí nhớ, tâm lý bất an, cảm giác uể oải, giảm nhu cầu giao tiếp… Tình trạng này kéo dài một thời gian mà không được kiểm soát sẽ dẫn tới tình trạng mắc bệnh tâm thần như: mất trí nhớ, động kinh hoặc tự kỷ…
Theo bác sĩ Nguyễn Quang Bính - Trưởng khoa Điều trị cấp và bán cấp tính nam của BVTT Hà Nội thì: “Nguyên nhân gia tăng bệnh nhân tâm thần do cuộc sống càng phát triển, áp lực từ công việc, học hành,… ngày càng nhiều. Trong khi đó mọi người không có sự am hiểu về bệnh tâm thần nên những biểu hiện nhẹ thường không được chú ý.
Tình trạng giấu bệnh, sợ xã hội dị nghị nên người bệnh thường không đi khám sớm, đến khi bệnh chuyển sang giai đoạn tâm thần, bị nặng mới đi chữa trị. Tất cả những tình trạng trên khiến cho bệnh tâm thần ngày càng tăng cao”.
38 bác sĩ/4.000 lượt bệnh nhân
Dù năm 2014 BVTT Hà Nội tiếp nhận tới 4.000 lượt bệnh nhân tới khám và chữa bệnh nhưng theo bác sĩ Lý Trần Tình - Giám đốc BVTT Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi chỉ có 38 bác sĩ chuyên khoa, trong khi nhu cầu đòi hỏi gấp đôi mới đáp ứng đủ nhu cầu như hiện nay”.
Sự thiếu hụt nhân lực này đã được phản ánh trong hội nghị của chuyên khoa tâm thần mới đây, rằng sự thiếu hụt ngay từ khâu đào tạo tại các trường đại học y trong cả nước. Hiện nay có rất ít trường đào tạo khoa tâm thần, điều này gây trở ngại lớn cho việc tuyển nhân lực cho các bệnh viện tâm thần.
Bác sĩ Lý Trần Tình cho biết: “Ngay tại các bệnh viện trung ương còn thiếu thì tuyến dưới tình trạng còn diễn ra trầm trọng hơn. Chúng tôi có đăng tuyển nhưng rất ít hồ sơ đến nộp”.
Tại BVTT Hà Nội, do thiếu trầm trọng đội ngũ bác sĩ nên hầu hết các bác sĩ đều phải làm thêm giờ các ngày trong tuần. Hàng ngày các bác sĩ trực xong thì ở lại làm thêm và thường không bố trí được ngày nghỉ cho họ.
Cũng theo ông Tình, hiện nay bệnh viện không có phương pháp nào để thu hút nhân lực. Trước đây cũng có những bác sĩ đến với bệnh viện nhưng họ chỉ làm vài ba tháng rồi cũng nghỉ do không đủ tiền thuê nhà, tiền ăn, đi lại. Quan trọng nhất là chế độ đãi ngộ với các bác sĩ vẫn chưa tương xứng công việc họ làm.
“Chúng tôi đã đề nghị lên Bộ Y tế, Chính phủ nhiều rồi nhưng nước ta còn khó khăn nên chưa được phê duyệt. Khi chọn ngành y thì ai cũng yêu nghề, nhưng quan trọng phải đủ sống. Chỉ cần có chế độ riêng, đãi ngộ cho bác sĩ để thu hút đội ngũ này. Nhưng tất cả những điều này chúng ta đều chưa làm được” – bác sĩ Tình nhấn mạnh.
Còn theo bác sĩ Nguyễn Thế Mạnh - Trưởng khoa Tâm thần trẻ em BVTT ban ngày Mai Hương chia sẻ: “Sự hấp dẫn của chuyên ngành này đối với các bác sĩ kém, môi trường cho các bác sĩ tâm thần làm việc còn gặp nhiều khó khăn, không đủ chi phí cho sinh hoạt, trong khi có thể gặp những rủi ro trong nghề rất cao.
Hành lang pháp luật để bảo vệ cho những người làm trong nghề còn thiếu. Ví dụ gặp khó khăn trong việc chăm sóc, vận chuyển, khám chữa bệnh,… cho những người bị tâm thần”.
Nên hiểu đúng về sức khỏe tâm thần
Thiếu nhân lực đã là khó khăn lớn, nhưng sự thiếu hiểu biết của người dân về bệnh tâm thần lại là rào cản xã hội lớn hơn với chính những bệnh nhân và những người làm công tác chữa trị cho họ. Bác sĩ Nguyễn Quang Bính - Trưởng khoa Điều trị cấp và bán cấp tính nam của BVTT Hà Nội buồn rầu nói: “Xã hội bây giờ rất nhiều người kỳ thị bệnh tâm thần, ngay cả đối với y, bác sĩ hay những người dân sống xung quanh khu vực bệnh viện cũng chịu những ác cảm của xã hội”.
Sự thiếu hiểu biết của cộng đồng gây nên những sức ép tâm lý đối với những người mắc bệnh khiến họ khó vượt qua bệnh tật. Bác sĩ La Đức Cương - Giám đốc BVTT Trung ương I chia sẻ: “Sức khỏe tâm thần là một phần song hành với sức khỏe của con người, người bệnh tâm thần chỉ trạng thái không còn bình thường về sức khỏe tâm thần, cần sự chăm sóc của y tế”.
Hiện nay bệnh tâm thần có khoảng 300 loại mã bệnh. Những bệnh nhân bị điên loạn, đi lang thang ngoài đường chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, 0,4% dân số. Ngoài ra còn rất nhiều bệnh lý khác, còn rất nhiều vấn đề sức khỏe tâm lý khác như: lo âu, trầm cảm, nghiện ma túy, tâm thần phân liệt, trẻ bị tăng động…