Người “ăn cơm ba miếng thịt” và bức tâm thư tố cáo sai phạm
Khoảng tháng 9/2015, một số trang mạng xã hội facbook cá nhân đã đăng tải một số hình ảnh về bữa cơm hằng ngày thiếu thốn, cuộc sống khổ sở của các bệnh nhân sinh hoạt tại Trung tâm BTXH Nghệ An (đóng tại xã Giang Sơn, huyện Đô Lương). Trong đó có cảnh bệnh nhân không mặc quần áo, suất cơm chỉ có cơm trắng và vài ba miếng thịt, bệnh nhân ăn bốc bằng tay… Những hình ảnh này đã gây bức xúc đặc biệt đối với dư luận và cộng đồng mạng.
Hình ảnh các đối tượng xã hội ở truồng, cơm ba miếng thịt mỡ (facebook Lan Đàm) |
Vừa qua, ông Hoàng Văn Quý là đối tượng được vào sinh hoạt tại từ Trung tâm BTXH năm 1991 có gửi đơn khiếu nại đến Bí Thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Sở Lao động TB&XH Nghệ An phản ánh về việc làm trái quy định của Nhà nước.
Theo đơn phản ánh, từ năm 2005, bà Nguyễn Thị Thu Phương làm vị trí bếp ăn rồi được chuyển lên làm quản lý và Phó giám đốc Trung tâm. Phụ trách chăm sóc dinh dưỡng quản lý, kiêm tiếp phẩm, đi chợ mua thức ăn hằng ngày. 9 năm nay cô Phương đều cho chúng tôi ăn, hằng ngày, hàng tháng, hằng năm toàn là chế độ cơm có ba miếng thịt mỡ cùng canh rau, quanh năm không thay đổi", đơn thư nêu.
Đơn cũng nêu: Chế độ ăn uống 9 năm nay không được công khai thực đơn trên bếp, nhưng thực đơn các đối tượng tại Trung tâm ăn theo chế độ 450 ngàn đồng/tháng, trong khi đó có nhiều loại đối tượng được hưởng các chế độ khác nhau từ 360 ngàn đến 1.080 ngàn đồng/tháng.
Cuối năm 2012, có 25 tấn gạo cứu trợ của nhà nước cấp cho chúng tôi, số gạo đã đưa về cơ quan và đã nhập vào kho, nhưng chúng tôi không được hưởng số gạo trên. Vậy cô Phương và anh Phú (Nguyễn Xuân Phú, Giám đốc trung tâm) để đâu?.
Bữa cơm hằng ngày các đối tượng xã hội trong Trung tâm ăn (ảnh facebook Lan Đàm) |
Cùng với đó gần tết 2013, 2014 có rất nhiều các cấp các ngành của các huyện, tỉnh, đoàn từ thiện trong và ngoài nước… đến tặng quà kèm kẹo bánh, mỳ chính, xà phòng, tiền nhưng lại không cho chúng tôi ăn tết. Trong 5 năm nay chúng tôi không được cấp quần áo, dép, cặp lồng, thìa, xà phòng…vậy tiền trang cấp của hàng trăm đối tượng cô Phương và anh Phú để đâu?.
Ngoài ra, đơn thư cũng phản ánh một số công tác chăm sóc sức khỏe còn có sự hắt hủi, kỳ thị với các đối tượng.
Ngày 30/9, chị Đàm Thị Lan Anh (Fanpage facebook Lan Đàm) có bức tâm gửi các cơ quan chức năng về cuộc sống của những người “điên” tại Trung tâm bảo trợ xã hội Nghệ An. “Thật bất ngờ và sốc khi hình ảnh cơm ba miếng thịt và canh được cháu tận mắt chứng kiến, chân cháu như khụy lại bởi những gì bệnh nhân chia sẻ. Được biết bữa cơm như thế này diễn ra quanh năm mà không thay đổi đó là sự thật.
Bức tâm thư của chị Đàm Thị Lan Anh |
Trung tâm BTXH là một trung tâm nhân đạo nhưng lại là trung tâm do chính những người đồng cảnh ngộ chăm sóc nhau. Đối tượng xã hội khỏe chăm bệnh nhân yếu. Bằng chứng clip quay lại bệnh nhân Hùng thường xuyên đút cơm cho 6 bệnh nhân nằm bất động, một bệnh nhân tâm thần khỏe mạnh làm thay cán bộ, trong khi Nhà nước trả lương cho các cán bộ. Bệnh nhân tâm thần rửa bát thay cán bộ, bệnh nhân luôn sống trong tình trạng ăn bốc, ở truồng…”, chị Lan Anh nêu trong tâm thư.
“Bớt xén” gần 800 triệu đồng tiền chế độ 5 năm mới phát hiện
Thực hiện chỉ đạo của Bộ LĐTB&XH, UBND, tỉnh Nghệ An chỉ đạo Sở LĐTB&XH thành lập tổ kiểm tra những vấn đề facebook và báo chí nêu. Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH Nghệ An, ông Nguyễn Đăng Dương cho biết, thời điểm tổ kiểm tra chỉ làm việc trong hai ngày dựa trên giấy tờ và thực tế tại bếp ăn nên đã báo cáo kết luận không có việc bớt xén như các trang mạng. “Kết luận của tổ kiểm tra như vậy nên tôi cũng trả lời báo chí là không có việc TTBTXH Nghệ An “bớt xén”chứ không có ý đồ bao che…”, ông Dương nói.
Cuộc sống mới tại Trung tâm đã được trang bị nhiều đồ dùng phục vụ nhu cầu các đối tượng (ảnh facebook Lan Đàm) |
Một số thiếu sót như phân luồng chỗ ăn, ở cho các bệnh nhân tâm thần nặng và nhẹ chưa thực sự hợp lý, Sở đã chỉ đạo chấn chỉnh lại công tác chăm sóc, vệ sinh và chế độ ăn uống cho các đối tượng. Vừa qua, Sở LĐTB&XH nhận được tâm thư của chị Đàm Thị Lan Anh và đơn tố cáo của hai cá nhân khác ở TTBTXH về tình trạng “bớt xén” tại TTBTXH Nghệ An. Ngày 5/10, lãnh đạo Sở LĐTB&XH đã thành lập đoàn thanh tra toàn diện đơn vị này.
Trong quá trình làm việc, đoàn phát hiện trong 5 năm (2011 – 2015), TTBTXH đã bớt xén trên 779.851.443 đồng. Số tiền sai phạm này được xác định là số tiền chi sai, chậm chi trả tiền chế độ giành cho đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội.
Ông Dương cho hay: “Hiện đoàn thanh tra chưa có văn bản kết luận chính thức. Tuy nhiên, qua báo cáo sơ bộ của Đoàn thanh tra thì tại TTBTXH đã bớt xén hơn 700 triệu đồng trong việc mua trang thiết bị, mua thực phẩm cho đối tượng tâm thần, người già neo đơn. Số tiền trên, Đoàn thanh tra đã truy thu lại từ phía các cá nhân sai phạm, chờ xử lý”.
Bữa cơm đã có khay inox và thìa đũa sạch sẽ (ảnh facebook Lan Đàm) |
Ông Nguyễn Đăng Dương cũng cho biết thêm: “Quan điểm của Sở LĐTBXH Nghệ An là sẽ xử lý nghiêm khắc việc này khi đoàn thanh tra có kết luận chính thức. Chúng tôi sẽ căn cứ vào những sai phạm kết luận thanh tra, thành lập Hội đồng kỷ luật để xem xét kỷ luật một cách nghiêm túc đối với các cá nhân sai phạm.
Trong việc này cũng có phần trách nhiệm thuộc về đơn vị quản lý là Sở LĐTB&XH. Trong mục đề nghị kiểm điểm thì chúng tôi cũng đã nêu rõ sẽ kiểm điểm trách nhiệm các phòng ban liên quan đã để ra sai phạm tại Trung tâm trong thời gian qua”.
Theo Phó giám đốc Sở này cho biết thêm, trong tháng 11 sẽ có chế độ được chuyển đổi theo Nghị định 136 để có thể nâng cao chất lượng bữa ăn cho các đối tượng. Đối với các đối tượng tâm thần mức hỗ trợ là 810 ngàn đồng và các đối tượng người già trên 70 tuổi, không nơi nương tựa là 1.050 ngàn đồng.
Với mức sinh hoạt phí hiện tại thì quá khó khăn để Trung tâm có thể lên khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng.
Nơi sinh hoạt của các cụ già neo đơn trong Trung tâm BTXH Nghệ An |
Sau những phản ánh của những người trong cuộc và bức tâm thư xúc động của cá nhân người làm từ thiện sai phạm của các cá nhân bớt tiền chế độ của các đối tượng xã hội đã được làm sáng tỏ. Cuộc sống của họ cũng bớt khó khăn, vất vả hơn, bữa cơm sẽ không còn cảnh ba miếng thịt và canh, không ở truồng chạy khắp trung tâm nữa?