Dự án Luật theo sáng kiến của đại biểu Quốc hội
Theo Nghị quyết số 317/NQ-UBTVQH14 thì Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công gồm 27 người do bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa 14, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội là Trưởng ban Soạn thảo.
Sau khi ra mắt, Ban soạn thảo đã tiến hành phiên họp lần thứ nhất nhằm thảo luận, góp ý vào Dự thảo Quy chế làm việc của Ban soạn thảo, của Tổ biên tập; Kế hoạch xây dựng dự án luật; Phân công thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập…
Phát biểu tại buổi ra mắt, bà Trần Thị Quốc Khánh khẳng định sự quyết tâm của Ban soạn thảo nhằm hướng tới xây dựng một dự án luật có chất lượng cao và cho rằng Luật Hành chính công là một đạo luật quan trọng, có ý nghĩa quan trọng nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân.
Theo bà Khánh thì Dự án Luật Hành chính công đã từng được bà nghiên cứu từ nhiều năm nay và đã từng đề nghị Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh từ cuối nhiệm kỳ Quốc hội XIII. Tuy nhiên, do nhiều lý do nên đến tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XIV mới thống nhất đưa dự án luật này vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Chia sẻ với báo chí trước đó, bà Khánh cho hay, theo dự kiến thì Luật Hành chính công sẽ có 6 chương và 60 điều đề cập đến những vấn đề nóng, bức xúc của người dân, doanh nghiệp trong tiến hành các thủ tục hành chính công, trong đó có chương về Chính phủ Điện tử để ai nhìn vào cũng thấy minh bạch và biết cần phải đến đâu để giải quyết công việc, tránh tính trạng không biết đi đâu rồi xin chỗ này, chỗ kia thành ra lại “chui”.
Trong hệ thống pháp luật có rất nhiều luật nhưng lại như luật chuyên ngành, cho đến giờ chưa có luật nào nói về nguyên tắc chung trong quản lý, điều hành hành chính. Chỉ có những cái riêng, không có cái chung kết nối nên mới có nhiều chỗ vênh nhau. Vì vậy, cái quan tâm đầu tiên là cần có một nguyên tắc hành chính chung, đề cao nguyên tắc nền hành chính phục vụ, lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp làm thước đo hoạt động của cơ quan, tổ chức.
Dự án Luật Hành chính công được đại biểu và nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lập pháp soạn thảo hướng đến triển khai thi hành Hiến pháp 2013 với điểm mới là tôn trọng quyền con người, quyền công dân và kiểm soát quyền lực, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế và thực tiễn thi hành pháp luật về hành chính công đang là những rào cản gây khó khăn, bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Từ đó, góp phần vào việc tăng tính hiệu quả, năng động của nền hành chính và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng. Dự luật còn nhằm khắc phục và lấp đầy những khoảng trống trong nền hành chính công vì hiện nay, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam đang đặt ra những nhiệm vụ hết sức cấp bách là phải đổi mới, hoàn thiện thể chế kinh tế, nền tài chính, quản trị công, đặc biệt khi Việt Nam hội nhập sâu vào ASEAN, tham gia Hiệp định TPP. Nhiều bất cập, hạn chế của việc xây dựng, thực hiện pháp luật về quản lý hành chính nhà nước ngày càng bộc lộ rõ, các cơ quan chưa có sự chia sẻ thông tin công, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa đáp ứng được yêu cầu, các cổng thông tin điện tử chưa tạo ra sự kết nối với người dân, rất ít lãnh đạo cơ quan điều hành công việc qua mạng. Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực còn thực hiện với phương thức thủ công, lạc hậu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin…
Kết quả của nhiều năm nỗ lực không mệt mỏi
Thông tin về quá trình chuẩn bị dự án luật, bà Khánh cho hay: “Tôi đã từng đề xuất xây dựng nhiều luật và đều được Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng Luật, giao các cơ quan của Chính phủ soạn thảo. Riêng với Dự án Luật Hành chính công thì tôi có đề xuất khá nhiều lần nhưng không bộ, ngành nào hưởng ứng và nhận soạn thảo. Từ đó, tôi nung nấu ý định phải phác thảo ra để mọi người hình dung được mục đích, nội dung dự án luật.
Tâm tư trước câu hỏi tại sao nền hành chính của chúng ta lại chồng chéo, vướng mắc nhiều vấn đề, tôi nhận thấy chúng ta đang thiếu luật điều chỉnh, đặc biệt những nguyên tắc chung của một nền hành chính nên bắt đầu công việc từ nghiên cứu các tài liệu khoa học về hành chính công và tiếp cận các chuyên gia”.
Đến khi Quốc hội họp bàn xem xét trách nhiệm để xảy ra một số vụ án lớn như Vinalines, Vinashin thì nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra vụ việc đến mức độ đó có phần nguyên do từ việc không có hành lang pháp lý trong vấn đề quản trị công, thiếu sự công khai, minh bạch trong quản lý điều hành. Lúc này, ý tưởng cần có một luật về hành chính công hình thành trong bà rõ ràng hơn. Dành thời gian nghiên cứu các báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, bà càng thấy nội tại nền hành chính cần một hành lang pháp lý minh bạch, vừa thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp, vừa giúp công tác quản lý hành chính khoa học hơn.
Chia sẻ những khó khăn trong thời gian này, bà Khánh cho biết, bắt đầu từ năm 2013, tôi dành toàn bộ sức lực và tâm huyết cho việc xây dựng Luật Hành chính công. Nhóm nghiên cứu của tôi đã mất rất nhiều thời gian, nhiều ngày nghỉ cuối tuần, nhiều hôm làm việc và thảo luận đến đêm nhưng không ai nhận được đồng thù lao nào. Một bộ, ngành soạn thảo một dự án luật thì có cả ban bệ, có tiền và đặc biệt có uy thế để làm. Nhưng đối với tôi thì phải tự vạch ra kế hoạch làm việc, tự soạn thảo công văn gửi đi các nơi, tự vạch ra kế hoạch chương trình đi giám sát, khảo sát…
Sau những phân tích hợp lý, có cơ sở, đến tháng 5/2015, UBTVQH đã chính thức có báo cáo giải trình tiếp thu và nói rõ: Luật Hành chính công do đại biểu đã có bước chuẩn bị kỹ nên Thường vụ đề nghị Quốc hội giao cho Viện Nghiên cứu Lập pháp và Văn phòng Quốc hội hỗ trợ đại biểu tiếp tục chuẩn bị. Sau đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng cho rằng đại biểu đã có một quá trình chuẩn bị rất công phu với sự tham gia đóng góp của nhiều chuyên gia. Dự thảo Luật đã được đưa ra xin ý kiến tại nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học và tham khảo kinh nghiệm pháp luật của một số nước trên thế giới về hành chính công. Mặt khác, việc đề cao nguyên tắc nền hành chính công nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập. Điều này đã được chú trọng thể chế trong các chính sách, pháp luật của Nhà nước ta trong thời gian qua.
Vì vậy, sáng kiến xây dựng Luật Hành chính công nhằm quy định về hoạt động hành chính công, dịch vụ hành chính công trong một đạo luật để người dân thuận tiện theo dõi, tiếp cận là rất có ý nghĩa.
Ngoài ra, Chính phủ cũng có công văn thể hiện những đánh giá cao về tâm huyết và sự kiên trì của đại biểu đối với việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật hành chính nói riêng và hệ thống luật nói chung. Chính phủ nhận thấy đề xuất xây dựng Luật Hành chính công của đại biểu với mục đích “lấp” những khoảng trống pháp luật và bổ khuyết cho pháp luật hành chính công trong bối cảnh tăng cường thực hiện cải cách toàn diện nền hành chính quốc gia là rất có ý nghĩa, cần được ghi nhận.
Và theo Nghị quyết mới đây thì Quốc hội và UBTVQH đã thống nhất đưa Dự án Luật Hành chính công vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, sẽ trình Quốc hội lần đầu tại Kỳ họp thứ tư (10/2017).