Đây là lần đầu tiên một hãng lớn “đánh tiếng” như vậy sau khi nhiều mặt hàng tiêu dùng nhập khẩu khác đã rục rịch “tát nước theo mưa” từ sau đợt điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước ngày 19/8.
Cháy hàng “ảo”
Mẫu điện thoại này vừa phát hành tại Việt Nam được mấy hôm và được cho là “cháy hàng” ngay khi mở bán. Theo một số thông tin được tường thuật trên các báo thì 80% số máy đến kênh bán lẻ được bán hết trong 5 ngày sau khi sản phẩm này về Việt Nam. Hiện tại một số nhà bán lẻ ủy quyền đã bán hết và đang tiếp nhận đơn đặt hàng là Hoàng Hà Mobile (Hà Nội), Mai Nguyên (TP.HCM) và Dâu Đen (Hà Nội và TP.HCM).
Để xác nhận thông tin này, chiều qua (27/8) phóng viên đã gọi đến đại lý Hoàng Hà ở Cầu Giấy (Hà Nội) và được nhân viên ở đây cho biết “sản phẩm này hiện đang tạm hết hàng”, hỏi bao giờ có tiếp đợt hàng mới, người này trả lời cũng chưa rõ. “Lẽ ra bên em đã có hàng hôm 25/8, nhưng nay quá 2 ngày rồi vẫn chưa thấy về” – nhân viên này cho biết thêm.
Có bao nhiêu chiếc Passport Silver đã được bán hết trong đợt đầu mở bán tại Việt Nam? Con số này không được phía BlackBerry cũng như nhà phân phối là Công ty Phân phối công nghệ cao Dầu khí công bố. Tuy nhiên, khảo sát sơ bộ của Pháp luật Việt Nam tại Hà Nội cho thấy con số này là không nhiều, tùy từng đại lý, có thể chỉ dao động từ một đến vài chục chiếc.
Còn nhớ hồi tháng 11 năm ngoái, khi lần đầu BlackBerry tung ra sản phẩm Passport tại Việt Nam, kịch bản “cháy hàng” cũng đã xảy ra mà lý do cũng được nói là “nguồn hàng nhập về không đủ nhu cầu”. Trước đó, sản phẩm khác của Black Berry là Z10 cũng diễn ra tương tự. Tại các đại lý ủy quyền của hãng điện thoại này như Hoàng Hà, những “tín đồ” của BlackBerry phải xếp hàng chen chúc chờ được ghi tên vào danh sách đặt hàng. Tuy nhiên, chỉ cần đợi thêm một thời gian thì khách hàng có thể thong dong mà đến chọn thoải mái.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam, một doanh nhân kinh doanh điện thoại di động lâu năm cho hay, không riêng ở Việt Nam và cũng không riêng với BlackBerry, nhiều hãng điện thoại khi tung ra sản phẩm mới ban đầu cũng phân phối theo kiểu “nhỏ giọt” để thăm dò thị trường. Về chuyện “cháy hàng”, theo ông này có thể chỉ là một “chiêu” kích cầu, đánh vào tâm lý những người yêu công nghệ thường muốn sở hữu ngay sản phẩm mới mà mình trông đợi.
Sự thực thì nhiều mẫu điện thoại Black Berry sau khi “cháy hàng” vào những ngày đầu, chỉ một thời gian sau đó đã giảm giá thảm hại. Có những sản phẩm như Z10, Q10 giảm đến gần chục triệu đồng mỗi chiếc so với khi mới ra mắt, làm “đắng lòng” những người trót mua sớm. Ngay như mẫu Passport, “điện thoại hộ chiếu”, cũng vừa giảm thêm cả triệu đồng/chiếc.
Người tiêu dùng cần tỉnh táo
Kịch bản “cháy hàng” - “giảm giá sốc” lặp đi lặp lại khiến không ít người cảm thấy nản với cung cách bán hàng của BlackBerry và nhà phân phối tại Việt Nam. Nay ngoài chiêu “bổn cũ soạn lại”, đại diện Công ty Phân phối công nghệ cao Dầu khí lại “đánh tiếng” về việc “có thể phải điều chỉnh tăng giá bán vì biến động tỷ giá”.
Thông điệp này được loan báo đồng loạt trên một số trang báo mạng đã ít nhiều có tác dụng thôi thúc thêm nhiều “tín đồ dâu đen” nhanh chân đến đặt hàng. Tiền đồng Việt Nam những ngày qua đã mất giá gần 5% so với đô la Mỹ nên việc các sản phẩm nhập khẩu điều chỉnh giá theo cũng là chuyện có thể hiểu được.
Nhưng khách hàng cũng cần so sánh động thái này của BlackBerry với các hãng điện thoại khác, hoặc so sánh với những mặt hàng khác có giá trị cao hơn nhiều một chiếc điện thoại, chẳng hạn như ô tô, để có cái nhìn toàn diện hơn. Rõ ràng chưa có đơn vị kinh doanh lớn nào tăng giá sản phẩm kể từ sau ngày 19/8. Nguyên nhân có thể là vì doanh nghiệp còn phải “nhìn nhau” trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, nhưng điều quan trọng là sức mua của nền kinh tế còn cần thêm nhiều thời gian để phục hồi.
Những tuyên bố về việc điều chỉnh giá bán vì tăng tỷ giá trong thời điểm này có thể chỉ làm sâu sắc thêm quan ngại của người tiêu dùng về bối cảnh kinh tế vĩ mô mà thôi.
Trao đổi với Pháp luật Việt Nam qua điện thoại vào chiều qua, ông Phan Quang Tuấn Anh đại diện Cty Phân phối công nghệ cao Dầu khí xác nhận, thực ra doanh nghiệp cũng mới đang cân nhắc khả năng điều chỉnh giá mà thôi. “Chúng tôi cân nhắc khả năng và đang theo dõi sát biến động tỷ giá. Nếu tỷ giá tiếp tục tăng thì mới điều chỉnh tăng giá, còn trước mắt chưa có kế hoạch” – ông Tuấn Anh nói. Trả lời câu hỏi về lộ trình cụ thể của nhà phân phối khi Ngân hàng Nhà nước đã khẳng định từ sau 19/8 sẽ không điều chỉnh tỷ giá thêm cho đến hết năm, vị này nói: “Mọi chuyện vẫn còn ở phía trước”.