Giải quyết bài toán thực phẩm và năng lượng
Nằm trong khu vực rừng núi, nhiều tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, vùng nông thôn Lapland có đầy đủ những yếu tố để xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn, tự cung tự cấp. Tuy nhiên, trước ý tưởng làng thông minh được áp dụng, các khu vực dân cư của Lapland vẫn mua năng lượng và thực phẩm từ vùng khác, mức chi tiêu lên tới hàng triệu euro mỗi năm.
Có đủ năng lượng và thực phẩm cho cư dân sinh sống trên địa bàn là bài toán cơ bản nhất mà cộng đồng Lapland phải tự giải quyết nếu không muốn một khối lượng vốn lớn “chảy” ra khỏi Lapland, hay Phần Lan. Mất nguồn vốn là một trong những nguyên nhân chính gây mất việc làm, giảm chất lượng cuộc sống của cư dân. Trong khi đó, với lợi thế địa lý của Lapland, năng lượng và thực phẩm có thể được sản xuất ngay chính tại các vùng nông thôn, vùng núi cao bởi sinh kế chủ yếu của người dân vẫn là nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và các ngành nghề dựa trên tự nhiên.
Để tận dụng được những lợi thế này, cộng đồng địa phương bắt đầu bằng việc chia sẻ thông tin với nhau. Cụ thể, ban quản lý làng thông minh Bắc Cực Lapland đã thành lập Cụm cộng đồng nông thôn thông minh Bắc Cực (gọi tắt là Cụm nông thôn) để kết nối tất cả những người dân từ nhiều ngành nghề kinh tế khác nhau. Thông qua đó, người dân chia sẻ kiến thức và kỹ năng phát triển các sản phẩm và dịch vụ của mình để học hỏi lẫn nhau, bổ sung ưu điểm, khắc phục nhược điểm để tăng thêm hiệu quả kinh doanh của từng địa phương, nâng cao sức cạnh tranh của Lapland trong nước, cũng như trên toàn châu Âu.
Tìm kiếm giải pháp tự nhiên ở Lapland. (Ảnh: House of Lapland). |
Hoạt động của Cụm nông thôn xoay xung quanh các chương trình hợp tác trên ba lĩnh vực chính, đó là phát triển công nghệ sinh học, sản xuất và kinh doanh thực phẩm, áp dụng năng lượng tái tạo. Các chương trình này thu hút rất nhiều tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cơ sở đào tạo, cũng như các hộ gia đình, cá nhân tại Lapland tham gia đóng góp, chia sẻ ý kiến, hoặc đơn giản chỉ là học hỏi… Các thông tin đều được công bố trên Internet để người dân có thể dễ dàng cập nhật.
Trong đó, có sáng kiến “Food House” tập hợp các hộ kinh doanh, doanh nhân dưới một mái nhà. Tại đây, họ sử dụng máy móc chung, sản xuất và chế biến thực phẩm để cung cấp cho các bếp ăn trung tâm, các điểm du lịch và các khách hàng có nhu cầu. Như vậy, họ có thể tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, tận dụng được nguồn lực của lao động địa phương, mà vẫn làm ra được những sản phẩm từ nông nghiệp đảm bảo chất lượng.
Phát huy thế mạnh nông nghiệp địa phương (Ảnh: Artic Council). |
Trong khi đó, năng lượng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nền kinh tế tuần hoàn. Do vậy, Lapland đặt mục tiêu phần lớn các khu vực nông thôn có thể tự cung tự cấp năng lượng kể từ năm 2025 dựa trên các giải pháp từ thiên nhiên. Trong mạng lưới nông thôn Lapland, có các đơn vị tư vấn dành riêng cho các doanh nghiệp đang gặp khó khăn hay giới thiệu những doanh nhân, nguồn lao động mới vào lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, dựa trên nguyên tắc thiện chí, hỗ trợ lẫn nhau và chia sẻ thông tin.
Theo đó, làng thông minh Lapland được coi là một nơi hấp dẫn để sinh sống, đặc biệt thu hút những “người di cư” trẻ tuổi, những doanh nhân trẻ tìm kiếm những cơ hội mới, sẵn sàng cống hiến cho cộng đồng. Điều này góp phần giúp cho các vùng nông thôn Lapland có thể tự đổi mới, tự cải thiện thị trường kinh doanh địa phương và chất lượng sống của cư dân.
Liên minh nông dân REKO
Một sáng kiến đáng đề cập trong Cụm nông thôn Bắc cực là vòng tròn kết nỗi chuỗi thực phẩm REKO, với ý tưởng kết nối trực tiếp giữa người nông dân và các nhà sản xuất nông sản với người dùng cuối, tức người tiêu dùng, thông qua các kênh bán hàng trực tuyến. Cơ chế hoạt động của mô hình REKO rất đơn giản, lấy cảm hứng từ một mô hình tương tự đã có ở Pháp. Mô hình REKO ra mắt lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2013 tại Jakobstad, cách Lapland khoảng hơn 500km.
Mô hình REKO hoạt động theo một cơ chế đơn giản. Đầu tiên là thành lập một nhóm trên Facebook và một trang web của nhóm REKO. Quản trị viên của nhóm sẽ chỉ định một số ngày trong tuần hoặc trong tháng (ví dụ thứ năm hàng tuần), cũng như địa chỉ giao dịch giữa người mua và người bán. Đến gần ngày giao dịch, các nhà sản xuất, người nông dân có thể đăng lên nhóm những nông sản họ có thể bán với giá của những sản phẩm đó.
Người tiêu dùng có thể đặt hàng bằng cách bình luật trực tiếp vào bài đăng của nhà sản xuất nông sản hoặc thông qua một website riêng của nhom REKO. Đáng nói, người bán hàng không cần phải là doanh nhân để được bán sản phẩm trong nhóm REKO nhưng phải đảm bảo các yếu tố pháp lý như đã nộp thuế, đáp ứng an toàn vệ sinh thực phẩm và tính chính xác về thông tin sản phẩm họ rao bán.
Mô hình REKO kết nối chuỗi sản xuất – buôn bán nông sản giữa người người sản xuất và người dùng cuối (Ảnh: Dailyfindland). |
Không có tổ chức chính thức đứng sau mỗi nhóm REKO, vì vậy không có chi phí hành chính liên quan. Quản trị viên của các nhóm Facebook là những tình nguyện viên và các điểm giao hàng cũng được lựa chọn một cách chiến lược để không tiêu tốn quá nhiều tiền thuê. Trong khi đó, một số chợ và siêu thị trong khu vực cũng đóng góp không gian miễn phí cho các nhóm REKO địa phương để thu hút khách hàng.
Bên cạnh đó, giá sản phẩm của người bán thường không cao hơn nhiều so với giá trong chuỗi cửa hàng thực phẩm bởi không tiêu tốn cho bao bì, không phải trả phí quảng cáo, phí vận chuyển, phí giữ kho... Mặt khác, chất thải từ hoạt động này được giảm xuống gần như không có gì vì nông dân chỉ thu hoạch và mang theo những gì đã được đặt hàng.
Hiện tại, có khoảng 150 nhóm REKO trên toàn đất nước Phần Lan với tổng số người dùng lên tới khoảng 200.000 người, chủ yếu ở các vùng nông thôn hẻo lánh, vùng sâu vùng xa. Còn tại Lapland, có tổng cộng năm vòng tròn kết nối REKO tại các vùng Rovaniemi, Ranua, Enontekiö, Sea Lapland và Kittilä.
Đơn cử, hộ gia đình của Mikko Riskilä chuyên sản xuất thịt và cá, Riskilä cho biết anh được một người bạn giới thiệu tham gia nhóm REKO ở Rovaniemi, về sau anh trở thành một thành viên hoạt động tích cực trong nhóm. Riskilä chia sẻ: “Lợi nhuận có thể thay đổi qua các ngày. Đôi khi doanh số bán hàng thực sự tốt, nhưng đôi khi doanh số bán hàng chỉ dưới 200 euro một ngày.
Tuy nhiên điều thực sự quan trọng là mối quan hệ tôi xây dựng được với khách mua hàng quan tâm đến sản phẩm địa phương. REKO là một cách tiếp thị hiệu quả để được tiếp xúc và nghe phản hồi trực tiếp từ người mua, cũng như được giải thích cho họ cặn kẽ hơn về nguồn gốc các loại thực phẩm, quy trình chế biến, phương pháp sản xuất”.
Mia, một người tiêu dùng thường xuyên trên nhóm REKO, cũng cho biết: “Điều quan trọng mà mô hình REKO làm được không chỉ để phân phối thực phẩm, mà còn là kết nối cộng đồng. Thông qua đó, người dân có thể tự định hình loại hình nông nghiệp mà chúng tôi mong muốn cũng như loại thực phẩm chúng tôi muốn tiêu thụ”.
Tóm lại, làng thông minh Lapland phát huy thế mạnh địa phương thông qua các liên minh cộng đồng nông thôn. Chỉ khi người nông dân chung tay gắn kết với nhau, cùng với tất cả các thành phần khác trong xã hội để hướng tới sự thay đổi tích cực, cuộc sống của họ mới thực sự chuyển biến.