Từ nhận thức xanh của cộng đồng …
Thị trấn Bad Berleburg ở bang Nordrhein-Westfalen đã đoạt Giải phát triển bền vững của Đức dành cho những thị trấn nhỏ trong năm 2020. Mặc dù với diện tích trải rộng trên 275 km2, bao gồm 23 ngôi làng, thị trấn Bad Berleburg chỉ có dân số khoảng 20.000 người. Theo thị trưởng Bad Berleburg – ông Bernd Fuhrmann, diện tích rộng lớn như vậy khiến chính quyền địa phương phải “duy trì cơ sở hạ tầng mênh mông”.
Được biết, năm 2017 tài chính thị trấn gần như cạn kiệt và có nguy cơ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Lúc ấy, ông Fuhrmann đã kêu gọi sự chung tay của người dân để cải thiện tình hình. “Tương lai của chúng ta là gì? Chúng ta có thể củng cố ngân sách thế nào và tiếp đó chúng ta có thể sử dụng ngân sách cho việc gì?” là những câu hỏi ông Fuhrmann đặt ra. Theo đó cả chính quyền và người dân cùng đi tìm lời giải cho bài toán khó này.
Đến nay, thị trấn đã đạt được những thành tựu đáng kể về phát triển bền vững, bắt đầu từ những kế hoạch, dự án đơn lẻ của các cộng đồng nhỏ lẻ. Đơn cử là dự án “Làng kĩ thuật số” hợp tác phát triển chung với Đại học Siegen nhằm đem công nghệ vào phát triển nông thôn; dự án bảo vệ và bảo tồn loài bò rừng Bison Châu Âu – loài động vật có vú trên cạn lớn nhất thế giới và có nguy cơ bị tuyệt chủng vào năm 2013…
Trước Covid-19 xảy ra, “Wisent-Wildnis am Rothaarsteig” hay Khu vực bò rừng hoang dã Rothaarsteig còn thu hút hàng chục nghìn du khách đến tham quan, cung cấp nguồn thu cho địa phương từ du lịch để sinh sống và bảo tồn loài động vật hoang dã trên.
Dù với nguồn lực ít ỏi, cộng đồng Bad Berleburg vẫn có thể định hướng phát triển kinh tế mà không “đánh đổi” môi trường. Thậm chí, họ còn muốn đồng thời cải thiện hệ sinh thái tự nhiên nơi họ sống. Ngoài ra, thành phố Bad Berlebung cũng hợp tác với khu vực đối tác tại Tansania cho những kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bad Berleburg ở bang Nordrhein-Westfalen đã đoạt giải Phát triển bền vững Đức năm 2020 (Ảnh: Norbert Probst) |
Năm 2020 thành phố đã nhận được giải thưởng Phát triển bền vững Đức cho thị trấn nhỏ. Giải thưởng này được tài trợ bởi sự hợp tác giữa các công ty, hiệp hội, các tổ chức nghiên cứu và các Bộ với sự tham vấn chặt chẽ của Chính phủ Liên bang. Theo đó, thị trấn tiếp tục định hướng phát triển bền vững và tới năm 2030 sẽ triển khai khoảng hơn 200 dự án lớn nhỏ khác nhau, phát triển thế mạnh địa phương dựa trên nền tảng thiên nhiên. Từ các dự án kinh tế sinh thái đến các trương trình giáo dục chất lượng cao hay môi trường làm việc thân thiện cho gia đình cho tới mục tiêu trở thành một địa điểm y tế hàng đầu.
Từ năm 2015, Chính phủ Liên Bang Đức đã kí kết tham gia Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, kêu gọi các địa phương thực hiện các kế hoạch hành động để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Cụ thể, chiến lược quốc gia tập trung chủ yếu vào việc giảm diện tích sử dụng đất đai, giảm tiêu thụ năng lượng trong giao thông và tạo không gian đáng sống với người dân.
Một ví dụ khác là thị trấn Aschaffenburg bang Bavaria cũng đã nhận được giải thưởng Phát triển bền vững Đức năm 2020. Với dân số khoảng 70.000 người tập trung thành những cộng đồng nhỏ lẻ rải rác trên khắp địa bàn thị trấn, chính quyền địa phương đã nảy sinh sáng kiến gắn kết cộng động nhỏ lẻ nơi đây để phát triển các vườn cây ăn quả có nguy cơ thu hẹp, trong đó có sáng kiến phát triển các vườn táo nhằm bảo tồn loại táo quý hiếm của địa phương.
Dần dần, những nỗ lực này hình thành một mạng lưới những người sản xuất, chế biến và có cả một chợ táo lớn ở địa phương để các bên tự do giao dịch. Những vườn cây ăn trái tưởng chừng đã mất đi giá trị lại trở thành một chìa khoá phát triển kinh tế bền vững. Sau chiến dịch vườn táo thành công, một loạt dự án phát triển kinh tế ứng phó biến đổi khí hậu khác cũng được triển khai, ví như các giải pháp giao thông bằng xe đạp, xe điện để bảo vệ môi trường.
Đến mô hình “làng kỹ thuật số” mẫu mực của Đức
Mô hình “Làng kỹ thuật số” do Bộ Nội vụ và Thể thao Rhineland-Palatinate (Đức) và Viện Fraunhofer - IESE khởi xướng vào mùa hè năm 2015 (kéo dài đến năm 2019), với tổng kinh phí lên tới 4,5 triệu euro. Thông qua việc phát động chiến dịch đổi mới nông thôn và cuộc thi thu hút sáng kiến, các hiệp hội, các hợp tác xã và cộng đồng cư dân tại các thị trấn, làng xã đã được khuyến khích gửi các sáng kiến, giải pháp cải thiện chất lượng cuộc sống trong khu vực của họ trên nền tảng kỹ thuật số. Hội đồng giám khảo được thành lập độc lập, bao gồm các chuyên gia, các chính trị gia, nhà nghiên cứu uy tín trong nước.
Bộ trưởng Nội vụ của Rhineland Palatinate (Đức) Roger Lewentz nhấn mạnh: “Sự kết nối số hỗ trợ cư dân trẻ và già ở khu vực nông thôn trong các lĩnh vực khác nhau, tạo ra một môi trường sống hấp dẫn, góp phần hạn chế chuyển dịch nhân khẩu từ nông thôn ra thành thị”.
Trong năm 2020, Viện Fraunhofer, thuộc Hiệp hội Fraunhofer – hiệp hội nghiên cứu ứng dụng lớn nhất châu Âu, hiện đang đi đầu trong các hoạt động nghiên cứu, thí điểm áp dụng mô hình “làng kỹ thuật số” tại một số ngôi làng ở Đức. Theo đó, mô hình này được đánh giá là giải pháp tiếp cận toàn diện, dựa trên việc xây dựng nền tảng kỹ thuật số cơ bản để phát triển các giải pháp mới trong các lĩnh vực lưu thông hàng hoá từ cấp cơ sở đến cấp địa phương, thông tin liên lạc, giao thông và phát triển chính phủ điện tử.
Loài bò rừng thu hút khách du lịch đến Bad Berleburg (Ảnh: Adobe) |
Nền tảng kỹ thuật số cũng góp phần hình thành các dịch vụ chia sẻ, cũng như các quy tắc xử sự chung mới trong các cộng đồng, thay đổi các thói quen sẵn có theo hướng thân thiện với cả môi trường lẫn người dùng (như thói quen thanh toán tiền mặt, sử dụng dữ liệu trên mạng Internet, khai thác tài nguyên thiên nhiên…). Mật độ dân cư phân bố thưa thớt và rải rác tại các vùng nông thôn, chứ không tập trung như ở thành phố; do vậy, các giải pháp số hoá ở nông thôn đòi hỏi cách tiếp cận và mô hình hoàn toàn khác, chứ không thể bê nguyên xi những giải pháp phát triển đô thị bền vững được.
Nông thôn trên thế giới đang đứng trước nguy cơ bị thu hẹp, các làng mạc và nông thôn nước Đức cũng không nằm ngoài xu hướng chuyển dịch đó. Theo số liệu của Liên minh châu Âu, 66% dân số Đức, khoảng 56 triệu người, sống ở vùng nông thôn, trong đó nhiều khu vực có mật độ dân cư rất thưa thớt như Thị trấn Bad Berleburg ở bang Nordrhein-Westfalen (khoảng 72 người sinh sống trên 1 km2).
Xu hướng thu hẹp nông thôn cũng đặt ra một số câu hỏi quan trọng cho tương lai: Các ngôi làng sẽ như thế nào khi dân số già đi? Liệu những người trẻ và các gia đình có còn chuyển đến các làng quê nông thôn? Liệu các làng có thể duy trì cơ sở hạ tầng của họ (giao thông, cửa hàng, y tế, v.v.) không? Liệu có còn doanh nghiệp nào ở nông thôn? Có những giải pháp nào giúp “hồi sinh” các làng xã, khiến nông thôn hấp dẫn hơn đối với cư dân già và trẻ? ….
Đến nay, mô hình “làng kỹ thuật số” của Đức và mô hình “làng thông minh Bắc Cực Lapland” đang là những ví dụ mẫu mực về một mô hình nông thôn đổi mới mà tại đây kinh tế địa phương phát triển dựa trên thế mạnh cộng đồng, thế mạnh thiên nhiên nhưng không hề đánh đổi hệ sinh thái lấy hạ tầng. Ngược lại, thông qua việc tìm kiếm và phát triển các giải pháp dựa trên thiên nhiên, người dân có thể bảo vệ và bảo tồn thiên nhiên tốt hơn nữa.