Nội dung rà soát gồm địa điểm đầu tư, văn bản chấp thuận đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư, quyết định phê duyệt dự án, diện tích quy hoạch, số căn hộ, thời gian hoàn thành… kèm một số văn bản pháp lý của từng dự án (gồm: cho phép đầu tư, giao chủ đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 hoặc chấp thuận mặt bằng và tổng phương án kiến trúc, giấy phép xây dựng…).
Trước hết, phải hoan nghênh Sở Xây dựng Hà Nội. Đây là việc đáng ra phải làm từ lâu, làm thường xuyên để Luật Xây dựng (Luật Sửa đổi số 50/2014/QH13), Luật Nhà ở (Luật Sửa đổi số 65/2014/QH13), Luật Thủ đô (số 25/2012/QH13), Luật Đất đai (mới nhất là Luật số 45/2013/QH13) phát huy tác dụng trong quy hoạch, xây dựng, phát triển Hà Nội. Đáng tiếc, Hà Nội đã và tiếp tục bị “băm nát”.
Tuy vậy, vẫn buồn và lăn tăn.
Lăn tăn vì câu chuyện “kiểm tra, rà soát tất cả các DANTM” là vấn đề lớn, không thể để các “chủ đầu tư” tự kiểm tra, văn bản càng không phải để cấp phó Sở Xây dựng ký.
Hà Nội là “trái tim”, bộ mặt của cả đất nước nên vấn đề quy hoạch nói chung, trong đó có các DANTM là vô cùng quan trọng. Không phải tự nhiên, sau Chiến thắng Điện Biên Phủ không lâu, ngày 12/9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về quy hoạch Thủ đô Hà Nội. Người chỉ rõ yêu cầu quy hoạch là thành phố phải có nhiều cây xanh, đường phải thẳng, có đường trung tâm buôn bán, hệ thống cống ngầm phải đảm bảo vệ sinh, hệ thống đường xe điện, xe lửa phải bố trí sao cho phù hợp…
DANTM có ý nghĩa kinh tế - xã hội quan trọng và nhân văn đặc biệt.
Đáng tiếc, hầu hết DANTM đang bị chậm tiến độ khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng do năng lực của doanh nghiệp yếu kém hay việc xin chuyển đổi từ nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội chỉ để “câu giờ” giữ đất?
Đất sinh ra tiền, “câu giờ” nhằm tìm kiếm lợi nhuận tuyệt đối. Ai hưởng lợi khi thay đổi DANTM sang dự án nhà ở xã hội? Nếu được chuyển đổi từ DANTM sang nhà ở xã hội, chủ đầu tư dự án sẽ được hưởng nhiều ưu đãi của Nhà nước. Nhiều nơi đang xuất hiện trào lưu “xin” hưởng ưu đãi này. Không ít dự án dù đã được chấp thuận chuyển đổi, thoát khỏi cảnh “đắp chiếu” song lại đang triển khai với tốc độ rùa bò. Rõ ràng những “cá mập đất” đang tìm nhiều cách để hưởng lợi từ các dự án.
Phải kiểm tra để chấn chỉnh, không để thất thoát “địa tô”, không để người nghèo tiếp tục bị quay mặt, chủ đầu tư trục lợi trên chính sách.