- Thưa bà, bà nghĩ sao về ý kiến của các bậc phụ huynh khuyên con hãy mạnh mẽ lên, hãy đánh lại đi để các bạn không được bắt nạt con và cha mẹ nên dạy con điều gì khi những tình huống xấu có thể xảy ra?
-Tôi chỉ đồng ý ở vế thứ nhất thôi vì các em bị bắt nạt thường hay yếu ớt cả về thể chất và mặt tâm lý, nhưng tôi không đồng ý ở vế thứ hai là dạy cách đánh trả lại.
Bởi nếu chúng ta làm như vậy chẳng khác gì gieo vào đầu con trẻ cách suy nghĩ dùng vũ lực để giải quyết vấn đề, càng tăng thêm tính nguy hiểm của bạo lực, gây thêm rất nhiều rắc rối không thể lường trước được.
Theo tôi, thứ nhất là dạy con đối mặt với vấn đề, tức là cho con kể lại những hành vi mà các bạn trong lớp hành xử đối với mình, rồi dạy con biết cách dõng dạc nói với những kẻ bắt nạt là: “Không được trêu tôi nữa, nếu tình trạng này kéo dài thì tôi sẽ thông báo cho bố mẹ và thầy cô biết chuyện này”.
Khi nạn nhân tự dưng có phản ứng như vậy thì người bắt nạt sẽ có cảm giác chột dạ, không còn muốn bắt nạt nữa.
Thứ hai là, giúp con mở rộng quan hệ bạn bè. Vì khi đó nếu mình bị bắt nạt thì đã có bạn đứng bên cạnh, như vậy sẽ tránh được bạo hành.
Thứ ba là, giúp con phát triển lòng tự trọng, cái đó rất quan trọng bởi vì nếu con tự ti sẽ không dám đấu tranh gì cả.
Thứ tư là, tìm sự hỗ trợ từ người khác khi mình có nguy cơ bị đe dọa, bị bạo hành, ví dụ như những bạn bè ủng hộ mình, báo cho cha mẹ biết, cha mẹ sẽ có cách tiếp cận với phụ huynh những em đi bắt nạt hoặc trao đổi với giáo viên, nhà trường. Việc này, tôi cũng cảnh báo trước với các bậc phụ huynh là nên có cách ứng xử khéo léo, bởi nếu có những phản ứng căng quá thì còn có thể làm cho con mình rơi vào cảnh bị bạo lực nặng hơn.
Tiến sĩ Tâm lý Nguyễn Kim Quý |
- Theo bà, nguyên nhân nào dẫn đến một đứa trẻ thích đi bắt nạt người khác? Và giải pháp của cha mẹ trong những trường hợp này như thế nào?
-Trẻ bắt nạt bạn có nhiều nguyên nhân. Theo nghiên cứu của chúng tôi, có thể những đứa trẻ này bị bắt nạt nhiều rồi, hoặc sống trong môi trường gia đình bị bạo hành, chứng kiến bạo hành nên thấy rằng sức mạnh thuộc về kẻ mạnh. Với cảm nhận non nớt như vậy, đứa trẻ sẽ sử dụng bạo hành đó đối với bạn bè, sau này nếu có gia đình thì nó sẽ sử dụng bạo hành đó với vợ con.
Mặt khác, có thể thấy bản thân đứa trẻ đó không được khẳng định vị trí của mình trong gia đình, trong trường học bằng học tập, trong khi lứa tuổi của các em thường muốn khẳng định vị trí của mình. Thế nên thay vì khẳng định bằng kết quả học tập, những đứa trẻ này lại thể hiện là “người hùng” bằng cơ bắp. Nếu cha mẹ, các nhà giáo dục nắm bắt được tâm lý này để điều chỉnh thì sẽ tốt hơn rất nhiều và hạn chế được những đối tượng đi bắt nạt.
- Nhiều học sinh sau khi bị bắt nạt đã phải bỏ học hoặc chuyển trường vì không chịu nổi ám ảnh tâm lý. Vậy cha mẹ cần làm gì để xoa dịu những tổn thương về tâm lý cho con và giúp con tự tin quay trở lại trường học, thưa bà?
-Khi con đã bị tổn thương rồi thì cha mẹ nên dành thời gian quan tâm đến con hơn. Đa số những trẻ bị bắt nạt đều do bố mẹ có ít thời gian chăm sóc con cho nên không hiểu con và không ngăn chặn được vụ bắt nạt khi con không dám nói với bố mẹ. Những người quan tâm, theo sát con hàng ngày thì có thể thấy những biểu hiện bất thường của con để hỏi ngay và can thiệp sớm nếu sự việc xảy ra. Theo tôi, đối với những trẻ bị bạo hành, bị tổn thương quá nặng, dẫn đến hoảng sợ khi quay lại môi trường cũ thì cha mẹ nên suy nghĩ đến việc chuyển trường.
Cha mẹ cần lưu ý là không mắng con sau khi con bị bạo hành. Sẽ rất tốt nếu nhà trường và phụ huynh thu xếp để người gây ra bạo hành xin lỗi nạn nhân. Các em sẽ thấy được dù mắc lỗi nhưng người đánh mình đã biết lỗi, từ đó tạo ra lòng bao dung, biết tha thứ cho con trẻ.
- Xin cảm ơn bà!