Kỳ thú về vùng đất mang tên "Đám lá tối trời" ở miền Tây Nam bộ

Rừng dừa nước ngày nay là hình ảnh quen thuộc trong hoạt động du lịch các tỉnh miền Tây Nam bộ.
Rừng dừa nước ngày nay là hình ảnh quen thuộc trong hoạt động du lịch các tỉnh miền Tây Nam bộ.
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại vùng miền Tây Nam Bộ có địa danh mang tên khá kỳ lạ, mang đặc trưng xứ sở thuở xa xưa là Đám lá tối trời. Điều thú vị là ít nhất có 4 tỉnh có địa danh trên, trong đó nổi tiếng nhất là Đám lá tối trời ở vùng Gò Công Đông, Tiền Giang, nơi gắn liền với Anh hùng dân tộc Trương Định – thủ lĩnh phong trào chống Pháp thế kỷ XIX.

Khu rừng tối Trương Định ẩn binh

Nhắc đến địa danh Đám lá tối trời, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất xã Gia Thuận (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Vùng ruộng đồng mênh mông và đông đúc dân cư này vào giai đoạn chừng 200 năm trước là một vùng sình lầy hoang vu, cây cối um tùm, đầy rắn rết và dã thú.

Vùng đất này gắn liền với người anh hùng Trương Định (hay Trương Công Định, Trương Đăng Định). Ông sinh năm 1820, ở phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 24 tuổi, ông theo cha là Trương Cầm, người giữ chức Chưởng lý Thủy sư, vào Gia Định.

Năm 1850, hưởng ứng chính sách khai hoang của triều đình, ông đã đứng ra chiêu mộ khoảng 500 dân nghèo khai hoang lập ấp ở Gò Công, Gia Định. Với công lao đó, ông được triều đình Huế phong chức Quản cơ, hàm Lục phẩm, nên dân chúng còn gọi ông là Quản Định.

Năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định, ông đem nghĩa binh dưới trướng lên đóng quân ở Thuận Kiều (Gia Định), lập được nhiều chiến công. Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định đem quân phối hợp với tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định - Định Tường.

Năm 1862, triều đình Huế phong Trương Định chức phó lãnh binh tỉnh Gia Định. Phong trào khởi nghĩa của Trương Định dâng lên khắp nơi, thu hút đại bộ phận nhân dân tham gia. Ông tổ chức lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Campuchia.

Ngày 5/6/1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp, ra lệnh tất cả các lực lượng chống Pháp phải bãi binh. Trương Định kháng mệnh vua, rút quân về Gò Công, đóng quân tại Đám lá tối trời, xưng là Trung thiên Tướng quân và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, tiếp tục lãnh đạo phong trào kháng Pháp. Tại đây, ông đã tổ chức nhiều cuộc phục kích, đánh tiêu hao lực lượng địch.

Ngày 19/8/1864, một thuộc hạ dưới trướng là Huỳnh Công Tấn phản bội, dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, các nghĩa quân bị giặc Pháp tàn sát. Trương Định bị trọng thương và rút gươm tự sát vào rạng sáng ngày hôm sau, khi ấy ông 44 tuổi.

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang). Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định ở thị xã Gò Công (tỉnh Tiền Giang).

Chuyện oan hồn binh sĩ chờ ngày phục hận

Sau ngày Đám lá tối trời thất thủ, bản doanh trong rừng dừa nước vốn dĩ đã u tịch sau trận chiến càng trở nên hoang vắng, thê lương. Cũng từ đó, dân gian lưu truyền những câu chuyện kỳ quái, ma mị về chốn đầm hoang rừng vắng này. Chuyện rằng, vì bị những kẻ phản bội cùng màu da giống nòi bán đứng nên nghĩa quân mới bị đánh úp dẫn đến kết cục thảm bại, những nghĩa binh chết trận trở thành những oan hồn uổng tử mang mối hận thù không thể siêu thoát.

Thiên hạ đồn rằng cứ đêm đêm, ở Đám lá tối trời lại nghe tiếng gào thét, tiếng binh đao va chạm. Có lúc lại nghe tiếng chân đi rầm rập như thiên binh vạn mã rần rộ kéo đi, lúc lại nghe ngựa hí người la và tiếng trống trận. Có một vài người gan dạ rủ nhau đi xuồng nhỏ, vào gần Đám lá tối trời ở lại thử một đêm. Thế nhưng điều lạ lùng là những người này hôm sau trở về dù có ai hỏi gì cũng chỉ im lặng, buồn bã và lắc đầu…

Theo năm tháng, sau bao cuộc cầu siêu kinh kệ của những bậc chân đạo, oán khí của xứ này dần tiêu tan, rồi ở Đám lá tối trời không còn nghe những chuyện ma quái nữa. Thế nhưng vì ám ảnh những chuyện xưa tích cũ, thường dân vẫn kiêng dè đặt chân đến vùng rừng lá đó, đặc biệt là sau giờ xế bóng. Lợi dụng điều này, quân trộm cướp đem vàng bạc đến giấu ở đây, bọn trộm trâu bò cũng dắt về đây làm thịt.

Những lương dân không tiền đóng thuế cho thực dân Pháp mà phải trốn tránh, đành tìm đến đây mà ẩn mình. Và cũng chính tại nơi này, nhân dân vùng Bến Tre – Gò Công sau đó chọn làm căn cứ trong phong trào kháng Pháp. Lợi dụng sự bí hiểm, phức tạp của vùng rừng hoang, khiến cho quân giặc bao phen điêu đứng. Sau này hòa bình, khung cảnh rừng vắng âm u dần được thay thế bằng ruộng đồng tốt tươi trù phú, dân cư ngày một đông đúc.

Ngày nay, những công lao của bao lớp tiền nhân ngã xuống cho đất này vẫn được nhân dân khắc ghi, trong đó có thủ lĩnh Trương Định và những người nghĩa quân kháng Pháp năm xưa. Anh hùng Trương Định được người thân và nhân dân lập mộ và đền thờ tại thị xã Gò Công, đền thờ tại xã Gia Thuận huyện Gò Công Đông, nơi “Đám lá tối trời”. Năm 2007, trên quê hương ông ở xã Tịnh Khê, tỉnh Quảng Ngãi, đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định được hoàn thành.

Năm 2004, chuỗi địa danh liên quan đến cuộc khởi nghĩa của Anh hùng dân tộc Trương Định, như di tích “Ao Dinh”, “Đám lá tối trời”, “Đền thờ Trương Định”… ở huyện Gò Công Đông đã được công nhận di tích cấp quốc gia.

Đám lá tối trời ở Long An, Sóc Trăng, Trà Vinh

Tại địa phận xã Nhựt Ninh (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An) có một khu vực dừa nước rậm rạp, từng được gọi là Đám lá tối trời. Năm 1945, nơi này được chọn làm căn cứ cách mạng của Long An.

Năm 1948, Pháp huy động lượng lớn xe bọc thép và tàu chiến bao vây tiêu diệt căn cứ này. Tuy nhiên, chúng liên tiếp thất bại vì gặp phải địa hình phức tạp, phía dưới thì sình lầy, trên thì âm u, rậm rạp như mê trận. Trong trận càn năm 1966, căn cứ được bảo vệ an toàn, trong khi phía địch thiệt hại nặng nề.

Vùng đất này còn nổi tiếng với chuyện ông Nguyễn Văn Thanh, thường gọi là Chín Thanh, nhà ở cạnh Đám lá tối trời, đắp đất xây dựng pháo đài. Suốt ngày đêm, ông Chín Thanh loay hoay đào đắp nên một ụ đất cao, vừa đắp vừa dùng chày nện thật chặt. Mất 3 - 4 tháng, ông đắp được cái tháp hình vuông, cao khoảng chục mét, như một cái lò nung gạch. Ông làm một đường bậc thang xoắn ốc từ đỉnh xuống đáy tháp. Xung quanh tháp, ông nặn đắp nhiều tượng Phật. ông tin rằng làm như vậy có thể xua bom đạn.

Công trình kỳ lạ nhưng vô hại này, trớ trêu bị người Mỹ cho là “pháo đài”, còn các phi công Mỹ lại gọi là “mục tiêu X”. Có giai đoạn, cả một vùng suốt đêm ngày rung chuyển vì Mỹ thả bom vào “pháo đài”. Trong khi các phi công Mỹ căng mắt nhìn “mục tiêu X” để ném bom và nơm nớp lo sợ bị bắn trả từ trong pháo đài, ông bình thản nằm nhổ râu và uống nước trà trong tháp. Sau mỗi đợt bom dội phá, ông ra xem chỗ nào bị sứt mẻ thì đào đất mang về đắp vá, nện lại như cũ.

Ấp Hòa Bình (xã Hòa Tú 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cũng được người dân trong địa phương gọi là Đám lá tối trời. Thời kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nơi này vốn là rừng dừa nước ngút ngàn nên được chọn làm căn cứ cách mạng. Giặc Mỹ nhiều lần càn quét căn cứ nhưng bất thành, đành rải chất hóa học làm cháy một phần diện tích dừa nước. Địa phương này trước đây kinh tế khó khăn nhưng hiện nay kinh tế hạ tầng phát triển, đời sống nhân dân ngày một nâng cao.

Ngoài ra, ở xã Nhị Long, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cũng có đị danh Đám lá tối trời, là căn cứ cách mạng thời kháng chiến chống Mỹ.

Đọc thêm

Giải mã tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt

Nhà thờ họ Trương Việt Nam ở thị trấn Thiên Tôn, Ninh Bình là công trình cấp quốc gia.
(PLVN) - Không chỉ là thần Núi, với lý lịch con thứ 17 của Lạc Long Quân, Lạc tướng Vũ Lâm đời Hùng Vương thứ Nhất, việc thờ cúng Cao Sơn Đại vương tại Hoa Lư tứ trấn và Thăng Long tứ trấn chính là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, đỉnh cao của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Ly kỳ chuyện đại hồng chung cứu chúa ở ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang

Chùa Linh Thứu là một trong những ngôi chùa cổ nhất Tiền Giang.
(PLVN) - Khởi nguyên là ngôi chùa mục đồng giữa khu rừng hoang, Sắc tứ Linh Thứu ngày nay được xem là ngôi chùa cổ nhất đất Tiền Giang. Cổ tự 3 lần được sắc tứ này nổi tiếng với những câu chuyện ly kỳ về chiếc đại hồng chung năm xưa từng cứu chúa Nguyễn Ánh thoát nạn khi còn long đong bôn tẩu phương Nam.

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 7): Vì sao vua Hùng lại mang tên Cao Sơn?

Vua Hùng được nhân dân suy tôn là Đột Ngột Cao Sơn.
(PLVN) - Cao Sơn (núi cao) là danh hiệu mang tính biểu tượng của thần Núi, vị thần trong tín ngưỡng dân gian nguyên thủy. Không phải là thần Núi nhưng hàng nghìn năm qua, Hùng Vương thứ Nhất được nhân dân thờ cúng với thụy hiệu Đột Ngột Cao Sơn. Vì sao vua Hùng lại có danh hiệu này?

Phong thủy và tín ngưỡng thờ thần thánh tại các tứ trấn Việt Nam (Kỳ 6): Khám phá tín ngưỡng thờ thần Huyền Vũ

Núi Cánh Diều tương truyền là nơi thần Thiên Tôn cắm gươm hóa.
(PLVN) - Trong bách thần của tín ngưỡng dân gian Trung Quốc có nhiều vị thần của Đạo giáo. Qua thời gian, từ một thánh thú có biểu tượng rùa - rắn, Huyền Vũ trở thành một vị thần của tín ngưỡng Trung Quốc, rồi thành thần tiên trong Đạo giáo và thành thần của người Việt. Đến nay, những dấu vết, biểu hiện của Đạo giáo có thể tìm thấy trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 7): Tuệ Trung Thượng Sĩ luận về chuyện sống chết

Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn coi nhẹ chuyện sống chết ở đời.
(PLVN) - Không xuất gia đầu Phật, sống cùng thế tục, nhưng tinh thần thiền học khai phóng của Tuệ Trung Thượng Sĩ đã làm thay đổi nhiều dòng thiền. Trong đó, đối với ngài chuyện sống chết luôn xem nhẹ, bởi chỉ có nhận biết được vòng xoay luân hồi của cuộc đời thì người tu hành mới không vướng bận, mới chuyên tâm tu tập chánh pháp.

Zèng - “báu vật” của người Tà Ôi

Zèng được sử dụng làm của hồi môn trong đám cưới của dân tộc Tà Ôi.
(PLVN) - Việc bảo tồn và phát triển nghề dệt Zèng truyền thống không chỉ giữ gìn biểu tượng văn hóa lâu đời của bà con dân tộc Tà Ôi, mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống cho bà con.

Cúng mặn hay cúng chay?

Một mâm cúng chay.
(PLVN) - Cúng mặn hay cúng chay là vấn đề nhiều người dân băn khoăn khi thành kính dâng cỗ cúng cha mẹ, gia tiên. Người Việt chúng ta thường hay nói “trần sao âm vậy”. Nhưng liệu chúng ta đã thực sự hiểu thấu đáo câu nói này?

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ

Thơ Thiền Việt Nam (Bài 6): Tâm thiền bình an trong tuyệt tác “Ngư nhàn” của quốc sư Không Lộ
(PLVN) - Thiền sư Không Lộ là một hiện tượng thi ca độc đáo trong dòng thơ thiền Việt Nam. Bài thơ “Ngư nhàn” – “Cái nhàn của ngư ông” được giới chuyên môn đánh giá là sự cất cánh của một tâm hồn thi sĩ. Bài thơ tràn ngập ý vị thiền, qua cái nhìn độc đáo của một nhà sư biết sống tùy duyên, luôn mở lòng, chan hòa với cuộc đời.

Lay lắt nghề thêu tay truyền thống Bình Lăng

Những người thợ của làng nghề Bình Lăng hiện tại chủ yếu là trung tuổi.
(PLVN) - Làng Bình Lăng (xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) xưa nay được biết đến là làng thêu tay nổi tiếng đất Việt. Sau một thời gian dài phát triển thịnh vượng, giờ đây, bởi thiếu nguồn nhân lực trẻ, thu nhập thấp… thêu tay truyền thống Bình Lăng rơi vào cảnh “thoi thóp”.