Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, nhiệm kỳ này là một nhiệm kỳ rất khó khăn. Ở Việt Nam “đầu kỳ thì Fomosa, cuối kỳ Covid-19 hoành hành, hiện giờ bão lũ làm tanh bành. Với kinh tế thế giới thì chưa bao giờ khủng hoảng lớn như hiện nay, so với những năm 2008 - 2009 thì khủng hoảng kinh tế lần này rất xấu”.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, ước tính thu ngân sách năm 2020 sẽ thấp nhất trong vòng 10 năm qua: “Không sản xuất, kinh doanh thì lấy đâu nguồn thu? Tình hình khó khăn sẽ kéo dài nên vài năm tới phải tiếp tục thắt lưng buộc bụng”.
Những lo lắng đó phần nào dịu bớt khi Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu “càng trong đại dịch, bão lũ càng thấy niềm tin, tương thân tương ái” của người dân Việt Nam.
Khó khăn như vậy là khó khăn chung của cả đất nước, của cả thế giới, chứ không của riêng cá nhân, doanh nghiệp, ngành nghề nào. Để vượt qua khó khăn, tất cả phải chấp nhận cùng cố gắng, cùng thiệt thòi, cùng thắt lưng buộc bụng.
Thế nhưng trong tình hình đó, cũng ngày hôm qua đã xuất hiện một kiến nghị, bị đánh giá là rất lạc lõng, không mang chút tinh thần “tương thân tương ái” nào, của Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI).
Bất chấp việc cả đất nước đang gồng mình khắc phục hậu quả dịch bệnh, thiên tai và giúp đỡ nhau, Hiệp hội này vẫn tư duy kiểu “lợi mình, hại người” khi cho rằng “mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT thời gian qua không được tăng theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của nhiều dự án”, “việc chưa được tăng phí theo lộ trình thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký”, từ đó kiến nghị Chính phủ và các cơ quan TW cho điều chỉnh phí; kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ hàng chục ngàn tỷ với dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; kêu ca “các chính sách thuế, phí hay quản lý, sử dụng tài sản công hoặc thay đổi gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn các dự án giao thông”…
Nên nhớ, lĩnh vực BOT đến nay vẫn còn vướng rất nhiều “lùm xùm” với những nghi vấn gian lận doanh thu, đặt ở vị trí bất hợp lý, nhiều trạm chưa chịu triển khai dịch vụ thu phí dịch vụ không dừng để minh bạch hoạt động, dù Thủ tướng đã nhiều lần ra Chỉ thị…
Chỉ trong năm 2020 này, Bộ GTVT cũng hai lần kiến nghị Chính phủ “cho phép tăng phí để giảm khó khăn cho doanh nghiệp BOT” và những kiến nghị này đều chưa được chấp nhận. Chẳng lẽ chỉ doanh nghiệp BOT mới “khó khăn”? Đến Chính phủ còn phải triệt để tiết kiệm, cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác, cùng với 10% tiết kiệm chi thường xuyên. Vì vậy mới nói kiến nghị của các doanh nghiệp BOT và những ai đó “hậu thuẫn” các doanh nghiệp này là lạc lõng, thậm chí “vô duyên”, chỉ biết “lợi mình, hại người”.