“Đế chế” thương mại về muối Phoenicia
Trong thế giới cổ đại, Ai Cập là “nôi” xuất khẩu hàng đầu về các loại thực phẩm khô như lúa mì và đậu lăng. Bên cạnh đó, mặc dù muối là một mặt hàng có giá trị giao thương nhưng vì việc vận chuyển rất cồng kềnh nên người Ai Cập cổ ưu tiên xuất khẩu các loại thực phẩm ướp muối thay vì muối thô. Cá muối từ Ai Cập là mặt hàng đặc biệt được ưa chuộng ở vùng Trung Đông. Cá muối khi được bảo quản tốt sẽ không dễ bị hư hỏng như thực phẩm tươi sống, khiến giá trị của mặt hàng này được tăng thêm.
Nhiều bằng chứng khảo cổ cho thấy con đường giao thương các loại thực phẩm ướp muối giữa Ai Cập và Trung Đông đã bắt đầu từ khoảng 2800 TCN và vẫn kéo dài đến tận bây giờ. Từ xa xưa, người Ai Cập bán cá muối cho người Phoenicia để đổi lấy gỗ tuyết tùng, thuỷ tinh, thuốc nhuộm – những mặt hàng thương mại nổi tiếng của họ. Theo thời gian, những thương nhân Phoenicia bắt đầu buôn bán các sản phẩm ướp muối của Ai Cập, đặc biệt là cá muối và muối Bắc Phi trên khắp vùng Địa Trung Hải.
Nói thêm về tộc người Phoenicia cổ, ban đầu họ sinh sống trên một dải đất hẹp tại bờ biển Li-băng phía Bắc núi Carmel (thuộc Israel bây giờ). Xã hội Phoenicia có sự pha trộn của nhiều chủng tộc khác nhau nhưng họ không bao giờ hợp nhất thành một quốc gia mà gắn kết với nhau như một cộng đồng giao thương. Về mặt văn hoá và lối sống, họ bị ảnh hưởng chủ yếu bởi người Ai Cập, sau này là người Hy Lạp. Trên phương diện kinh tế, vùng đất của người Phoenicia được đánh giá ngang bằng với một “cường quốc” của thời cổ đại, sở hữu nền giao thương cường thịnh và các cảng lớn như Tyre.
Họ giao dịch với tất cả thương nhân, quý tộc, hoàng gia từ các nơi khác. Khi Solomon xây dựng một ngôi đền ở Jerusalem, người Phoenicia đã cung cấp gỗ tuyết tùng Li-băng và thợ thủ công. Mặt khác, trong Cựu Ước có đề cập rằng nguồn cung cấp cho chợ cá ở Jerusalem là từ cảng Tyre; loại cá họ bán là cá muối bởi vì cá tươi sẽ hư hỏng trước khi đến được Jerusalem.
Người cổ đại ở vùng Địa Trung Hải cho rằng, đồ ăn ngon thường đến từ thương lái Phoenicia, điển hình như cây ô liu cũng được tộc người này đưa đến. Người Tây Ban Nha cho rằng người Phoenicia đã giới thiệu đậu gà, một loại đậu Tây Á, đến phía Tây Địa Trung Hải, mặc dù bằng chứng về đậu gà bản địa hoang dã đã được tìm thấy ở vùng Catalan thuộc miền Nam nước Pháp.
Người Sicily nói rằng người Phoenicia là những người đầu tiên đánh bắt cá ngừ vây xanh ngoài khơi bờ biển phía Tây của nước Ý. Bằng chứng khảo cổ cho thấy người Phoenicia cũng thành lập một cơ sở làm muối ở phía tây của đảo Sicily, gần Trapani ngày nay, để phục vụ đánh bắt.
Đồng xu Phoenicia cổ đại có hình ảnh cá ngừ đã được tìm thấy gần một số cảng Địa Trung Hải. Vào thời điểm đó, cá ngừ vây xanh được biết đến loài cá nhanh nhẹn, lưng xanh, là thành viên lớn nhất của họ cá ngừ, có thể đạt kích thước hơn 680kg mỗi con. Khi tìm kiếm nguồn nước ấm hơn để sinh sản, cá ngừ vây xanh rời Đại Tây Dương, đi vào eo biển Gibraltar, đi qua Bắc Phi và tây Sicily, đi qua Hy Lạp, bơi qua eo biển Bosporus và vào Biển Đen. Theo các ghi chép, hầu hết tại tất cả các điểm đất gần con đường di chuyển của cá ngừ vây xanh ở Địa Trung Hải đều có dấu vết của người Phoenicia đánh bắt cá tại đó để phục vụ buôn bán.
Vận chuyển muối khá cồng kềnh nên người Ai Cập thay thế bằng cá muối. |
Khoảng 800 năm TCN, khi người Phoenicia lần đầu tiên định cư trên bờ biển của Tunisia ngày nay, họ đã thành lập một cảng biển với cái tên là Sfax. Cảng biển Sfax đã trở thành nguồn cung cấp muối và cá muối cho thương mại Địa Trung Hải thời cổ đại và vẫn phát triển thịnh vượng cho đến ngày nay. Người Phoenicia cũng thành lập cảng Cadiz ở miền nam Tây Ban Nha, ở đó họ chủ yếu xuất khẩu thiếc. Gần 2.500 năm trước khi các thủy thủ Bồ Đào Nha khám phá Tây Phi, người Phoenicia đã đi thuyền từ Cadiz qua eo biển Gibraltar và đến bờ biển Tây Phi.
Người Phoenicia cũng được ghi nhận đã sáng tạo ra bảng chữ cái và ngôn ngữ riêng. Tại thời điểm đó, ngôn ngữ Trung Quốc và Ai Cập cổ đã sử dụng các bức tranh, bản vẽ mô tả các đối tượng hoặc khái niệm. Hay tiếng Babylon - ngôn ngữ quốc tế ở Trung Đông – cũng có một danh sách dài các ký tự, mỗi ký tự đại diện cho một từ hoặc sự kết hợp của các âm thanh.
Nhưng người Phoenicia đã sử dụng một dạng ngôn ngữ tiền thân của tiếng Do Thái cổ từ khoảng 1400 năm TCN. Bảng chữ cái của người Phoenicia chỉ có 22 ký tự, mỗi ký tự đại diện cho một âm thanh cụ thể. Chính sự đơn giản của bảng chữ cái này cũng như sức mạnh thương mại của các người Phoenicia đã mở ra một đế chế giao thương hùng mạnh ở Địa Trung Hải cổ đại.
Người cổ đại vận chuyển muối như thế nào?
Có thể nói, một trong những thương vụ có lãi nhất của người Phoenicia là các loại thực phẩm ướp muối – điều mà họ đã học được từ những thương lái Ai Cập. Đơn cử, vùng nội địa từ cảng Sfax đi vào là những lòng hồ sa mạc khô cằn, nơi muối tự nhiên có thể xuất hiện vào mùa khô. Đây cũng là cách thu thập muối thô của người Ai Cập cổ. Từ đó, có thể suy luận rằng, người Phoenicia đã học được cách thu thập muối từ người Ai Cập cổ và dùng muối cho việc ướp cá.
Đáng nói, một chuyến hàng chở muối thường được cho là cồng kềnh và nặng nề nên chọn phương tiện vận chuyển phù hợp luôn là yếu tố thiết yếu trong buôn bán muối trong thời này. Vào thời cổ đại, vùng Fezzan, ngày nay ở miền nam Libya có liên hệ mật thiết với Ai Cập và Địa Trung Hải. Nhà sử học Herodotos xứ Halikarnasseus (Hy Lạp) sống ở thế kỷ 5 TCN đã ghi nhận về việc sử dụng ngựa và xe ngựa để vận chuyển các vật dụng chiến tranh ở Fezzan.
Lạc đà là một trong những “phương tiện” vận chuyển muối thời cổ đại. |
Sau này, ngựa cũng có thể được sử dụng để vận chuyển muối. Vào thế kỷ thứ 3 TCN, Fezzan đã được chú ý đến với khả năng sản xuất muối. Các đoàn thương nhân đã chở những bọc muối đặt trong thảm rơm trên xe ngựa và lưng ngựa để băng qua sa mạc. Đến nay, muối vẫn được sản xuất và vận chuyển theo cách tương tự ở các vùng của sa mạc Sahara.
Ở hầu hết châu Á, châu Âu và châu Mỹ, đường thủy là giải pháp. Muối được buôn bán thông qua các cảng biển, cảng sông, ví như ở Tứ Xuyên, với hệ thống sông ngòi trải dài việc buôn bán muối tại các cảng sông trở nên phổ biến. Mặt khác, ở lục địa Châu Phi - nơi muối nằm tại các rãnh và lòng hồ khô cạn của sa mạc, người cổ đại tìm ra một giải pháp khác để thu gom và vận chuyển muối, đó là lạc đà.
Những cuộc hành trình sớm nhất được biết đến trên sa mạc Sahara là vào khoảng 1000 TCN, với phương tiện vận chuyển là bằng xe bò, sau này là xe ngựa. Chỉ đến từ thế kỷ thứ 3 SCN, các thương nhân mới dùng lạc đà để thay thế ngựa. Khi lạc đà nội địa xuất hiện lần đầu ở Sahara, việc sử dụng nó cho vận chuyển hàng hoá đã nhanh chóng lan rộng.
Theo sử sách ghi nhận, vào thời Trung cổ, một đoàn lữ hành gồm 40.000 con lạc đà đã chở muối từ Taoudenni đến Timbuktu, trong cuộc hành trình dài 435 dặm kéo dài một tháng. Kể từ đó đến nay, các đoàn lạc đà đã chuyển một sản lượng muối lớn qua sa mạc Sahara đến miền Tây Phi và Trung Phi.
(Còn tiếp)