Huyền bí tục "xin chứng nhận trưởng thành" từ người âm

Huyền bí tục "xin chứng nhận trưởng thành" từ người âm
(PLO) - Từ bao đời nay, các thế hệ người Dao đỏ ở huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) tất cả đều phải trải qua ít nhất một lần làm tục lễ cấp sắc để tổ tiên, người cõi âm công nhận họ đã trưởng thành, chính thức nhập vào gia phả của dòng họ.

Họ quan niệm rằng, khi trải qua lễ cấp sắc thì con người mới thấu hiểu được đạo lý ở đời, khi chết hồn mới về đoàn tụ với tổ tiên Bàn Hồ, được tham gia vào các công việc hệ trọng của bản làng, cộng đồng… Tục cấp sắc của người Dao đỏ có tính giáo dục rất lớn và mang nhiều vẻ tâm linh vô cùng huyền bí trong các bước tiến hành làm lễ của các vị thầy Tào. Trong những ngày diễn ra lễ cấp sắc, người thụ lễ không được nói tục, chửi bậy và gần gũi với phụ nữ.

Độc đáo lễ cấp sắc của người Dao đỏ

Những bản làng người Dao đỏ tập trung chủ yếu ở các sườn núi thuộc các xã Thái Học, Thành Công, Quang Thành… của huyện Nguyên Bình và huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng. Theo đó, lễ cấp sắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 và tháng Giêng hàng năm, bởi đây là thời gian rảnh rỗi nhất, không vướng bận đến việc trồng trọt.

Tục cấp sắc được người Dao đỏ chia thành 9 bậc, mỗi bậc tương ứng với một đèn và được tổ chức hai lần. Trong đó, lần đầu là để công nhận sự trưởng thành của con cháu trong nhà, hoàn thành sẽ được thăng lên bậc 3 và người dân gọi là “Qua tang”. Còn lần thứ hai là dành cho những người có nguồn gốc, gia phả rõ ràng, đây là lần cuối cùng và cao nhất bởi đã được thăng thành bậc 9 tương ứng với 9 đèn, có ý nghĩa rằng tên tuổi đã được báo cáo đến tận Ngọc hoàng, thiên giới đều công nhận danh tính, tiếng Dao đỏ gọi là “Tẩu xai”.

Bản làng người Dao đỏ.
Bản làng người Dao đỏ.

Thông thường, con cháu trong nhà có độ tuổi từ 12 đến 18 gia đình sẽ tổ chức làm lễ cấp sắc đạo lần đầu - “Qua tang”. Nếu gia đình nào có kinh tế khấm khá có thể tổ chức lần thứ hai – “Tẩu xai” cho con cháu ngay trong năm với điều kiện năm đó phải là năm nhuận, bởi họ cho rằng đây là năm thuận lợi nhất để tiến hành các tục lễ quan trọng.

Điều đặc biệt là trong những ngày diễn ra lễ cấp sắc, người được thụ lễ phải kiêng hò hát, cãi nhau, ngủ chung. Nếu phạm phải thì coi như không được tổ tiên, thần linh, Ngọc hoàng chấp nhận, thậm chí còn bị trừng phạt nghiêm khắc.

Khi tiến hành lễ cấp sắc “Qua tang” cho con cháu, gia đình và họ hàng phải tìm 3 thầy Tào đến để làm “sứ giả” báo cáo với tổ tiên, cõi âm. Ngoài những trang phục, đạo cụ như sách Nôm Dao, chũm chọe, thanh la, kèn… thì vật không thể thiếu của thầy Tào đó là 3 bộ Tam thanh gồm một bộ lớn, 2 bộ nhỏ, trong đó thầy Tào trưởng mang theo một bộ lớn, hai thầy Tào phụ đem 2 bộ nhỏ vẽ hình ảnh của các vị thánh. Lễ cấp sắc “Qua tang” diễn ra 2 ngày một đêm, gia đình sẽ tốn khoảng 15 triệu bao gồm tất cả các đồ lễ, vật nuôi, thuê thầy Tào…

Tương tự, lễ cấp sắc “Tẩu xai” cũng được tổ chức như “Qua tang”, tuy nhiên, nó có quy mô lớn hơn và kéo dài thời gian hơn một ngày. Khi tiến hành cấp sắc lần hai (bậc 9), nhiều người trong họ hàng có thể được cấp sắc cùng một dịp, tối thiếu là 13 người. Khi đó, mọi người sẽ góp lợn và tiền bạc lại để làm chung trong một buổi lễ cấp sắc. Nhà ai làm cấp sắc hai người thì góp 2 con lợn và số tiền gấp đôi so với gia đình nào chỉ có một người làm. Bởi đây là cấp bậc cao nhất nên phải cần đến 18 thầy Tào mới có thể tiến hành làm lễ, báo cáo với thổ công, tổ tiên Bàn Hồ, cõi âm, Ngọc hoàng, thánh Bàn vương (một nhân vật huyền thoại người Dao).

Thầy Tào trẻ Bàn Văn Pu (35 tuổi) đang mô tả lại quá trình làm lễ cấp sắc của người Dao đỏ.

Thầy Tào trẻ Bàn Văn Pu (35 tuổi) đang mô tả lại quá trình làm lễ cấp sắc của người Dao đỏ.

Anh Bàn Văn Pu (35 tuổi) ở Bản Chang, xã Thái Học, huyện Nguyên Bình (Cao Bằng) là một thầy Tào trẻ tuổi có danh tiếng và được người dân kính trọng, cho hay: “Những ai là người Dao thì phải trải qua lễ cấp sắc ít nhất một lần trong đời, tục lệ này đã có từ xa xưa và đến nay vẫn được giữ nguyên vẹn. Gia đình tôi đã có truyền thống làm thầy Tào 3 thế hệ, hồi 13 tuổi tôi bắt đầu học chữ Nôm Dao do ông nội trực tiếp dạy và đến năm 20 tuổi thì bắt đầu chính thức hành nghề".

"Tôi làm lễ cấp sắc “Tẩu xai” lúc 17 tuổi, đây được coi là bậc cao nhất, gọi là kinh thiên động địa, trời đất đều biết cả rồi. Bậc 3 gọi là “Qua tang” thì chỉ coi như là vào nhập môn thôi chứ chưa thể làm thầy được. Không phải ai được làm lễ cấp sắc “Tẩu xai” đều có thể làm thầy Mo, thầy Tào được, cái này phải phụ thuộc vào năng khiếu cũng như trình độ của họ, bởi theo nghề này bắt buộc phải thông thạo chữ Nôm Dao, tức là chữ Hán được Dao hóa. Tuy nhiên, dù làm gì thì khi đã được cấp sắc lên bậc Ngọc hoàng, gọi là bậc cao nhất sẽ luôn được cộng đồng kính nể, tôn trọng” - anh Pu cho biết thêm.

Các dụng cụ, đồ nghề không thể thiếu của các thầy Tào khi tiến hành làm lễ cấp sắc.

Các dụng cụ, đồ nghề không thể thiếu của các thầy Tào khi tiến hành làm lễ cấp sắc.

Tốn kém nhưng không thể bỏ

Theo cụ Lý Dào Luồng (84 tuổi) ở làng Phùng, xã Thái Học cho biết, làm lễ cấp sắc có nhiều bậc, nhiều công sức nên cũng tốn nhiều tiền bạc và vật chất. Trong quá trình làm lễ cấp sắc, nhiều con lợn, gà bị giết mổ để chiêu đãi khách và đem biếu thịt cho các thầy Tào, những người họ hàng thân thích và đầu bếp. Ngoài ra, còn có lợn, gà dành riêng cho việc thờ cúng tổ tiên, thổ công. So với đám cưới, đám tang thì lễ cấp sắc còn công phu và tốn kém hơn nhiều.

Anh Bàn Văn Pu tiết lộ: “Lễ cấp sắc được bà con làm rất phức tạp, thường được tổ chức vào dịp cuối năm, thế nhưng phải chuẩn bị cho buổi lễ trước đó vài tháng như xem ngày đẹp, tháng tốt, mời thầy cúng. Lễ vật bắt buộc phải có của mỗi nhà là 2 con lợn tế thần nặng từ 80 kg trở lên, gà từ 5-10 con, rượu, hương đốt, một đôi chiếu mới, tiền xu hay đồng bạc trắng, tranh thờ các vị thần, thịt sóc sấy khô... để tiến hành các nghi lễ. Nếu làm lễ cấp sắc “Tẩu xai”, là bậc cao nhất thì tính cả đồ lễ, vật chất, đồ cúng, tiền thuê thầy Tào, chiêu đãi khách cũng phải tốn khoảng 150 triệu đồng. Nhiều người làm lễ cấp sắc chung một dịp còn đỡ, một nhà làm thì phải chuẩn bị mấy năm mới làm được. Nhiều gia đình không có khả năng tài chính  thì chỉ làm lễ cấp sắc “Qua tang” thôi. Biết là tốn kém nhiều tiền bạc nhưng không thể bỏ được đâu”.

Anh Pu cũng cho biết thêm, trước khi diễn ra lễ cấp sắc khoảng vài tháng, gia đình tổ chức lễ phải đem lễ đến nhà thầy cúng cao tay trong làng để xem ngày lành, tháng tốt rồi cùng cả dòng họ họp bàn chuẩn bị cho ngày trọng đại. Tuy nhiên, khi lễ cấp sắc diễn ra xong vẫn chưa kết thúc hoàn toàn. Đến ngày tết âm năm tiếp theo, gia đình có người thụ lễ cũng phải mang giấy cúng, thịt lợn và một con gà đến nhà thầy Tào trưởng để tạ ơn một lần mới gọi là hoàn tất xong xuôi mọi thứ.

Một buổi lễ cấp sắc của người Dao đỏ.

Một buổi lễ cấp sắc của người Dao đỏ.

Lời giáo huấn “hướng thiện, tránh ác” của tổ tiên

Trong quá trình làm lễ cấp sắc thì phần lễ giáo huấn là một trong các bước quan trọng nhất dành cho người thụ. Người được cấp sắc phải ăn mặc chỉnh tề ngồi trước bàn thờ, hai tay giữ một cây tre, nứa, ngang vai có đục và xuyên một thanh ngang dài vừa tầm vai để thầy đốt đèn, đặt nến để làm lễ. Người thụ lễ sẽ được các thầy Tào cấp đạo sắc với 10 điều cấm và 10 điều nguyện. Tiếp đó là đến phần cấp pháp danh cho người thụ lễ, tên âm của người thụ lễ cũng được ghi luôn trong đó để khi chết về được với tổ tiên. Cuối cùng, người thụ lễ lấy vạt áo để hứng gạo và nhảy một số điệu cơ bản theo sự chỉ dẫn của thầy Tào.

Kết thúc nghi lễ cấp sắc, các thầy múa dâng rượu, lễ vật, nhảy múa 3 vòng ở ngoài sân và trong nhà để tạ ơn các thần linh vì đã đến dự buổi lễ, ghi nhận pháp danh những người thụ lễ. Từ thời điểm này, những chàng trai, cô gái coi như đã được tổ tiên, cộng đồng công nhận là người trưởng thành, có một cái tên âm mới để giao tiếp với thế giới tâm linh, được tổ tiên phù hộ. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của họ, giúp cho họ sống có tâm, trách nhiệm và nghiêm túc hơn đối với bản thân và những người xung quanh. Tất cả mọi thế hệ người Dao đỏ lớn lên và trưởng thành đều được răn dạy theo cách đó và được tổ chức lễ cấp sắc để báo cáo, cam kết với tổ tiên và các vị thần linh. 

Ông Triệu Tòn Sinh, Chủ tịch xã Thái Học cho biết: “Lễ cấp sắc của người Dao đỏ mang tính giáo dục cao, thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ, đó là hướng đến điều thiện và tuyệt đối không được làm điều ác, điều xấu. Lễ cấp sắc của người Dao nói riêng và bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số nói chung là cái hồn riêng của mỗi dân tộc, cần phải được gìn giữ và phát huy với điều kiện bỏ qua những khâu không cần thiết để đỡ tốn kém tiền bạc và vật chất cho đồng bào”.

Tin cùng chuyên mục

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự, chứng kiến Lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Anh: Ký kết thỏa thuận hợp tác trị giá hàng tỷ USD

(PLVN) - Nhân chuyến tham dự Hội nghị COP26 và làm việc tại Vương quốc Anh, chiều 31/10 (giờ địa phương), tại thành phố Edinburg, Scotland, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự, chứng kiến lễ ký, trao 26 thỏa thuận hợp tác trong các lĩnh vực thương mại, nông nghiệp, năng lượng, y tế, giáo dục, đào tạo, bảo vệ môi trường, thể thao... của các bộ, ngành và doanh nghiệp Việt Nam và đối tác Anh.

Đọc thêm

Giảm tải mật độ, hạn chế lây nhiễm trong khu cách ly

làm thủ tục tiếp nhận công dân vào khu cách ly tại Trường Quân sự Bộ Tư lệnh Thủ đô. Ảnh: báo Lao động (chụp tháng 2/2020)
(PLVN) - Những ngày vừa qua, số ca F1 chuyển biến thành F0 tăng nhanh nên TP Hà Nội đã chỉ đạo xét nghiệm toàn bộ số F1 đang cách ly để sàng lọc, rà soát mà không cần chờ đủ thời gian 7 ngày theo quy định. Qua xét nghiệm đã xác định thêm 27 ca bệnh chuyển từ F1 thành F0.

Những nữ Công an tỉnh Phú Thọ nhiệt huyết trong công việc

Chiến sỹ Cảnh sát nhập dữ liệu thông tin của người dân.
(PLVN) - Trong bất kể lĩnh vực công tác nào, thì những “bông hồng thép”- nữ cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Phú Thọ đều luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần mang lại cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân.