Xưa, nói tới ngón đàn, tay hát, những Tố Như, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tú Xương… đề dự phần đến thú cô đầu.
Cái kiếp cầm ca của những ả đào (ca nương) xưa của loại hình nghệ thuật này, thật đúng cái nghĩa “xướng danh vô loài”. Ấy nhưng, trong muôn ngàn vạn người lấy tiếng hát, tiếng đàn mua vui cho đời rồi chết già với nghề ca xướng, lại cũng có dăm người, nhờ số phận bèo nước đẩy đưa, mà lưu danh trong sử Việt.
Mắc mưu cô đào, quân Minh phải làm gò đong quân
Cô đào được nói tới ở đây, Việt Nam văn học toàn thư của Hoàng Trọng Miên ghi là Lương Thị Huệ, người đất Ý Yên, Nam Định.
Bấy giờ, cuối thời Hồ, quân Minh sang xâm lược nước ta, gây bao tội ác. Ở xã Đào Đặng, huyện Tiên Lữ, đất Hưng Yên nay có một thôn toàn thư thiếu nữ xuân thì xinh xắn, theo nghề xướng ca. Trong đó, có Đào Nương nhan sắc nổi trội, hát hay, múa đẹp, quân Ngô (Minh) rất thích, thường khiến nàng múa hát cho chúng xem. Lâu dần, Đào Nương chiếm được niềm tin của giặc Ngô.
Di tích đền thờ Đào Nương tại Hưng Yên |
Dạo đó, vùng đất này muỗi bay như trấu. Quân Minh sợ muỗi, nên cứ tối đến là mỗi tên chui vào một cái túi, cho bọn canh gác buộc miệng túi mà ngủ để ngăn muỗi. Chiếm được cảm tình của quân Minh rồi, nhiều lần sau khi nghe hát, chính Đào Nương được chúng nhờ buộc miệng túi cho, chẳng lấy gì làm ngờ vực.
Tin tưởng Đào Nương là thế, nhưng với dân trong vùng, bọn chúng gây biết bao tội ác, giết người, cướp của, đè nén dân Nam. Sẵn bầu máu nóng thương dân, Đào Nương tìm cách diệt quân Minh, như Công dư tiệp ký có chép: “Nàng bàn với họ (dân làng – Người dẫn chú) nhân lúc quân Ngô ngủ say, khiêng cả người lẫn túi đem vứt xuống cái ngòi ở bên cạnh làng, một lát thì trôi ra ngoài sông Cái”. Việc ấy đêm nào cũng được Đào Nương và dân làng thực hiện. Dần dà, quân Minh hao hụt thấy rõ.
Tướng Minh lo sợ, không hiểu nguyên do gì mà quân mình cứ vơi đi đến quá nửa. Chúng bèn đắp một mô đất ngoài đồng, cứ buổi sáng dậy là cho lính đứng lên mô đất ấy, nếu lính đứng khít mô đất thì đủ quân, nếu đứng non là mất quân. Mô đất ấy, được gọi là “đẩu sơn”, tức núi đong quân.
Khổ nỗi qua thời gian, lính cứ hao hụt, thiếu khuyết mà chẳng biết do đâu. Cực chẳng đã, quân Minh phải rời đồn đóng ở nơi khác. Dân trong vùng nhờ đó mới thoát nạn giặc Minh. Sau này khi Đào Nương mất, cảm cái ơn với dân làng, thôn Đào Nương ở được đặt là thôn Ả Đào. Nay miếu cũ vẫn còn, thuộc thôn Đào Đặng, xã Trung Nghĩa, Thành phố Hưng Yên.
Thần công tịt ngòi bởi khăn hồng thấm nước
Nói đến chiến công này làm cho súng thần công của địch phải “ngậm tăm”, trước hết là ở kế người chỉ huy: Vũ Duy Hài tức Vũ Bật Hài, con của Tể tướng Vũ Duy Chí, người làng tiến sĩ Mộ Trạch nức tiếng đất Hải Dương xưa. Vũ Huy Hài đỗ Tiến sĩ khoa Kỷ Hợi (1659), cùng cha làm quan đồng triều.
Theo Công dư tiệp ký cho hay, bấy giờ có bọn giặc Tàu do tên Đặng Diệu cầm đầu kéo hơn 100 chiến thuyền vượt biển sang đánh vào Đầm Hồng. Vua Lê – chúa Trịnh bèn khiến Vương tử Ninh Quận công thống lĩnh thủy quân đánh giặc, còn Duy Hài giữ chức Giám trận.
Nghĩ thế giặc chẳng phải vừa, Duy Hài tìm cách làm giảm sức mạnh của địch. Đoán giặc cậy đông, tự mãn, lại toàn bọn võ biền thô lỗ, ông liền nảy ra một kế. Duy Hài sai người đi khắp nơi, tuyển mộ được 300 ả đào, tìm cách cho xuống thuyền giặc ca hát giúp vui. Trước khi 300 “quân má hồng” này sang thuyền địch, ông giao cho mỗi người một chiếc khăn hồng, dặn rằng đợi khi bọn giặc say rượu ngủ, thì lấy khăn ấy thấm nước rồi nhét vào miệng súng thần công, xong việc thì lập tức rời thuyền.
Theo lệnh ông, 300 ả đào làm y lời dặn, lời ca tiếng hát dập dìu, má phấn mê hồn, mắt liếc đung đưa, bọn giặc Tàu cứ thế tu rượu như suối rồi say ngủ. Sáng hôm sau các ả đào trở về, báo tin kế sách đã xong. Biết thời cơ đã tới, ông liền hạ lệnh đem hết thuyền bày hình chữ nhất tiến lên, các khẩu đại bác đồng thời nhả đạn.
Quân giặc bất ngờ bị tấn công “vội đem súng ra bắn trả, nhưng súng đều bị tắc họng, chẳng bắn được phát nào” (Trích Công dư tiệp ký). Chúng có biết đâu rằng những chiếc khăn hồng mềm mại tối hôm trước còn điểm tô sắc đẹp, vẻ mỹ miều cho các ả đào, thì nay đã thành vũ khí làm câm lặng họng đại bác.
Bên trong đền thờ Đào Nương |
Bị trúng kế mỹ nhân, giặc Tàu vội vàng giương buồm cho thuyền chạy trốn. Quân ta đuổi theo, bắt được một số tù bình giặc. Một trận đại thắng mà chẳng nhọc bao nhiêu công sức của binh sĩ. Trăm sự là nhờ lời ca ngọt và những chiếc khăn hồng thấm nước của chị em đào nương.
Đào Nhu thù chồng không quên trả
Chuyện về Đào Nhu, xảy ra thời vua Tự Đức, được Lương Mỵ Châu thuật lại trong bài Những ả đào lưu danh trong quốc sử của tạp chí Văn học số 138 (ra ngày 15 tháng 10 năm 1971). Nay xin mạo muội tóm lược lại hầu độc giả.
Theo đó, năm Quý Mùi (1883), nhằm lúc nước Nam ta đang mãn kỳ độc lập, thành Hà Nội bị hạ lần thứ hai. Tại làng Sơn Lộ (tên nôm là làng So), phủ Quốc Oai (thuộc Hà Nội nay), có Tư So và bạn là Vùng nhân biến loạn mà nổi lên ở làng So, tiếng là bảo vệ an ninh cho dân, nhưng kỳ thực là bắt cóc, cướp của những nhà giàu.
Vốn phường lục lâm, thảo khấu, Tư So và Vùng dùng tiền cướp được rượu chè say sưa, lại nghe hát cô đầu suốt ngày đêm. Trong đám ca nương, có đào Nhu được tiếng thanh sắc. Nhân ngày Tết, đào Nhu hát mừng tuổi Tư So, trong đó có câu:
“Non sông gió bụi,/ Khách anh hùng lẩn lút mãi sao đây?/ …Dọc ngang vùng vẫy bể khơi,/Xoay vũ trụ tài trai coi cũng nhỏ.”
Nghe Nhu hát, có ý khen mình là anh hùng, như xưa Từ Hải gặp Kiều, Tư So thích lắm, sau duyên tơ tóc với đào Nhu. Từ ấy, đào Nhu bỏ nghề cô đầu, theo Tư So chinh chiến, phi ngựa, bắn tên chẳng kém nam nhi. Ngặt nỗi, Tư So và Vùng vẫn hăng say rượu chè. Thấy Vùng không phải kẻ tử tế, đào Nhu khuyên Tư So bớt giao du với hắn. Nhưng lời đàn bà đâu dễ lọt tai. Rốt cuộc, trong một cuộc cãi lộn, Tư So bị Vùng đâm chết.
Chôn cất chồng xong, đào Nhu tập hợp quân sĩ luyện tập ngày đêm, quyết ý trả thù. Bấy giờ, Vùng đã tự phong mình làm ông quận, tỏ ý bá chủ vùng làng So, ra chiều đắc ý. Sau khi dò xét dinh trại của Vùng, nhân khi hắn không phòng bị, đào Nhu đang đêm cùng quân đánh úp trại. Nàng phi ngựa, vung gươm hướng tới quận Vùng mà rằng:
- Thằng phản bạn, sao mày nỡ mưu hại chồng tao? Nay tao giết mày để trả hận!
Gươm vung lên, đầu Vùng lìa cổ. Đào Nhu đem thủ cấp tên bạn bội phản tế trước mộ chồng, lại nguyện dùng quân đánh giặc Tây. Sau, có tên tướng Tàu là Đàm Duy Cương biết tiếng nàng là người yêu nước, đem lòng kính phục và rủ đào Nhu sang Tàu, hứa giúp súng đạn, binh mã đánh giặc Tây. Đào Nhu nhận lời. Tiếc rằng kể từ khi rời bước ly hương ngược Bắc, đào Nhu mãi “bóng chim tăm cá”…