Anh Ngô Tuấn Linh có địa chỉ 165 Cầu Giấy, phường Quan Hoa, Hà Nội là một khách hàng (truyền thống) của Bưu cục Cầu Giấy trực thuộc Trung tâm 3 - Bưu điện TP Hà Nội. Anh Linh có trụ sở kinh doanh shop bán hàng trực tuyến (online) kết nối dịch vụ gửi hàng ra Bưu cục, Bưu điện nhận hàng ghi hóa đơn đóng dấu COD giao lại cho anh Linh 1 liên màu hồng để có cơ sở thanh toán sau này.
Do tin tưởng và có uy tín của Bưu cục Cầu Giấy, anh Linh đã tích lại số hóa đơn (chưa thanh toán) cả một năm trời với số tiền gần 200 triệu đồng. Không ngờ, Nguyễn Thị Lý (nhân viên cửa hàng của anh Linh - PV) là người lấy trộm toàn bộ số hóa đơn này ra Bưu cục để rút tiền… rồi biến mất.
Ông Nguyễn Sơn Tùng – Giám đốc Bưu điện Trung tâm 3 (Quản lý Bưu cục Cầu Giấy) cho biết, về nguyên tắc, khi thanh toán tiền, khách hàng phải xuất trình hóa đơn (liên màu hồng) có đóng dấu COD của Bưu cục và chứng minh nhân dân; hoặc có giấy ủy quyền của người có tên ghi trên hóa đơn gửi hàng - ủy quyền cho ai thì người đó mới hợp lệ được thay thế nhận và thanh toán tiền với Bưu cục.
Ngoài ra, bà Nguyễn Thu Hương – Trưởng Bưu cục Cầu Giấy cũng đã thừa nhận và còn cho biết thêm, khi khách hàng đến thanh toán, giao dịch viên kiểm tra hóa đơn, giấy tờ hợp lệ - đúng tên ghi trên hóa đơn, sau đó chuyển cho Kiểm soát viên, tiếp đến chuyển cho Lãnh đạo Bưu cục duyệt, rồi mới chuyển cho kế toán kiểm tra lần cuối mới làm thủ tục xuất tiền...
Vậy, câu hỏi đặt ra ở đây, tại sao Nguyễn Thị Lý lại mang đến Bưu cục Cầu Giấy một số lượng 244 (hóa đơn COD) với trị giá gần 200 triệu đồng lại rút được tiền một cách suôn sẻ đến như vậy?
Không những thế, trước đó anh Linh đã cảnh báo với Lãnh đạo Bưu cục Cầu giấy, cụ thể với bà Nguyễn Ngọc Ánh - Kế toán Bưu cục Cầu Giấy về hành vi của Nguyễn Thị Lý lấy trộm hóa đơn COD rút 3 triệu đồng trót lọt. Hành vi này, Nguyễn Thị Lý đã nhận lỗi – anh Linh đã bỏ qua; Lãnh đạo Bưu cục Cầu Giấy đã nhận được sự cảnh báo.
Cho rút tiền vì... "cà nể"!
Lần đầu, Nguyễn Thị Lý lấy trộm được gần chục hóa đơn COD với trị giá 3 triệu đồng, mặc dù không có giấy ủy quyền của anh Linh, nhưng Lý vẫn thanh toán được tiền từ Bưu cục Cầu giấy - số tiền này, bà Nguyễn Ngọc Ánh ký duyệt xuất tiền.
Lần tiếp theo, vẫn là Nguyễn Thị Lý mang số lượng 244 hóa đơn COD với trị giá hơn 159 triệu đồng đến Bưu cục Cầu Giấy để nhận tiền. Một vấn đề lớn đặt ra ở đây, Nguyễn Thị Lý đã thành bản chất về hành vi trộm cắp – tái phạm nhiều lần. Lần sau có quy mô - ấp ủ chờ đợi thời cơ chiếm đoạt với số tiền trị giá lớn hơn gấp 50 lần so với lần đầu.
Được biết, bà Nguyễn Ngọc Ánh đã có thâm niên trong nghề, ắt phải hiểu rõ các quy định và nguyên tắc của ngành… và trước đó đã có sự cảnh báo về hành vi của Nguyễn Thị Lý. Vậy mà, lần này vẫn con người ấy (Thị Lý), vẫn cùng một hành vi – với số tiền lớn hơn (hàng trăm triệu) thì tại sao Nguyễn Ngọc Ánh vẫn vẫn bỏ qua để ký duyệt? Không thể nói đơn giản “…là bài học, rồi rút kinh nghiệm được”.
Nếu không có lợi ích?! Lợi ích ở đây là gì? Là bao nhiêu? Có những ai được hưởng lợi ích từ số tiền Thị Lý chiếm đoạt? Và nếu như làm đúng nguyên tắc của ngành thì Thị Lý có rút được số tiền gần 200 triệu đồng không? Cá nhân Nguyễn Ngọc Ánh vì sự cả nể - tin tưởng, vậy còn lại những người khác trong cả một hệ thống của Bưu cục Cầu Giấy cũng cả nể - tin tưởng như Nguyễn Ngọc Ánh hay sao?
Hành vi này cần phải quy rõ trách nhiệm (nếu như có tổ chức), dấu hiệu Hình sự đã quá rõ. Nếu không làm rõ – xử lý nghiêm, hậu quả này sẽ tạo tiền lệ xấu xảy ra trong ngành Bưu điện và sẽ mất đi lòng tin từ những đối tác với ngành Bưu điện trên cả nước.
Báo PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin./.