Chúng ta có Luật PCCC. Trước đây cả nước chỉ có một Cục PCCC thuộc Tổng cục Cảnh sát (bây giờ là Cục PCCC và cứu nạn, cứu hộ trực thuộc Bộ Công an) thì nay rất nhiều các tỉnh, thành phố đã có Sở PCCC và Cứu nạn, cứu hộ. Nói như thế để thấy lực lượng chuyên nghiệp về công tác PCCC đã rất hùng hậu, được đầu tư không ít tiền của của nhân dân (xin đừng gọi là tiền Nhà nước, Nhà nước chỉ thay mặt dân, đại diện cho dân phân bổ nguồn lực).
Tất nhiên, dù thành lập Tổng cục PCCC hay Bộ PCCC cũng sẽ không làm cho cuộc sống của người dân đỡ bất an. Bởi PCCC phải là công việc của toàn dân. Vì thế, ngày 4/10 hàng năm được Chính phủ chọn là “Ngày Toàn dân phòng cháy và chữa cháy”.
Hàng năm đến ngày này, khắp nơi trống giong cờ mở, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền. Đáng tiếc gần như Luật không “ngấm” vào từng người, để trở thành “văn hóa PCCC”.
Đối với các đô thị nguy cơ cháy, nổ vẫn thường trực. Đặc biệt trong giai đoạn phát triển “nóng” về đầu tư, về chung cư ở các đô thị như hiện nay.
Xin nhắc lại rằng, cư dân sống ở chung cư không ai không lo lắng về tình trạng các chủ đầu tư bán nhà quên PCCC. Bàn giao nhà cho khách hàng nhiều năm, bị khách hàng khiếu nại và cơ quan quản lý thúc, nhưng nhiều chủ đầu tư vẫn chây ỳ hoàn thiện các tiện ích của dự án, đặc biệt là hệ thống PCCC, khiến cư dân nhiều khu chung cư ở Hà Nội luôn “sống trong sợ hãi”.
Hình ảnh hàng chục người phải nhập viện vì bị ngạt khói, hơn 200 xe máy, 45 xe đạp, một ô-tô đắt tiền đã bị lửa thiêu rụi, hầu hết diện tích và đồ dùng đều bị khói, bụi ám đen ở hầm CT4A chung cư Xa La (Hà Nội) năm xưa vẫn ám ảnh.
Năm ngoái Công an Hà Nội công bố danh sách 38 dự án trên địa bàn thành phố chưa nghiệm thu PCCC nhưng vẫn được khai thác, sử dụng. Đặc biệt, trong danh sách này, chủ đầu tư có nhiều dự án chưa hoàn thiện hệ thống PCCC nhất là Doanh nghiệp tư nhân Xây dựng số 1 Điện Biên với 15 dự án, hầu hết là các tòa nhà chung cư cao từ 30 - 40 tầng với mật độ cư dân dày đặc tại Khu đô thị Xa La (quận Hà Đông), Kim Văn, Kim Lũ (quận Hoàng Mai), Linh Đàm (quận Hoàng Mai)...
Bao giờ thì Luật PCCC trở thành trách nhiệm pháp lý của các chủ đầu tư, thành văn hóa sống của người dân? Chắc sẽ còn rất lâu dài. Chừng nào con người còn bươn bả với mưu sinh còn “dễ quên” mạng sống.
Do vậy rất cần đề cao “cưỡng chế luật pháp” của Luật PCCC thì luật mới đi vào cuộc sống. Hãy bớt thời gian hội họp, thay bằng việc kiểm tra việc chấp hành luật pháp và xử phạt thật nghiêm nếu không muốn luật bị nhờn.