Trên thực tế, có rất nhiều nữ công nhân sau khi bước chân ra khỏi nhà máy lại quay trở về với làng quê, đồng ruộng. Cũng có những người không biết làm gì khi đất canh tác đã bị xóa sổ, còn bản thân thì không có nghề nghiệp để mưu sinh. Đó chính là bài toán khó về lối thoát của các nữ công nhân mà lời giải còn bỏ ngỏ.
Đời công nhân là bước đệm cho tương lai
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Vũ Ánh Tuyết cho rằng, với cơ chế chung như vậy, các nữ công nhân cần phải có định hướng chín chắn cho cuộc sống của mình. Bà chia sẻ: Phần lớn các nữ công nhân đều bước vào nhà máy ở độ tuổi 17, 18 khi vừa tốt nghiệp trung học phổ thông. Họ ra thành phố làm công nhân với mơ ước thoát nghèo và tâm lý “giàu nhà quê không bằng ngồi lê phố thị”.
Nhưng khi bước vào cuộc sống công nhân làm ca, kíp, nhịp sống sinh học đảo lộn, cả không gian và thời gian đều khép kín, họ bị vỡ mộng, trở nên chán nản và không tôn trọng chính công việc mình đang làm. Ý thức kỉ luật của nhiều công nhân còn thấp, từ đó các khu công nghiệp mới có được những lý do để sa thải họ. Hơn nữa, các nữ công nhân còn phải chịu áp lực tâm lý về chuyện chồng con nên khó kiên trì với công việc.
Bà Tuyết cho rằng, mọi người không nên nghĩ cuộc sống công nhân là bước đường cùng, phải thừa nhận rằng đó là sự lựa chọn tự nguyện của rất nhiều cô gái. Điều quan trọng, bản thân họ phải tự xác định đây là quãng thời gian xây dựng bước đệm cho tương lai, chứ không phải chỉ kiếm tiền để đủ trang trải cho cuộc sống hiện tại. Bà đưa ra ý kiến, mỗi công nhân (đặc biệt là nữ) cần phải có một định hướng cụ thể, để khi kết thúc những năm tháng công nhân có thể nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống mới.
Bà Vũ Ánh Tuyết phân tích, trên thực tế, cuộc sống của các nữ công nhân thường khép kín, phần lớn chỉ diễn ra xung quanh nhà máy và phòng trọ. Thời gian làm việc nhiều, mức lương thấp lại sống trong những phòng trọ chật chội, ẩm thấp… dễ sinh ra sự ức chế tâm lý trong cuộc sống hàng ngày, vì vậy rất cần có người cảm thông, chia sẻ. Hơn nữa, sân chơi giải trí dành cho các nữ công nhân còn rất thiếu nên phần lớn họ đều có đời sống tinh thần buồn tẻ, nghèo nàn dẫn đến sự thiếu thốn tình cảm. Và dĩ nhiên, họ muốn được yêu và để được yêu, nhiều cô gái sẵn sàng đánh đổi tất cả.
Chăm lo đời sống tinh thần cho nữ công nhân là trách nhiệm của người sử dụng lao động. |
Đừng “yêu chỉ để mà yêu”
Đời sống tình cảm của các nữ công nhân còn đi theo phong trào. Cùng một môi trường sống, môi trường làm việc, phần lớn đồng nghiệp, bạn bè có người yêu thì cá nhân còn lại cũng muốn mình được yêu nên sẵn sàng yêu nhanh, chọn vội. Những tình yêu thiếu chín chắn như vậy rất dễ tan vỡ.
Điều đáng buồn là những tình yêu chóng vánh luôn để lại những hậu quả nặng nề. Bà Tuyết tâm sự: “Tôi đã từng là diễn giả của nhiều chương trình bồi dưỡng tâm lý ở các khu công nghiệp nên được biết rất nhiều nữ công nhân bị bạo hành tinh thần nặng nề. Nhiều đôi nam nữ để có thời gian bên nhau, họ sẵn sàng dọn về ở chung. Áp lực từ công việc nhà máy đến việc nhà đều đặt lên vai các bạn nữ. Lâu dần, giữa hai người xuất hiện mâu thuẫn và chính các bạn nữ lại phải chịu sự bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Đó là chưa kể đến chuyện khi mang thai ngoài ý muốn, nhiều bạn nữ chọn cách đến bệnh viện giải quyết hậu quả, gây tổn thương cả về sức khỏe lẫn tinh thần”.
Bà Tuyết cho rằng, để có được đời sống tinh thần “giàu có”, các nữ công nhân cần có bản lĩnh và quan niệm về tình yêu đúng đắn. Họ cần xây dựng tình yêu mang tính mục đích lâu dài để tránh gây ra những tổn thương cho bản thân. Mỗi người nên có trách nhiệm với chính cuộc sống của mình, không sống buông thả, yêu nhanh, chọn vội rồi để lại những hậu quả nặng nề.
Các nữ công nhân cũng nên chủ động tiếp cận với các phương tiện truyền thông, tích lũy cho mình những kiến thức về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản cũng như những kĩ năng sống. Khi làm chủ được cuộc sống của mình, họ sẽ có được tình yêu đích thực và vươn tới bến bờ hạnh phúc.
Đúng như nhận định của vị chuyên gia, len lỏi trong các khu nhà trọ ẩm thấp vẫn có những gia đình công nhân đầy ắp tiếng cười. Chị Nguyễn Thị Nga (SN 1989, quê Vĩnh Phúc, công nhân của Công ty Canon tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, hiện đang trọ tại làng Bầu, huyện Đông Anh, Hà Nội) kể về hạnh phúc của mình: “Mình và anh ở chung một xóm trọ. Vì cảm mến và hiểu về hoàn cảnh của nhau nên đã yêu nhau. Suốt hai năm trời bọn mình phải làm trái ca nên có khi cả tháng mới gặp nhau một lần. Nhưng cùng là công nhân nên chúng mình hiểu và thông cảm được cho nhau.
Mình kết hôn với anh năm 22 tuổi, đến nay đã sinh được hai cháu nhỏ. Ngày trước thì mong được làm cùng ca để có thời gian đi chơi, còn bây giờ thì phải xin làm trái ca để thay phiên nhau trông con và đi làm. Cuộc sống vẫn còn nhiều vất vả nhưng nhìn hai đứa con khôn lớn từng ngày, chúng mình lại tin vào tương lai tốt đẹp”.