Dự án không hợp lòng dân
Báo Pháp luật Việt Nam điện tử ngày 22/10/2018 có bài “Dự án bán đấu giá đất của UBND huyện Gia Lâm bị phản đối” phản ánh việc người dân thôn Xuân Dục, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm không đồng tình với Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật (HTKT) khu đất bờ đầm dọc đường làng thôn nhằm phân lô, đấu giá quyền sử dụng đất các lô đất tại đây. Theo người dân, dự án nếu được thực hiện sẽ ảnh hưởng tới môi trường cảnh quan, không gian sống và hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân địa phương.
Thực hiện quyền và trách nhiệm cộng đồng, người dân đã nhiều lần gửi đơn tới các cấp chính quyền đề nghị xem xét lại dự án. Tuy nhiên, thông tin mới đây từ văn phòng UBND huyện Gia Lâm cho biết, dự án vẫn sẽ được triển khai thực hiện mà không có bất kỳ sự điều chỉnh, thay đổi nào. UBND huyện Gia Lâm căn cứ vào những văn bản pháp lý cùng những quyết định đã được cấp thẩm quyền của Thành phố phê duyệt để thực hiện dự án trên.
Trước những chỉ dấu từ phía chính quyền, người dân thôn Xuân Dục tiếp tục phản đối dự án. Trong quá trình làm việc tại địa phương, phóng viên nhận được nhiều phản ánh, thắc mắc từ phía người dân, đòi hỏi chính quyền huyện Gia Lâm xem xét lại dự án.
Đi sâu tìm hiểu dự án, được biết, ngày 23/6/2017, UBND huyện Gia Lâm ra Quyết định phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình xây dựng HTKT phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất các khu đất nhỏ, kẹt tại xã Yên Thường, trong đó khu đất bờ đầm thôn Xuân Dục (ký hiệu X10) có diện tích 1.842 m2.
Dự án được lập chi tiết, theo đó, trong tổng số 1.842 m2 khu đất bờ đầm thì 793 m2 đất được dùng làm đường giao thông, 1.049 m2 đất là đất ở, được chia làm 15 lô, chiều cao xây dựng theo quy hoạch là 5 tầng.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Việt là nhà thầu thực hiện việc khảo sát, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật cho dự án.
Căn cứ quyết định trên, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Gia Lâm (BQLDA) cùng với UBND xã Yên Thường đã tiến hành các bước nhằm triển khai thực hiện dự án. Quá trình thực hiện cụ thể:
Ngày 18/12/2017, BQLDA ban hành các Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu thi công xây dựng hạng mục kỹ thuật, cấp nước, cấp điện của dự án. Ngày 29/12/2017, UBND huyện Gia Lâm ban hành Thông báo thu hồi đất thuộc dự án.
Ngày 31/01/2018, UBND xã Yên Thường ban hành các văn bản gửi đến lãnh đạo thôn và các hộ gia đình, đề nghị việc thực hiện di chuyển tài sản ra ngoài phạm vi khu đất thuộc dự án.
Ngày 01/3/2018, BQLDA tổ chức bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. Dự án lúc này vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân địa phương. Tại cuộc họp, ngày 30/6/2018 với thành phần tham dự gồm có đại diện UBND xã Yên Thường, BQLDA và người dân địa phương, đại diện các hộ dân thôn Xuân Dục khẳng định, trong suốt quá trình triển khai thực hiện dự án, người dân không hề được thông báo, lấy ý kiến đóng góp, dự án không đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật, xâm hại quyền lợi của người dân.
Một số hạng mục hạ tầng kỹ thuật của dự án phân lô, bán nền đã được xây dựng |
Không chỉ vậy, nội dung hồ sơ Báo cáo kinh tế - kỹ thuật, phần Hiện trạng sử dụng đất do Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và thương mại Nhật Việt lập, trình các cơ quan chức năng cũng bị người dân “tố” phản ánh sai sự thật khi cho rằng khu đất bờ đầm “được một số nhà dân lấn chiếm xây nhà tạm, khai thác sử dụng chưa hiệu quả, tiểm ẩn nguy cơ bị lấn chiếm, đổ rác thải, thoát nước thải sinh hoạt gây ô nhiễm và làm xấu cảnh quan môi trường xung quanh và khu vực. Vì vậy việc giải phóng mặt bằng, tổ chức đấu giá sẽ tăng nguồn thu ngân sách, tạo cảnh quan sạch đẹp ”. Theo người dân, khu đất này trước đây do nhân dân thôn Xuân Dục đã bỏ nhiều công sức đào đắp, tôn tạo, sau được UBND xã Yên Thường quản lý, cho 4 hộ cá thể thuê, gần đây mới bị thu hồi để thực hiện dự án.
Cần xem xét lại dự án
Rà soát hồ sơ dự án, phóng viên nhận thấy những ý kiến của người dân không phải không có cơ sở. Theo đó, ngày 11/7/2018 UBND TP Hà Nội mới ra Quyết định (số 3538/QĐ-UBND do Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng ký) về việc thu hồi 2.202,4 m2 đất công ích do UBND xã Yên Thường quản lý, giao cho UBND huyện Gia Lâm để thực hiện dự án. Như vậy có thể thấy, việc chính quyền huyện Gia Lâm đã chỉ đạo triển khai thực hiện dự án theo cách thức “tiền trảm hậu tấu” như ở trên là trái với luật định.
Mặt khác, dự án nếu được thực hiện thì phần lớn bề mặt đầm nước dọc đường đi của thôn sẽ bị che chắn bởi toàn bộ 15 lô đất, sau khi được bán đấu giá sẽ biến thành dãy nhà cao tầng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên và làm mất đi không gian sống hiện có của người dân trong thôn, trong khi chỉ một số ít người sở hữu những lô đất thuộc dự án được hưởng lợi. Điều này hoàn toàn trái ngược với nội dung trong Báo cáo kinh tế - kỹ thuật dự án là “nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân trong khu vực đấu giá nói riêng và nhân dân địa phương trong khu vực nói chung”.
Người dân đồng tình, ủng hộ việc chính quyền huyện Gia Lâm thực hiện chủ trương của Thành phố, đẩy mạnh công tác đấu giá QSDĐ các diện tích đất nhỏ lẻ, xen kẹt nhằm huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, dự án phân lô, đấu giá đất ven bờ đầm thôn Xuân Dục nói trên cần được xem xét, đánh giá kỹ lưỡng ở mọi góc độ, không vì lợi ích trước mắt mà làm ảnh hưởng đến đời sống, quyền và lợi ích hợp pháp của người dân trong khu vực.
Quốc Anh.