Tại hội nghị tìm các giải pháp khôi phục rừng vùng Tây nguyên tổ chức ở Đắk Lắk cuối tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh phải đóng cửa rừng, đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên để cứu rừng.
Thủ tướng kiên quyết đóng cửa rừng
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, việc Tây Nguyên mất 41% diện tích rừng là rất nghiêm trọng. Chất lượng rừng còn lại cũng rất kém. Nguyên nhân là do các cấp, các ngành chưa quan tâm đúng mức, nhất là đất rừng chưa có chủ; lực lượng chức năng chưa làm tròn trách nhiệm bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, tình trạng di dân tự do từ nhiều tỉnh thành đến Tây Nguyên làm trầm trọng hơn vấn nạn phá rừng.
Để thực hiện chủ trương đóng cửa rừng tự nhiên này, Thủ tướng chỉ đạo một số biện pháp kiên quyết: Không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu ha rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng. Chính phủ không chủ trương chuyển rừng nghèo kiệt sang trồng cây công nghiệp.
Thủ tướng khẳng định phải đóng cửa các cơ sở chế biến gỗ rừng tự nhiên, và cho rằng đây là giải pháp quan trọng để ngăn chặn đầu ra cho nạn phá rừng, buôn lậu gỗ.
Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh sắp xếp lại các nông, lâm trường, ban quản lý để đất rừng có chủ, có chính sách bảo đảm thu nhập cho người bảo vệ, trồng rừng; ngừng cấp phép các công trình thủy điện liên quan đến chiếm đất rừng và rừng; kiên quyết thu hồi giấy phép, dừng hoạt động đối với các dự án thủy điện không chấp hành quy định trồng rừng thay thế và chi trả dịch vụ môi trường rừng. Thủ tướng đã chỉ ra thực trạng bức xúc là:
“Chúng ta có chủ trương khôi phục rừng khi làm thủy điện nhưng nhiều dự án không thực hiện nghiêm, chỉ lo phát điện mà không lo trồng rừng”.
Thủ tướng yêu cầu cấp ủy chính quyền, các lực lượng công an, kiểm sát, quân đội vào cuộc, đấu tranh một cách có hiệu quả với nạn phá rừng, làm rõ trách nhiệm người phụ trách từng địa bàn, tránh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Đây quả là những giải pháp dù chậm nhưng thể hiện quyết tâm phải giữ bằng được diện tích rừng ít ỏi còn lại.
Các tỉnh còn lấn cấn
Tại hội nghị, các quan chức liên quan đều thể hiện sự đồng tình. Tuy nhiên, đằng sau đó vẫn còn nhiều ý kiến lấn cấn. Ông Trương Phước Anh (Giám đốc Sở NN&PTNT Gia Lai), cho biết mặc dù ủng hộ chủ trương, nhưng Gia Lai hiện còn những dự án liên quan đến rừng đang triển khai dang dở; các khu dân cư vẫn cần phải rà soát lại từng loại đất, loại rừng để bóc tách, giao lại cho địa phương quản lý, chưa kể việc xem xét một số dự án làm thủy điện...“Do đó, để thực hiện rốt ráo chủ trương trên, tỉnh sẽ phải xem xét từng dự án một”, ông Anh thông tin.
Ông Nguyễn Trung Hải (Giám đốc Sở NN&PTNT Kon Tum) cũng cho rằng việc triển khai đóng cửa rừng tự nhiên sẽ gặp nhiều khó khăn.“Tại Kon Tum có một số dự án liên quan đến diện tích rừng tự nhiên như làm đường giao thông, thủy điện... Những dự án này đang trong quá trình triển khai sẽ phải dừng lại theo như chỉ đạo của Thủ tướng. Do đó tới đây sở sẽ kiến nghị UBND tỉnh cho dừng lại các dự án triển khai dang dở, còn các dự án mới sẽ không được cấp phép thực hiện”, ông Hải nói.
Tương tự, ông Nguyễn Hoài Dương (Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk), cũng nói rằng việc thực hiện chủ trương này rất khó khăn vì Tây nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng có lợi thế phát triển nông nghiệp.
“Các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp cũng cần có quỹ đất để triển khai dự án. Trong bối cảnh cần phải thu hút đầu tư, đặc biệt những tập đoàn lớn đã có kế hoạch, đã triển khai, thậm chí có dự án đã được Thủ tướng phê duyệt. Nếu dừng lại việc này thì khó cho tỉnh và doanh nghiệp, không thu hút đầu tư vào Đắk Lắk trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhà nước không thể làm thay các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao”, ông Dương nêu ý kiến.
Những lập luận bàn lui, kể khó và những viện dẫn này là tiền đề cho thấy việc đóng cửa rừng chưa thật sự thành mệnh lệnh từ trái tim của những cán bộ được giao giữ rừng. Những lợi ích cục bộ, trước mắt chừng như vẫn đè lên giá trị bền vững môi trường.
Vẫn còn đó ý muốn tiếp tục khai thác rừng với lý do này hay lý do khác. Và nếu như thế, việc đóng cửa rừng mới chỉ là ước mong, là quyết tâm của Thủ tướng mà chưa thấm đẫm đến các quan chức bên dưới, và e rằng rừng tiếp tục bị chảy máu như trước đây.
Nên nhớ chủ trương đóng cửa rừng không phải là lần đầu và đã từng thất bại. Ông Đỗ Quang Tùng (Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn, Đắk Lắk), cho biết chỉ đạo “đóng cửa rừng” đã có từ năm 2014. Khi đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường công tác quản lý khai thác gỗ rừng tự nhiên giai đoạn 2014 – 2020”.
Lâm tặc đốn xẻ sát đồn Biên phòng
Thực tế cho thấy, chưa đầy nửa tháng sau chỉ đạo này, từ thông tin của người dân cung cấp, kiểm lâm, công an đã phát hiện vụ tàn sát rừng gỗ quý pơmu ở huyện Nam Giang (tỉnh Quảng Nam). Điều đáng nói là sau khi bị phát hiện, lâm tặc vẫn tiếp tục phá rừng trong thời gian dài với số lượng ngày càng lớn hơn.
Ngày 9/7, Công an huyện Nam Giang và Ban Quản lý rừng phát hiện thu giữ 280 phách gỗ pơ mu lâm tặc tập kết gần cột mốc 717, cách Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang 550m.
Ngày 15/7, phát hiện và thu giữ 42 phách gỗ pơ mu tại ngay sau Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang. Sáng 16/7, tại khuôn viên trụ sở Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, phát hiện 97 phách gỗ pơ mu và 4 bi gỗ tròn.
Chưa hết, đêm 16/7, tại xưởng mộc của Nguyễn Ngọc Vũ (gần Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang), phát hiện và tạm giữ 21 phách gỗ pơ mu, 3 phách gỗ khác. Ngày 17/7, tại nhà Phạm Xuân Trường (gần Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu Nam Giang), phát hiện thêm 28 phách gỗ pơ mu. Cùng ngày, tiếp tục phát hiện và tạm giữ 57 phách, 4 bi gỗ tròn pơ mu, tại khu vực đồi núi quanh cửa khẩu Nam Giang.
Danh sách còn kéo dài khi ngày 19/7, kiểm tra phía sau Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, phát hiện và thu giữ 66 phách gỗ pơ mu, cách trạm kiểm soát khoảng 100m.
Thống kê đến nay, tại khu vực này có hơn 60 cây pơmu cổ thụ bị lâm tặc triệt hạ, bình quân mỗi cây có khối lượng 10m3 gỗ, bị triệt hạ và cưa xẻ ngay tại chỗ. Theo tính toán của kiểm lâm, sau khi khai thác và hợp thức hóa giấy tờ, chuyển về xuôi tiêu thụ, thì giá mỗi khối gỗ pơmu khoảng 35 - 40 triệu.Như vậy, với 60 cây pơmu, ước tính giá trị lên đến 18 - 24 tỉ đồng.
Đó chỉ là thiệt hại về số gỗ, còn thiệt hại về rừng, về môi sinh, thì vô giá. Thiệt hại không kém là gây hoài nghi, mất niềm tin trong nhân dân và tạo dư luận xã hội không tốt đối với các cơ quan được nhà nước giao nhiệm vụ quản lý ở khu vực biên giới.
Dư luận đặt vấn đề nếu không có sự tiếp tay của các cơ quan quản lý thì lâm tặc khó có thể lộng hành như vậy. Mới đây bốn cán bộ Ban Chỉ huy đồn Biên phòng này đã bị đình chỉ công tác để kiểm điểm trách nhiệm.
Công an đang ráo riết điều tra vụ việc. Phải chăng lợi nhuận đã làm người ta mờ mắt và quên đi trách nhiệm? Chức trách quản lý, bảo vệ địa bàn, bảo vệ rừng bị biến thành vật đổi trác cho lợi ích riêng?
Chủ tịch huyện xây dinh thự gỗ “khủng”
Một thực trạng khác cũng là động lực, là điều kiện cho tình trạng chảy máu rừng tiếp tục kéo dài là sở thích, lối sống phong lưu trong nhà gỗ quý, lạm dụng gỗ quý như một thứ khoe khoang đẳng cấp của các quan chức, nhất là các quan chức trên địa bàn có rừng.
Mới đây, báo chí đã phản ánh ngôi “dinh thự” khủng hoàn toàn bằng gỗ quý của một vị nguyên Chủ tịch huyện có rừng thuộc tỉnh Đắk Lắk, phải làm mất ba năm liền mới vừa hoàn thành. Dinh thự này được một số người dân gọi là “phủ” vì nó không chỉ là một, mà gồm nhiều nhà gỗ nối với nhau, trong đó có cả nhà thủy tạ chỉ dành để uống trà.
Trong nhà, chủ nhà bày trí bộ bàn ghế bằng gỗ cấm chỉ rất to, trị giá ước tính bộ bàn ghế là một tỷ đồng. Một bộ ván (phản) là gỗ độc chiếc rộng hơn ba mét, dài năm mét, ngự ở giữa nhà, là vật vô giá hiếm có hẳn phải được xẻ từ cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi.
Trụ cổng nhà là trụ vuông, có bề ngang khoảng ba gang tay, là gỗ căm xe. Để có được những trụ vuông này, thợ rừng phải tuyển chọn những cây căm xe lâu năm tuổi. Lối đi từ cổng vào nhà và lối đi từ căn nhà này sang căn nhà khác đều có mái che, và cột gỗ tròn loại lớn.
Chưa đặt vấn đề nguồn gốc của gỗ này từ đâu, việc cán bộ sính dùng và khoe khoang nhà gỗ quý đã kích thích tâm lý đua đòi của bao đại gia khác. Có cầu tất có cung, lâm tặc sẽ được trả công hậu hĩnh để đủ nguồn lực xuyên thấu mọi hàng rào quản lý để phá rừng. Lối sống này cũng cho thấy trong tim người quản lý không có tình cảm, không có quyết tâm giữ rừng.
Trong vụ phá rừng tại Quảng Nam, 3 sĩ quan biên phòng gồm thượng tá Nguyễn Tấn Lạc, Đồn trưởng biên phòng La Dêê; thiếu tá Đỗ Hoành Minh, chính trị viên và đại úy Lê Xuân Chính, Đồn phó kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu Đắc Ốc, đã bị tạm đình chỉ để phục vụ điều tra.
Đại úy Chính được cho “có liên quan đặc biệt” trong đường dây phá rừng. Theo quy chế của biên phòng, những cán bộ biên phòng sẽ phải luân chuyển công tác 5 năm một lần. Tuy nhiên, đại úy Chính làm việc tại trạm biên phòng đã hơn 10 năm nhưng không phải điều chuyển.
Trong văn bản chỉ đạo các ngành và báo cáo Thủ tướng, ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận định tình tiết vụ phá rừng pơ mu có dấu hiệu bao che, dung túng của lực lượng chức năng.