Các phương án giá dầu đã được đặt ra với các kịch bản ứng phó… Vấn đề còn lại là làm sao để giá các mặt hàng khác giảm tương ứng với giá dầu để tận dụng cơ hội “có một không hai này”…
Ba kịch bản tăng trưởng kinh tế năm 2015 theo các mức giá dầu thô thế giới Tổ công tác Liên Bộ điều hành kinh tế vĩ mô công bố được xây dựng trên các mức: 60 USD/thùng, 50 USD/thùng và 40 USD/thùng.
Cụ thể, nếu giá dầu thô 60 USD/thùng, tăng trưởng GDP sẽ giảm so với dự kiến là 0,21 điểm phần trăm; nếu giá dầu thô xuống mức 50 USD/thùng, sản lượng khai thác dầu của Việt Nam còn ở mức 14,4 triệu tấn thì GDP sẽ giảm 0,56 điểm phần trăm; và nếu giá dầu thô giảm mạnh xuống 40 USD/thùng, Việt Nam chỉ sản xuất 13,08 triệu tấn dầu thô thì GDP có thể giảm tới 1 điểm phần trăm.
Khi đó, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2015 là 6,2% thì ở kịch bản xấu nhất, tác động sẽ rất lớn, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn 5,2%.
“Tuy nhiên, tác động của giá dầu đến nền kinh tế Việt Nam là hai chiều vì Việt Nam vừa xuất khẩu dầu thô, vừa là nước nhập xăng dầu thành phẩm. Do đó, giá dầu xuống còn có cả tác động thuận lợi, làm giảm chi phí đầu vào cho sản xuất, thúc đẩy kinh tế phát triển…”- Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh cho biết.
Cụ thể, ở kịch bản 1, khi giá xăng dầu trong nước giảm theo kịch bản dầu thô 60 USD/thùng, sẽ làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế lên 0,27%, cao hơn so với mức tác động tiêu cực giảm 0,21 điểm phần trăm trên; ở kịch bản thứ hai, dầu thô 50 USD/thùng, tăng trưởng kinh tế sẽ tăng 0,31 điểm phần trăm; ở kịch bản xấu nhất dầu thô có giá 40 USD/thùng, tăng trưởng GDP sẽ tăng 0,43 điểm phần trăm.
Theo Bộ trưởng Vinh, vấn đề quan trọng là giá cước vận tải và các loại giá liên quan phải giảm theo giá xăng dầu thì nền sản xuất mới hấp thụ được tác động thuận lợi của việc giá dầu thô xuống.
Gói kích thích “trời cho”
Theo chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa, cả thế giới và Việt Nam đang coi chuyện giá dầu giảm là gói kích thích kinh tế “trời cho” trong bối cảnh dư địa của chính sách tiền tệ còn rất ít, dư địa chính sách tài khóa lại bị giới hạn bởi thâm hụt ngân sách và nợ công. Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng lưu ý, sử dụng gói kích thích này như thế nào để có lợi nhất phụ thuộc vào sự khéo léo của mỗi quốc gia.
Theo tính toán của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (NFSC), với dự báo giá dầu thế giới giảm 33% và giả định xăng dầu trong nước giảm tương ứng, giá thành sản phẩm sản xuất trong nước sẽ giảm 3%, tạo điều kiện thúc đẩy tổng cung, tổng cầu. Từ đó, NFSC khuyến nghị cần tận dụng thời cơ giá xăng dầu giảm để tháo gỡ khó khăn cho DN, giảm chi phí đầu vào, thúc đẩy sản xuất.
“Thuế nhập khẩu, phí nhập khẩu xăng dầu cần đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu bảo đảm nguồn thu ngân sách và mục tiêu tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách quản lý giá cần biện pháp điều chỉnh giá bán thích hợp để tạo điều kiện cho các DN giảm giá thành”- NFSC lưu ý.
Tuy nhiên, có một thực tế trong khi giá bán lẻ xăng dầu đã giảm thì sau nhiều nỗ lực của Liên Bộ Tài chính - Giao thông Vận tải, giá cước vận tải đã “giảm cho có”. Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phải ký 03 Quyết định kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá tại các DN kinh doanh vận tải tại TP.Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai.
Theo đó, “sẽ xử lý nghiêm” đối với những DN vi phạm pháp luật về giá. Báo cáo mới đây của Bộ GTVT cho biết, DN vận tải ở 43 tỉnh, thành đã thực hiện giảm giá cước với mức giảm từ 1-25% với mỗi loại hình vận tải. Trước đó, cập nhật báo cáo từ 38 tỉnh, thành, Bộ Tài chính cho biết mức giảm phổ biến từ 3-10% đối với cước taxi và 5 - 10% đối với cước vận tải hành khách.
Không chỉ giá cước vận tải cơ quan quản lý nhà nước phải vào cuộc, nhiều mặt hàng khác là đầu vào cho sản xuất kinh doanh (SXKD) cũng như các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn “án binh bất động” như thể chẳng liên quan đến xăng.
Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã phải yêu cầu UBND các tỉnh, TP chỉ đạo các sở, ban ngành, địa phương có văn bản yêu cầu các DN SXKD phân đạm Urê, phân NPK, thức ăn chăn nuôi thực hiện rà soát chi phí đầu vào, thực hiện giảm giá trước biến động giảm giá của các yếu tố đầu vào và thực hiện kê khai giá theo quy định. Công văn này cũng đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Liệu nền kinh tế có tận dụng được cơ hội từ gói kích thích kinh tế “trời cho” khi bản thân các DN vẫn chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt, còn cơ quan quản lý nhà nước chạy theo “thổi còi”?