Không bao giờ lùi bước trước khó khăn
Bộ phim The Pursuit of Happyness - (Theo đuổi hạnh phúc) được thực hiện dựa trên một câu truyện có thật. Bộ phim kể về nhân vật Chris Gardner có cuộc sống hạnh phúc bên gia đình, nhưng vì đam mê sản xuất công nghệ máy quét nên anh đã quyết định đầu tư toàn bộ số tiền tiết kiệm của gia đình vào một dự án bất khả thi. Chris trở thành một kẻ trắng tay. Gia sản tiêu tan, vợ anh - Linda bỏ đi để lại cho anh cậu con trai Christopher.
Dù thất bại ê chề nhưng Chris chỉ chán nản trong chốc lát rồi lại nhanh chóng vực lại tinh thần để nuôi con. Chris đã phải làm mọi việc vặt vãnh để kiếm sống. Anh luôn cố gắng che giấu cuộc sống bần hàn của mình với các đối tác để ký được hợp đồng, dù rằng anh không có nổi 5 đô la để đi taxi. Sau những cố gắng, Chris đã gặp Jay Twistle, một nhà quản lý công ty chứng khoán Dean Witter, cuộc đời Chris thay đổi từ đó. Giấc mộng sản xuất những máy quét công nghệ cao của anh thành sự thực. anh trở thành một giám đốc tài ba, tiên phong trong lĩnh vực công nghệ máy quét.
Ngoài ra, những diễn biến tâm lý giữa Chris và con trai cũng đưa ra một vấn đề vô cùng thực tế. Làm thế nào để có thể hài hòa được công việc xã hội và gia đình? Vừa là nhà kinh doanh giỏi lại hoàn thành tốt trách nhiệm của một người chồng, người cha?
Cũng như phim “The Pursuit of Happyness” bộ phim The Aviator - (Phi công tỷ phú) của đạo diễn Martin Scorsese được lấy cảm hứng từ sự nghiệp của huyền thoại Howard Hughes. Phim đã gửi gắm một thông điệp đến các doanh nhân chân chính trên thương trường “đừng bao giờ tự ti và e sợ trước đối thủ mạnh”.
Nội dung bộ phim xoay quanh nhân vật Hughes - một người đam mê máy bay cuồng nhiệt. Sự say mê đó ám ảnh anh trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Đôi khi, nhân vật Hughes còn bất chấp mọi nguy hiểm để lái thử các loại máy bay mới. Để thực hiện giấc mơ chế tạo nhiều máy bay hiện đại, Hughes đã vay tiền mua hãng hàng không TransWorld đang rệu rã và xây dựng thành một thương hiệu chất lượng cao.
Trong hành trình tạo nên thương hiệu bay uy tín, hãng hàng không của anh đụng độ với công ty Pan American - một hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ. Bằng sức mạnh tài chính và truyền thông, Pan American đã khiến cho hãng hàng không của Hughes đến bờ vực phá sản, buộc anh phải bán lại công ty. Nhưng Hughes không chịu đầu hàng, anh sẵn sàng đương đầu với thách thức. Bằng sự thông minh, khéo léo của mình, anh đã giúp công ty vượt qua khó khăn, phát triển trở thành thương hiệu bay hàng đầu nước Mỹ.
Tuy nhiên, khi sự nghiệp của Hughes đang lên như “diều gặp gió” thì lại bị “xuống dốc không phanh” bởi một chuyến thử nghiệm máy bay mới thất bại, Hughes bị thương nặng. Và ngay cả khi nằm liệt giường, Hughes vẫn không bỏ cuộc, anh tiếp tục đeo đuổi giấc mộng sản xuất siêu máy bay của mình...
Đừng thay thế khát vọng bằng tham vọng
Bộ phim “The Wolf of Wall Street” – (Sói già phố Wall) của đạo diễn Martin Scorsese lấy cảm hứng từ câu chuyện “tù tội” của nhà buôn chứng khoán Jordan Belfort, đã gửi gắm một thông điệp vô cùng sâu sắc rằng “làm giàu bất chính thì không bao giờ bền vững”.
Nội dung bộ phim kể về nhân vật Jordan khi anh ta bước vào phố Wall khi chỉ là một nhân viên buôn cổ phiếu bình thường. Nhưng cuộc đời Jordan bỗng thay đổi khi làm việc cùng Mark Hana (một tên trùm lừa bịp). Sau khi học được những mánh khóe lừa đảo, Jordan thay đổi tính nết và tư duy làm giàu chân chính.
Với chiến thuật thổi giá “Pump & Dump”, Jordan và các cộng sự đã bán đi những cổ phiếu hạng bét ở mức giá gấp nhiều lần giá trị thật, để rồi đàng hoàng thành lập công ty Stratton Oakmont Inc. Jordan trở thành triệu phú với cuộc sống xa hoa tột đỉnh. Một thời gian sau, Jordan tan gia bại sản vì chính điều mà hắn dựng nên để làm giàu…
Cạnh tranh để phát triển
Bộ phim truyền hình Pirates of Silicon Valley (PSV) - “Những kẻ cắp ở thung lũng silicon” được xây dựng dựa theo tiểu thuyết lịch sử Fire in the Valley: The Making of the Personal Computer của hai tác giả Paul Feiberger và Michael Swaine. Nội dung phim PSV chủ yếu xoay quanh sự cạnh tranh giữa hai tập đoàn lớn Apple và Microsoft khi Steve Jobs và Bill Gates cùng gây dựng đế chế công nghệ của mình vào những năm 1980.
Ở một phân cảnh khác, Gates đã nói với Ballmer và Allen: "Anh sống được vì anh làm cho người khác cần những thứ mà anh có, làm cho họ luôn bám vào anh, không thể rời bỏ anh". Gates cũng nhắc đến một câu của giới mafia: "Hãy ở gần bạn hữu và hãy ở gần kẻ thù hơn bạn hữu". Nguyên tắc "áp sát đối thủ" luôn được Microsoft thực hiện trên thương trường.
PSV đã khắc họa thành công sự cạnh tranh gay gắt giữa hai doanh nhân và cách họ liên tục vươn lên từ cạnh tranh đó. Và có thể thấy hiện nay Steve Jobs và Bill Gates đều là những nhân vật đứng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Bộ phim truyền tải một thông điệp: Khi bạn khởi nghiệp, sự cạnh tranh luôn là thuốc bổ cho sự phát triển.