Trưởng nhóm nghiên cứu Samina Ashiq tại ĐH Peshawar và cộng sự đã khảo sát hơn 30 mẫu thực vật thường được sử dụng làm dược thảo lưu hành trên thị trường Pakistan. Kết quả cho thấy nấm mốc hiện diện trên 90% mẫu dược thảo và ở mức độ quá đáng lên đến 70% mẫu.
Khi khảo sát các độc tố trong nấm mốc, được gọi chung là mycotoxin, các nhà khoa học nhận thấy có đến 31% nấm mốc chứa độc tố sản sinh mycotoxin, trong đó 19% sản sinh aflatoxin (liên quan với ung thư gan) và 12% sản sinh ochratoxin (gây hại cho gan và thận).
Aflatoxin được ghi nhận ở khoảng 30% mẫu và ochratoxin ở 26% mẫu dược thảo. Các nhà khoa học cho rằng dược thảo có thể nhiễm nấm mốc ở mọi công đoạn sản xuất như nuôi trồng, thu hái, chế biến, vận chuyển và bảo quản.
Nhóm nghiên cứu nhận định các độc tố từ nấm mốc trong dược thảo có thể gây ung thư gan, suy thận, rối loạn sinh sản và hạn chế chức năng của hệ miễn dịch nhưng chưa được các cơ quan y tế lưu ý đúng mức. Họ khuyến cáo chính quyền nên có biện pháp kiểm tra, đề ra chuẩn mực lưu hành dược thảo.