Văn bản chính thức kết luận về việc giả mạo hồ sơ của Đông dược Hòa Phú |
Giả mạo hồ sơ để trúng thầu
Sự việc được bắt đầu từ một cuộc thanh tra của Bộ Y tế về công tác đấu thầu dược liệu tại Sở Y tế Kiên Giang khoảng đầu tháng 8/2016. Kết quả cuộc kiểm tra đã phát hiện rất nhiều dấu hiệu bất thường trong hồ sơ chào thầu của Cty TNHH Đông dược Hòa Phú (trụ sở tại huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh), có liên quan đến Cty TNHH Thiên Ân Dược (Gia Lâm, Hà Nội).
Cụ thể, Hòa Phú đã dùng các hóa đơn mua bán dược liệu với Cty Thiên Ân Dược, văn bản cho phép nhập khẩu 372 khoản dược liệu từ tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc để trúng gói thầu khoảng 25 tỉ đồng tại BV Y học cổ truyền tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, các hóa đơn mà Hòa Phú cung cấp đều rất… mịt mờ, thậm chí có những hóa đơn mà các con số không thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Quan trọng nhất là Văn bản số 15502/QLD-DL do Cục Quản lý dược ban hành ngày 19/9/2014 cho phép Cty Thiên Ân Dược nhập khẩu 372 khoản dược liệu có rất nhiều dấu hiệu sửa chữa, tẩy xóa. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, Cục Quản lý Y dược cổ truyền Bộ Y tế đã chính thức có giấy mời đại diện Cty Thiên Ân Dược phối hợp làm rõ một số tài liệu liên quan.
Chuyện bất ngờ đã xảy ra khi đại diện Cty Thiên Ân Dược đã cung cấp sao y bản chính cho Cục Quản lý Y dược cổ truyền Văn bản số 15502/QLD-DL do Cục Quản lý dược ban hành nhưng ban hành trước văn bản có trong hồ sơ trúng thầu của Hòa Phú… hẳn 1 năm. Cụ thể, Văn bản số 15502/QLD-DL ngày 19/9/2013 có nội dung cho phép Cty Thiên Ân Dược được nhập khẩu 372 khoản dược liệu (kèm theo văn bản) trong khoảng thời gian 1 năm.
Tuy nhiên, trong hồ sơ trúng thầu của Hòa Phú, ngày ban hành văn bản đã được sửa chữa thành năm 2014 và thời gian được phép nhập khẩu thêm hẳn 1 năm, thành 2 năm. Và như vậy, với hồ sơ giả này, Hòa Phú vẫn còn khả năng được mua hàng nhập khẩu chính ngạch của Cty Thiên Ân Dược. Và nghiễm nhiên trúng gói thầu khá lớn của BV tỉnh Kiên Giang.
Từ các thông tin của Cty Thiên Ân Dược, Cục Quản lý Y dược cổ truyền đã gửi Công văn số 468/YDCT-QLD ngày 15/8/2016 về việc xác minh tính chính xác của tài liệu đến Cục Quản lý dược. Kết quả như sau: Cục Quản lý dược không ban hành Công văn số 15502/QLD-DL ngày 19/9/2014. Đồng thời Cục Quản lý dược cũng khẳng định “Cục Quản lý dược đã ban hành Văn bản số 15502/QLD-DL ngày 19/9/2013 đồng ý để Cty Thiên Ân Dược nhập khẩu 372 khoản dược liệu trong 1 năm”.
Như vậy đã rõ, bằng Văn bản số 823/QLD-Ttra, Cty Hòa Phú đã chính thức bị coi là làm giả hồ sơ chào thầu và trúng gói thầu khoảng 25 tỉ đồng tại BV Y học cổ truyền Kiên Giang. Mọi việc còn lại, xin để dành cho các cơ quan tiến hành tố tụng bởi việc giả mạo hồ sơ của Hòa Phú đã vi phạm Điều 267 BLHS năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Theo Luật sư Đào Liên (Cty Luật Tiên Phong, Hà Nội), Điều 267 BLHS quy định như sau: Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân, giấy tờ đó nhằm lừa dối cơ quan, tổ chức thì bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng. Nếu phạm tội thuộc các trường hợp sau thì bị phạt tù từ 2-5 năm: có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm…
Đông dược Hòa Phú nói gì?
Đây không phải là lần đầu tiên Cty TNHH Đông dược Hòa Phú bị phát hiện vi phạm các hoạt động kinh doanh, đấu thầu dược liệu và y học cổ truyền. Bởi, mới đây, kết luận thanh tra của Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho thấy, Hòa Phú đã có nhiều sai phạm trong hồ sơ chào thầu và trúng thầu gói cung cấp dược liệu trong 2 năm tại BV Y học cổ truyền TP Hồ Chí Minh. Thậm chí Hòa Phú còn chính thức bị kết luận đã giả mạo hồ sơ năng lực trong hồ sơ chào thầu vào BV Y học cổ truyền sau kết quả thanh tra thuế tại Chi cục Thuế Hóc Môn.
Sau khi đưa ra kết luận, Thanh tra Sở Y tế đã chuyển cơ quan điều tra để làm rõ những hành vi sai phạm trong đấu thầu dược liệu và thuốc y học cổ truyền (YHCT) tại BV YHCT do có hành vi sử dụng giấy tờ giả để chứng minh năng lực tài chính của Công ty TNHH Đông dược Hòa Phú khi tham gia đấu thầu các gói thầu dược liệu và vị thuốc YHCT năm 2014-2015.
Một điều lạ lùng là dù đã giả mạo hồ sơ (vẫn dùng các hợp đồng và giấy tờ của Cty Thiên Ân Dược) để trúng thầu các gói thầu cung cấp dược liệu nhưng khi bị các cơ quan chức năng phát hiện cung cấp hàng kém chất lượng thì Hòa Phú lại quay sang đổ tội cho… đối tác Thiên Ân Dược và yêu cầu Thiên Ân Dược phải chịu trách nhiệm. Trong khi bà Nguyễn Thị Thuyết, Giám đốc Cty Thiên Ân Dược khẳng định, trong 2 năm (2014-2015) bà không bán bất kỳ một đơn hàng nào cho phía Cty Hòa Phú.
Cụ thể, bà Thuyết cho biết, cuối năm 2013 bà đại diện cho Cty có ký kết một hợp đồng hợp tác liên danh với Hòa Phú, đầu năm 2014 có ký kết hợp đồng mua bán với Hòa Phú nhưng thực tế Hòa Phú không hề đặt hàng, mua hàng của Thiên Ân Dược.
Xuất hiện trong các hồ sơ chào thầu của Hòa Phú như một đối tác tin cậy nhưng không có việc mua bán dược liệu, phải chăng Cty Đông dược Hòa Phú đã mua bán dược liệu trôi nổi trên thị trường để cung cấp cho các gói thầu đã trúng thầu cho các BV lớn ở phía Nam? Câu trả lời chỉ có thể làm rõ khi các cơ quan chức năng vào cuộc, tránh cho các bệnh nhân việc mua phải hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.