Theo trình bày của ông Nhâm Sỹ Trọng (62 tuổi, ngụ xóm Tân Thành, xã Yên Lạc, Yên Thủy, Hòa Bình), ông tham gia kháng chiến chống Mỹ và bị nhiễm chất độc da cam dioxin. Sau khi giải ngũ, ông về quê cưới vợ nhưng không sinh con do nhiễm chất độc hóa học và được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, tỷ lệ suy giảm lao động 74%; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn 100% chi phí khám, chữa bệnh.
Do ốm đau, ông đến BVTT (tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) điều trị từ ngày 12/5/2014 đến ngày 28/5/2014. Dù được miễn 100% viện phí, nhưng bệnh viện vẫn tạm thu của ông hơn 23 triệu đồng; sau đó hướng dẫn ông về bảo hiểm xã hội địa phương nhận lại số tiền này. Tuy nhiên, khi ông Trọng về quê làm thủ tục nhận tiền thì được biết là bảo hiểm địa phương không có trách nhiệm chi trả. Ông Trọng làm đơn đến nhiều cơ quan đòi lại tiền, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả.
Ông Trọng tố cáo: “Việc tôi có thẻ bảo hiểm, được miễn 100% chi phí nhưng BVTT thu tiền rồi không trả lại là sai quy định”. Ông Trọng còn cho rằng, ông Võ Tường Kha - Phó Giám đốc đã làm giả hồ sơ để chiếm đoạt một phần số tiền này.
Cụ thể, ông Trọng cho rằng ông ra viện ngày 28/5/2014 và về Hòa Bình, nhưng trong “Bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú” của BVTT về bệnh nhân Nhâm Sỹ Trọng lại ghi ngày 31/5/2014, phía dưới có chữ ký của ông Trọng. “Khi đó tôi về quê rồi, làm gì có ở Hà Nội mà ký. Họ đã giả mạo chữ ký của tôi, làm hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền”, ông Trọng tố cáo.
Ngày 21/3/2016, ông Trọng đã làm đơn tố cáo ông Kha gửi Công an Hà Nội. Công an quận Nam Từ Liêm sau đó vào cuộc xác minh, điều tra theo thẩm quyền.
Ông Trọng cho biết, ngày 24/6/2016, một cán bộ Công an Nam Từ Liêm đến nhà đưa cho một tờ giấy ghi nội dung: “Thông báo kết quả giải quyết đơn thư” do Thượng tá Lê Tiến Dũng - Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm ký. Lạ là giấy này không ghi rõ ngày, tháng mà chỉ ghi năm 2016. Nội dung giấy thông báo nhận được đơn trình báo của ông Trọng tố cáo BVTT không cho ông hưởng chế độ bảo hiểm; và làm giả hồ sơ, chữ ký của ông để chi trả, thanh toán tiền viện phí. Tuy nhiên, vẫn theo thông báo: “Mẫu chữ ký trên tài liệu hồ sơ bảo hiểm lưu tại BVTT và mẫu chữ ký trên tài liệu ông Nhâm Sỹ Trọng cung cấp là do cùng một người ký”.
Ông Trọng cho biết không đồng ý với trả lời của Công an quận Nam Từ Liêm, vì ông tố cáo ông Võ Tường Kha, khi ấy là Phó Giám đốc, người trực tiếp giải quyết chế độ bảo hiểm cho ông, chứ không tố cáo BVTT như trả lời của công an. Ngoài ra, kết quả giám định chữ ký cũng không được cơ quan công an gửi cho ông bằng văn bản.
“Trong khi thanh toán viện phí, tôi đã ký vào một văn bản. Sau đó ông Kha đã dùng thủ đoạn cắt chữ ký của tôi dán vào “Bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú” để làm giả hồ sơ”, ông Trọng tố giác.
Không chấp nhận trả lời của Công an quận Nam Từ Liêm, ông Trọng tiếp tục gửi đơn đến Công an Hà Nội yêu cầu giám định chữ ký của ông trong “Bảng kê chi phí khám, chữa bệnh nội trú” ngày 31/5/2014. “Với danh dự của người cựu chiến binh, tôi đề nghị Công an Hà Nội điều tra một cách khách quan, làm rõ sai phạm của ông Võ Tường Kha”, đơn ông Trọng viết ngày 26/6/2016 gửi Công an Hà Nội. Hai ngày sau, ông Trọng nhận được trả lời của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về Kinh tế và tham nhũng, cho biết đã gửi đơn của ông đến Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an quận Nam Từ Liêm để giải quyết theo quy định.
Nhằm làm rõ nội dung đơn tố cáo của ông Trọng, PV đã liên hệ với ông Võ Tường Kha, tuy nhiên qua điện thoại ông này cho biết “đang đi công tác, khi nào về sẽ trả lời thông tin liên quan”.
Trong khi sự việc chưa được làm rõ, nhưng ông Nguyễn Văn Quang (nguyên Giám đốc bệnh viện, vừa nghỉ hưu từ ngày 1/7/2016), lại cho biết, người đang tạm quyền điều hành bệnh viện chính là Bác sỹ Võ Tường Kha.