Bảo tàng ấy dành cho tất cả mọi người đến thăm viếng, từ đó nhân lên hàng triệu lòng biết ơn. Ông là Bùi Xuân Phước thôn Phước Điền, xã Phước Đồng (Nha Trang, Khánh Hòa).
Khát vọng cháy bỏng cả đời
Suốt mấy chục năm làm cán bộ rồi Giám đốc bảo tàng tỉnh Phú Khánh (gồm 2 tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên cũ) ông Phước luôn đau đáu với việc làm sao để hình ảnh và những công lao to lớn của Bác Hồ mãi mãi được các thế hệ con cháu sau này, đặc biệt là ở các vùng núi xa xôi biết đến. Lục lại kí ức của mình, ông Phước tâm sự; từ những ngày làm giám đốc bảo tàng ấy, hễ cứ nghe ở đâu có hiện vật hay các tư liệu hay liên qua đến Bác Hồ và những chặng đường gian lao đi tìm đường cứu nước của Bác là tôi đến để xin được in sao thành nhiều bản vừa mang về để ở bảo tàng Phú Khánh vừa mang về tích lũy ở nhà riêng của mình.
Từng nhiều năm chiến đấu trong Sư đoàn đặc công 385, hơn ai hết ông Phước hiểu được nỗi gian khổ của vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc Việt Nam. Thế nên sau ngày đất nước giải phóng, lãnh tụ không còn, lòng kính yêu, ngưỡng vọng ấy lại tăng lên nhiều phần. “Có những lần dịp cuối tuần, đang lên cơn sốt nặng nhưng nghe thấy ở một nơi xa xôi ở miền Đông có ảnh tư liệu mới về Bác Hồ, tôi bỏ tiền túi lặn lội đến đó để xin sao chụp nguyên bản lại ngay. Có nhiều đêm nằm ngủ mơ tôi cũng toàn mơ thấy hình ảnh của Bác”.
Chính vì lòng ngưỡng vọng đó mà bao nhiêu năm làm giám đốc bảo tàng là bấy nhiêu năm ông Phước ép mình trong cuộc sống giản dị, liêm khiết. Ông luôn tâm niệm, làm việc gì cũng nghĩ đến Bác Hồ, sống sao cho không hổ thẹn với những chiến sỹ đã hy sinh cho sự bình yên của đất nước. Mái tóc gần như bạc trắng nhưng khi nhắc về những ngày sục sôi đó, ông Phước vẫn hào sảng kể; các thế hệ muôn đời sau biết đến Bác Hồ không có gì khác đó là những hình ảnh, hiện vật về Bác. Thế nên phải giữ gìn lại dù là những hiện vật nhỏ nhất.
Từ sau ngày giải phóng đất nước, miệt mài đi lội đèo vượt suối âm thầm tìm được, sưu tầm được các kỷ vật liên quan đến Bác Hồ đã là điều khó nhọc và đầy gian nan rồi. Nhưng chính trong những chuyến đi ấy, trong tận sâu tâm can ông Phước lại trỗi dậy một nỗi niềm khác đó là những đồng đội của mình đã hy sinh. Ông xót xa khi đi qua mỗi vùng đất lại dội về hình ảnh cuộc chiến đấu bi tráng năm xưa. Trong trái tim của một người từng nếm trải những đêm trường dưới làn bom đạn như ông luôn thôi thúc ý nghĩ phải xây dựng thêm một tượng đài kỳ vỹ để thờ vong linh các đồng đội này. Không những thế trong những chặng đường rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm của mình, ông Phước còn ghi lại tất cả các địa điểm các Liệt sỹ hy sinh mà gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt để báo cho họ đến tìm kiếm.
Ông Phước giới thiệu hơn 100 hình ảnh, kỷ vật quý về Bác Hồ |
Năm 1994 ông Phước nghỉ hưu, những người con của ông cũng đã trường thành. Tất cả tài sản tích cóp được trong bao nhiêu năm ông dồn hết vào việc xây bảo tàng Bác Hồ. Không lựa chọn ở nơi phố thị ồn ào, ông lui về giữa vùng quê Phước Đồng mua lô đất rộng hàng ngàn mét vuông để thực hiện ước mong của mình. Nói về ý tưởng này, ông kể; ở những vùng quê nhiều trẻ em và người dân nghèo không có điều kiện tiếp cận các hình ảnh về Bác và các chiến sỹ đã hy sinh năm xưa nên tôi muốn lập bảo tàng ở đó.
Sau khi mua được đất, việc đầu tiên là ông Phước cho xây dựng phòng trưng bày chính và tượng đài 79 mùa xuân. Vị trí trang trọng nhất của phòng trưng bày chính là hình ảnh Bác Hồ được tái hiện y như thật. Xung quanh đó là trăm kỷ vật bao gồm; mũ cát bi, dép cao su, quần áo…của Bác. Cùng với đó là trên 100 hình ảnh về các chặng đường hoạt động cách mạng của Bác Hồ được ông Phước phóng ra cho vào tủ kính. Có những lần ông Phước phải thức xuyên đêm hàng tuần lễ để phục chế các hình ảnh quý về Bác Hồ.
“Làm công việc này tôi không thống kê, chỉ biết rằng tất cả tiền tích cóp được của hai vợ chồng mấy chục năm dốc cạn vào để xây dựng mà thôi”- ông Phước giãi bầy. Có nhiều bức ảnh hay kỷ vật ông Phước phải cất công đi khắp nơi tìm thợ phục chế nhưng vẫn giữ nguyên màu sắc và đường nét cũ, nhọc nhằn không kể xiết. Nhưng cũng vì ông có kiến thức chuyên sâu về bảo tàng nên dù những bức ảnh đã hư hỏng nặng ông vẫn có phương án phục chế và bảo quản được.
Đền thờ Bác Hồ đối diện với tượng đài liệt sĩ như ngụ ý cho lời căn dặn của Bác: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Tất cả các công trình, cách bài trí của ông Phước đều mang một ý nghĩa sâu sắc. Bố cục chính là “nội công ngoại quốc”. Ông Phước chia sẻ rằng; bảo tàng chính là các hình ảnh về Bác và tượng đài 79 mùa xuân.
Tượng đài này nói lên ý nghĩa 79 năm ròng bác đã miệt mài hy sinh và cống hiến để mang lại cuộc sống thanh bình như những mạch nước ngọt ngào cho các thế hệ nhân dân Việt Nam. Sau đó là đến tượng đài thờ các liệt sỹ của sư đoàn đã hi sinh. Kế đến là khu đền thờ người Chăm, cuối cùng là những gian nhà nhỏ để cho gia đình ông xum họp và sinh sống.
Từ ngày có Bảo tàng Bác Hồ tại gia đình nhà ông Phước, hàng ngàn người dân Khánh Hòa nô nước kéo đến để viếng thăm, nhất là các tầng lớp nhân dân trong địa bàn Phước Đồng. Các đồng đội năm xưa của ông còn sống cũng tụ về thắp nhang lên đài liệt sỹ để tưởng nhớ đồng đội. Cách đây gần 10 năm, thấy cần có thêm một sân khấu cho nhân dân và các cháu thiếu nhi đến làm lễ tưởng niệm trong các ngày trọng đại, tài sản duy nhất của mình là chiếc xe máy ông Phước cũng bán nốt để lấy kinh phí xây sân khấu. Ông bảo; những ngày lễ như Quốc khánh 2/9, ngày Thương binh-Liệt sỹ 27/7…nhân dân đổ về hàng ngàn người để vào bảo tàng viếng bác, tưởng niệm các liệt sỹ. Sau nhiều ngày trăn trở, ông Phước đặt tên cho bảo tàng Bác Hồ là “Bảo tàng uống nước nhớ nguồn”.
Ông Phước giới thiệu về cuốn Tổng tập tư liệu, các hiệu lệnh của Bác Hồ |
Không thể thống kê và định giá được những công trình ông Phước đã làm. Nhắc đến ước mong về sự trường tồn của khu bảo tàng này ông thổ lộ; tất cả khu bảo tàng, tượng đài và khuôn viên hàng ngàn mét vuông này khi tôi qua đời sẽ không di chúc lại cho ai hết mà muốn để làm nơi sinh hoạt chung cho tất cả mọi người. Vợ tôi còn sống thì bà ấy chăm nom, không thì các đồng đội hoặc các thế hệ con cháu sau này chăm nom. Cửa khu bảo tàng này luôn mở rộng đón khách.
Bà Lê Thị Liên, một người dân địa phương xúc động cho biết; tôi cũng như hàng trăm người khác là dân quê quanh năm chỉ biết “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” nhờ bảo tàng của ông Phước mới thấu hiểu nhiều điều về Bác Hồ. Thực sự xúc động khi thấy hơn 130 hình ảnh, kỷ vật mà ông Phước đã sưu tầm được và bảo quản tại đây. Cứ mỗi mùa hè hay dịp cuối tuần học sinh ở vùng quê này lại đổ về “Bảo tàng uống nước nhớ nguồn” của ông Phước để được nghe ông chỉ dẫn và giới thiệu cặn kẽ về từng hiện vật một trong bảo tàng. Khuôn viên bảo tàng nhà ông Phước rộng rãi nên đó còn là nơi để hàng tuần CLB người cao tuổi xã, CLB văn nghệ xã đến tập luyện.
Để có thể tu bổ, bảo dưỡng khu bảo tàng và đài tưởng niệm này, ông Phước cho biết; tất cả tài sản đã bán sạch. Giờ lương được mấy triệu đồng/tháng, hàng ngày phải tiết kiệm bằng cách ăn rau và vài thứ đơn giản thôi. Ngày xưa chiến trường gian khổ hơn còn chịu được, giờ có sá gì. Chỉ mong nhiều người dân đến để biết và hiểu về bác Hồ là vui lắm rồi. Vợ ông Phước cũng giải bầy; có những hôm ông ấy đam mê bảo quản tư liệu về Bác Hồ đến ngủ gục trên bàn làm việc, thiếu ngủ trầm trọng. Người nhà lúc đầu cũng can ngăn. Nhưng sau thấy đam mê thiêng liêng của ông ấy nên cũng đồng lòng”.