Hai người lính, hai thế hệ đều không dám nghĩ đây là sự thật. Nước mắt của hai cha con đã rơi, nhưng đó không phải là nước mắt đau khổ mà là nước mắt vui sướng đến tột cùng của cuộc hội ngộ kì diệu, ngỡ như là giấc mơ...
Từ nhỏ, ông Não đã chịu không biết bao nhiêu khó khăn cơ cực, bươn chải đủ việc để có cái ăn, cái mặc sống qua ngày. Cơ cực là vậy, ông đã chịu quen, nhưng rồi đến tuổi trưởng thành, ra chiến trường vẫn chưa hết đau đáu nỗi lo về gia đình, vợ con nơi quê nhà...
Chiến tranh phân ly
Mới lên 7 tuổi, ông Nguyễn Não đã mồ côi cha mẹ, sống với bà nội già yếu. Tuổi thơ là những năm tháng nhọc nhằn, phải lăn lộn khắp đầu làng, cuối xóm lao động nặng nhọc để kiếm miếng ăn sống lay lắt qua ngày. Thiếu tình yêu thương của cha mẹ là nỗi đau luôn khắc sâu, bóp nghẹt tim ông từ thuở nhỏ.
Năm được 16 tuổi, ông đã tham gia vào Đội thanh niên xung kích của địa phương. Năm 1954, đất nước “đau” trong cảnh chia cắt 2 miền Nam - Bắc, ông lại trở về với cuộc sống lam lũ vất vả vốn có của mình với bao lo toan về miếng cơm, manh áo. Cũng trong khoảng thời gian này, ông lập gia đình, có với vợ 4 mặt con trai. Không may mắn, căn bệnh sốt rét đã cướp đi mạng sống của một người con khi mới lên 6 tuổi.
Năm 1965, theo tiếng gọi của Tổ quốc, ông tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ. Đến năm 1969, ông bị địch bắt và đưa ra nhà tù Côn Đảo, để lại vợ và 3 đứa con nhỏ thơ dại nơi quê nhà. Từ đó, vợ ông ở quê tần tảo chăm lo đàn con. Những tưởng 3 đứa con sẽ phần nào vơi bớt nỗi nhớ cha với bàn tay tảo tần, chịu khó của người mẹ, ngờ đâu số phận nghiệt ngã lại “ghé thăm” gia đình ông.
Cuối năm 1969, vợ ông bị giặc bắt đi thủ tiêu, bỏ lại 3 đứa trẻ lạc lõng, không nơi nương tựa. Khi ấy 3 đứa con ông phải tự cưu mang nhau mà sống qua ngày. Là anh lớn nhất, Sâm đã tự bươn chải, làm hết nghề này đến nghề khác để kiếm tiền lo cho hai em của mình là Sơn và Dũng. Vài năm sau, căn nhà tranh cha mẹ để lại bị giặc Mỹ bắn cháy trụi, 3 anh em bị đẩy ra đường sống vất vưởng.
Trong cảnh loạn lạc ấy, nhìn bà con hàng xóm đi chạy giặc, Sơn cũng đòi chạy theo, nhưng anh Sâm không cho. Mọi người ngỏ ý hỏi xin em Dũng mới 24 tháng tuổi về nuôi. Dù nghèo đói thật nhưng Dũng là em ruột mình, Sâm nhất quyết không cho. Khi đó, Sâm cho rằng em mình sinh ra ở đâu thì ở đó, có đói, có khổ thì anh em vẫn bên nhau, có chết thì cùng chết bên nhau. Do quen sống thiếu thốn, đôi khi đi kiếm “bát cơm” qua ngày, Sâm không có thời gian ở bên em thường xuyên nên Dũng bị người ta bồng đi mất. Sâm và Sơn chỉ còn biết chạy khắp xóm la hét trong nước mắt tức tưởi đi tìm em.
Ông Não luôn đau đáu nhớ đứa con út bị thất lạc. Ảnh: Cao Nguyên |
Trong khi đó, người cha ở tận ngoài đảo xa, chịu đựng mọi tra tấn, đau đớn vừa thể xác, vừa đau đáu trong lòng vì lo lắng cho vợ trẻ, con thơ ở quê nhà. Ông cứ luôn có một linh cảm xấu, cảm giác bất an cứ ray rứt mãi trong lòng về số phận của người thân. Nhưng sống trong thời chiến, ông đành gác chuyện vợ con sang một bên, đặt trách nhiệm người lính lên hàng đầu.
Suốt thời gian ở Côn Đảo, bị đánh đập tàn nhẫn, không biết bao nhiều lần chết đi sống lại, nhưng cũng kiên trung như bao anh hùng đồng chí, ông vẫn không hé răng khai một lời nào. Cùng anh em trong tù Côn Đảo, ông đã đấu tranh âm thầm cho Tổ quốc thân yêu.
Rồi một ngày, ông chết điếng khi nghe tin hung về chuyện gia đình mình, ruột gan ông đau như cắt. Lúc đó, ông chỉ muốn đập tan xiềng xích quân thù mà chạy ngay đi tìm con. Biệt giam 6 năm ở Côn Đảo, anh em trong tù đồng cam cộng khổ, đến khi thời cơ chín muồi cùng đứng lên tự giải phóng.
Sau khi vùng lên nổi dậy cướp tù thành công, các đồng chí yếu sức và chị em phụ nữ được tàu đưa về trước. Ông Não cùng anh em ở lại đảo gần một tháng làm nhiệm vụ, dù trong lòng háo hức, nôn nao muốn nhanh về đất liền tìm con, nhưng ông vẫn ở lại đảo làm trọn nghĩa vụ người lính, trách nhiệm với Tổ quốc.
Sau khi hoàn thành sứ mệnh là làm bia căm thù và mộ cho chị Võ Thị Sáu, người lính tù trở về đất liền với thể trạng chỉ còn vỏn vẹn 35kg, thân xác tiều tụy, xơ xác, thương tích đầy người. Trên hai cổ tay ông còn hằn sâu vết dây trói, đó cũng là dấu ấn chiến tranh ở lại với người thương binh đến gần cuối đời. Và cũng từ đó, ông tiếp tục những ngày tháng cô đơn đến tê lòng khi tin tức của các con vẫn bặt vô âm tín.
Nhưng may mắn thay, với những nỗ lực của mình, ông trời đã không phụ tấm lòng người lính. Khi trở lại cuộc sống đời thường, ông lại tham gia công tác địa phương, gặp lại các đồng chí, anh em cùng chiến hào, họ đã giúp ông tìm được 2 đứa con đầu, còn đứa con út thì vẫn không hề có tin tức gì. Cũng là máu mủ, ruột thịt với mình, ông quyết tâm tìm cho được giọt máu ấy.
Thiếu thốn tình phụ tử ngay từ nhỏ, chắc đó là lý do khiến ông hiểu được nỗi đau của con ông khi không biết cha mình là ai, không có bàn tay dìu dắt của cha sẽ khó khăn đến nhường nào. Suy nghĩ ấy là động lực giúp ông vững bước trên hành trình tìm con mịt mù dù không biết đích đến. Hình ảnh đứa con thất lạc của người vợ quá cố luôn ám ảnh ông từng phút từng ngày, khiến ông day dứt ngay cả trong giấc ngủ.
Ngày đó, nhà nghèo, không tiền, không xe máy, những cuộc hành trình tìm con của ông luôn bên cạnh là chiếc xe đạp cũ kỹ. Ngày qua ngày, ông cứ rong ruổi khắp nẻo, ông cũng cam, nghèo khổ, thiếu thốn, đau đớn, ngục tù ông đã trải qua, riêng nỗi đau lạc con là nỗi đau dai dẳng, ám ảnh ông suốt mấy chục năm nay. Đi mãi, đi mãi rồi có nhiều lúc ông đã phải bao lần hụt hẫng, tắt lửa hy vọng, và lặng lẽ quay xe trở về với bao nỗi niềm trĩu nặng vẫn hằn sâu trên khuôn mặt gầy hốc hác của người cha đau đáu tìm con.
Người cha bị địch bắt, đày ra Côn Đảo khiến gia đình ly tán |
Đáng nhớ nhất vẫn là cái lần nghe hàng xóm nói, có một người bên Tiên Phước, mồ côi cha mẹ, thất lạc anh em. Ông mừng trong lòng, cưỡi xe đạp đạp cả 20 cây số ngay đi tìm con. Đường xa, nhưng ông không hề mệt mỏi, chỉ hy vọng đó là con mình. Đến nơi, người thanh niên đó đã đi làm ở xã Tam Đại (huyện Phú Ninh), ông lại chạy qua Tam Đại, không để chậm trễ thêm giờ khắc nào. Nhìn từ xa, ông cũng rơm rớm nước mắt thầm hy vọng cậu thanh niên ấy nghe có người bảo có người đi tìm con. Vừa thấy ông, cậu thanh niên ấy đã ôm chầm và khóc, kêu tiếng “cha” như vỡ toang cả trời. Ông thấy tội, thấy xót, dù chưa biết có phải con mình hay không, ông vẫn nhận cậu thanh niên ấy về.
Về nhà, 2 anh em Sâm và Sơn nhìn thoáng qua vóc dáng và khuôn mặt, rồi nói nhỏ với ông Não: chắc không phải “nòi” mình đâu cha. Một hôm đi làm ngoài rẫy, ông với cậu con mới nhận tâm sự, hỏi han về nguồn gốc và tuổi thơ cậu con, đúng thật là không phải con ông. Ông lại buồn! Ông Não lựa lời nói sự thật cho chàng thanh niên biết, vì ông hiểu chàng thanh niên cũng như ông, rất mong muốn tìm lại người ruột thịt với mình.
Rồi một lần đang ngồi nói chuyện với mấy ông bạn, có ông bạn kể rằng ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) có một người đàn ông có vợ, có con nhưng không biết cha mẹ là ai, sinh ra ở đâu, rong ruổi khắp nơi tìm cha mà tìm mãi không ra. Ông lại lần nữa lặn lội đến tận xã Bình Nam (Thăng Bình) tìm con. Mới đến nhà, ba đứa trẻ nhỏ đã chạy ra òa lên kêu ông nội, mẹ chúng cũng mừng rỡ. Ông cảm thấy vui, thấy ấm trong lòng, nhưng ông cũng phải hỏi cho rõ đầu đuôi, gốc gác. Qua lời thuật của người vợ thì kí ức tuổi thơ chồng cô không nhớ rõ lắm, người vợ chỉ ông sang nhà bà mẹ nuôi của chồng bên cạnh để hỏi. Người mẹ nuôi bảo rằng xưa được cho bởi chính cha mẹ ruột của người đàn ông đó, chiến tranh loạn lạc giờ không biết họ ở đâu. Và thế là một lần nữa người cha lại ra về “trắng tay”.
Hay một lần, anh Sơn đi đường và gặp anh Xước, một cảnh sát giao thông. Không biết có phải máu mủ ruột thịt hay không nhưng thoạt nhìn bề ngoài, Sơn và Xước rất giống nhau. Ông Não cùng anh Sơn mới lặn lội, tìm được nhà anh Xước ở thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Lúc đến nhà chỉ có vợ anh Xước ở nhà. Xem những tấm hình, ông Não cũng ngỡ ngàng, rất giống Sơn. Hỏi ra lại biết anh Xước cũng không có cha mẹ từ nhỏ, tia hy vọng trong ông lại rực lên như bao lần khác. Nhưng ông không biết được về gốc gác anh Xước, vì anh cũng không nhớ rõ chuyện ấu thơ.Về nhà, suy nghĩ, trằn trọc mãi, ông mới điện ra cho nhà anh Xước và xin đi xét nghiệm ADN. Lúc điện ra, ông được gặp trực tiếp anh Xước, anh Xước lại báo tin anh mới tìm được anh chị em ở Quế Sơn, chắc là chỉ do người giống người. Sau lần đó, ông cũng hỏi dò, tốn tiền của đi tìm khắp nơi nhưng vẫn là cái lắc đầu thất vọng.
Anh Châu và vợ không ngờ còn có ngày được gặp cha mình. Ảnh: Cao Nguyên |
Rồi một điều lạ đã xảy ra, giống như “ông trời có mắt”, không để người có lòng thiệt thòi. Ngày hôm ấy, ông đang ngủ trưa, vẫn thường lệ là suy nghĩ về nỗi lo tìm con rồi chìm vào giấc ngủ khi nào không hay. Trong cơn mơ, ông gặp lại người vợ quá cố của mình, hình dáng, khuôn mặt, giọng bà nói vẫn vậy, không gì thay đổi. Rồi bà “bật mí” cho ông về tăm tích người con thất lạc, rõ đến từng chi tiết. Vợ ông nói trong giấc mơ: “Dũng còn sống, ngày xưa được cho ở Tam Kỳ, rồi họ đem vô miền Nam, sau lại có ông ở ngoài Cẩm Kim - Hội An xin về làm con nuôi, Dũng đã thay đổi họ tên, đầu tóc đã bạc trắng”.
Sau giấc mơ mang màu sắc “thần giao cách cảm”, sáng sớm ông đã bật dậy đội nón, bận quần áo và dắt chiếc xe ra dò đường về Cẩm Kim tìm con. Hôm ấy là ngày 19/2/2010, ông Não vẫn nhớ rất rõ. Khi ấy, ông đón xe buýt đi Hội An, xe dừng ở Vĩnh Điện, qua đò, đến Cẩm Kim. Ở nơi đất lạ, ông Não cũng không biết bắt đầu tìm từ đâu. Thấy cô giữ xe ở bến đò, ông mới hỏi thăm.
May mắn gặp người nhiệt tình, cô gọi cho ông Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (HCTĐ) ở đó, dẫn ông Não đi tìm con. Lát sau, Chủ tịch HCTĐ đến chở ông đến UBND xã để hỏi thăm tin tức con, nhưng hôm ấy là chủ nhật, UBND xã không làm việc. May thay, khi ông Não mô tả theo lời báo mộng của vợ thì ông Chủ tịch HCTĐ xã nhận ra ngay là anh Châu bên thôn 3 vẫn hay vào Nam tìm cha. Ông Chủ tịch HCTĐ bèn gọi điện rồi dẫn ông Não đến nhà Châu. Lúc này, chủ nhà đang đi vắng, phải đến tối, khi chủ nhà trở về, ông Não mới xác thực đó chính là con trai của mình đã bị thất lạc gần 50 năm qua.
Hôm ấy là chủ nhật, nhưng anh vẫn phải đi phu hồ bên Hội An. Nghe vợ điện về, nói có một ông già đến tìm con, trong lòng anh cứ bồi hồi, nôn nao, ngay lập tức anh xin nghỉ làm và chạy một mạch về nhà. Vừa đến sân, dựng xe, anh chạy ngay vào nhà, thấy một ông lão dáng gầy nhỏ, anh Châu bỏ mũ bảo hiểm xuống, hai người cứ theo linh cảm mà bỗng dưng rưng rưng nước mắt, ôm chầm lấy nhau trong hơi ấm đoàn tụ. Không ai có thể giải thích về giấc mơ kỳ lạ của ông Não, được người vợ quá cố chỉ dẫn cụ thể lối tìm con. Có lẽ, nỗi đau đáu nhớ thương đứa con lưu lạc đã khiến trực giác của ông chính xác đến kỳ lạ, để rồi vận vào trong giấc mơ như thế...
Trong dòng ký ức nhập nhòa vì đã kinh qua những ngày tháng sống phiêu bạt khắp nơi không cha, không mẹ, nỗi khao khát tìm về nguồn gốc quê hương, tìm về với cha mẹ ruột mình luôn là niềm thôi thúc lớn nhất trong anh. Năm 1987, anh Châu đi lính Trường Sa. Năm 1992, anh lấy vợ và sinh được 2 đứa con, không may một đứa đã qua đời sớm. Làm lụng được đồng nào anh lại gửi mình lên những chuyến xe vào Nam. Mỗi năm anh đi 2 đến 3 chuyến vào Nam, dò la khắp nơi, từ Đồng Nai cho đến các tỉnh miền Tây lân cận. Một thân một mình giữa trời Nam rộng lớn, anh Châu không biết phải tìm ở nơi nào và bắt đầu từ đâu.
Anh Châu cũng đã từng đăng kí lên chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” trên VTV3 nhưng với thông tin ít ỏi và nhiều ký ức đứt đoạn nên chương trình cũng khó mà tìm ra được người thân cho anh. Nhiều khi cũng định bỏ cuộc, nhưng rồi ông trời không phụ kẻ có lòng, có lẽ đó là điều kỳ diệu nhất của cuộc đời anh. Ngày được chính cha ruột tìm đến tận nhà, anh mừng rỡ khôn xiết, tựa như ngày ấy là ngày anh được sinh ra thêm một lần nữa.