Ngày mai bắt đầu từ hôm nay
Sau nhiều năm khó khăn, “bức tranh” kinh tế Việt Nam năm 2014 được đánh giá cơ bản đã sáng sủa hơn so với giai đoạn trước đó khi xuất hiện khá nhiều tín hiệu khả quan cho tăng trưởng như kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức tương đối cao và ổn định, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng, xuất khẩu tăng, tỷ lệ lạm phát giữ ở mức thấp…
Khảo sát của Công ty Cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) với các doanh nghiệp (DN) lớn công bố mới đây cho thấy, phần đông DN nhận định doanh thu của họ đều tăng hoặc cơ bản ổn định so với năm trước. Đáng chú ý, tỷ lệ DN cho rằng kinh doanh đang xấu đi giảm dần qua các năm. Khảo sát DN lớn năm 2012 cho thấy, tỷ lệ DN nhận định tình hình kinh doanh năm 2012 xấu hơn năm 2011 là 21,9%, trong khi tới năm 2014, tỷ lệ này giảm còn 9,1%. Năm 2014, có đến 92,9% DN cho rằng doanh thu cơ bản ổn định và tốt hơn so với năm trước, trong khi tỷ lệ này của năm 2013 và năm 2012 lần lượt là 90,9% và 78,1%.
Sở dĩ các DN lớn có thể tự tin đến như vậy một phần dựa trên thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của họ trong năm qua. Theo thống kê từ Bảng xếp hạng VNR500, tổng doanh thu của Top 10 DN lớn nhất Việt Nam năm 2014 đạt xấp xỉ 2.354 nghìn tỷ đồng, tăng 14,8% so với Top 10 năm 2013. Hệ số sinh lời ROA, ROE của Top 10 năm nay cũng tốt hơn nhiều so với năm ngoái.
Những thành quả hoạt động SXKD tốt của nhóm DN lớn cũng làm tăng thêm kỳ vọng kinh doanh cho năm 2015 và khiến cơ cấu nhóm “DN bi quan” tiếp tục co lại, chỉ còn 7,1%. “Có thể thấy, DN Việt đang rất tự tin và đầy lạc quan trước môi trường và triển vọng kinh doanh khi khá nhiều DN đã hoàn toàn phục hồi “sức khỏe” và hoạt động đầy hứng khởi trong thời gian qua. Cùng với những tín hiệu vui từ kinh tế vĩ mô, kinh tế Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự tăng trưởng đáng kể trong giai đoạn 2015 – 2020 tới đây...”- Báo cáo của Vietnam Report nhận định.
Hành chính vẫn là rào cản
Nhận định về những cản trở gây ảnh hưởng đến hoạt động SXKD của DN, 44,4% cho rằng việc thủ tục còn rườm rà khiến DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính tại các cơ quan nhà nước. Những khó khăn tiếp theo liên quan tới hạ tầng cơ sở (37,4%), giá cả nguyên vật liệu đầu vào (31,3%) và xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường (31,3%).
Tương tự, khi đánh giá về môi trường đầu tư tại Việt Nam, đa số DN cho rằng hiệu quả của dịch vụ hành chính đang ở mức rất thấp (có tới 88,2% đánh giá “kém”), bên cạnh cơ sở hạ tầng kém (40,7%) và khó tiếp cận đất đai (35,4%) làm hạn chế phần nào cơ hội đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo nhận định từ chuyên gia của Vietnam Report, trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, để trở thành điểm đến đầu tư tiềm năng và hấp dẫn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn như vấn đề minh bạch hóa chính sách, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng… đòi hỏi Chính phủ cần sớm thay đổi chính sách và phương cách điều hành kinh tế.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, sự tham gia quá lớn của các nhà đầu tư nước ngoài đôi khi sẽ hạn chế sự phát triển của các DN trong nước, mà đa phần là các DN vừa và nhỏ với những điểm yếu về vốn, công nghệ và nhân lực. Bởi vậy, song song với việc thu hút đầu tư nước ngoài, Chính phủ cũng cần hết sức thận trọng đưa ra những biện pháp thích hợp bảo vệ DN trong nước để kinh tế Việt Nam có thể vững bước đi lên từ nội lực và tăng trưởng lâu bền trong tương lai…/.