Cơ quan chức trách vẫn “bó tay” trước những đề xuất thành lập doanh nghiệp với những cái tên… “đỏ mặt”! Trong khi đó, luật cũng chưa có quy định rõ ràng…
Doanh nghiệp có tên... sung sướng!
Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội từng nhận được hồ sơ xin thành lập Công ty TNHH cung cấp dịch vụ Sung Sướng, được giải thích là để phù hợp với ngành nghề kinh doanh liên quan đến dịch vụ cung cấp sản phẩm “nhạy cảm”. Tuy nhiên, tranh cãi đã nảy ra, bởi tên công ty như vậy liệu có thể được xem là vi phạm thuần phong mỹ tục hay không? Không chỉ “sung sướng”, nhiều cái tên khác thoạt nghe “lành” hơn nhiều cũng khiến cơ quan đăng ký kinh doanh cũng bối rối. Ví dụ như vụ từ chối cấp tên doanh nghiệp đối với Công ty cổ phần Ăn mòn Việt Nam.
Ngoài những cái tên có hơi hướng “sung sướng” như trên, cũng có xu hướng nhiều đơn vị muốn lấy tên của công ty trùng với tên của các danh nhân, như Công ty TNHH Lê Quý Đôn, hoặc Công ty Cổ phần Hùng Vương... Tất nhiên đề xuất này đã không được cơ quan đăng ký kinh doanh chấp nhận vì không được lấy tên danh nhân để đặt tên riêng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, chính tên chủ doanh nghiệp lại trung với tên danh nhân, ghi trên giấy khai sinh đàng hoàng, nên dù có giải thích thế nào thì cơ quan đăng ký kinh doanh cũng bị la lối vì phía doanh nghiệp cũng không tâm phục khẩu phục…
Quy định cho thấy, cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh có quyền từ chối tên dự kiến đăng ký của doanh nghiệp nếu sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó. Ví dụ như một trường hợp có ý tưởng đặt tên là Công ty Cổ phần Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, tuy nhiên việc cấp phép bị đình lại vì cụm từ “giáo dục và đào tạo Vĩnh Phúc” lại trùng với chính tên của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh này.
Ngoài ra, nhiều hồ sơ mở doanh nghiệp cũng bị từ chối vì sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Luật chưa quy định rõ
Nhiều chuyên gia pháp lý cho hay, thực tế thực hiện Luật Doanh nghiệp cho thấy có một số quy định của luật này được phản ánh là chưa đủ rõ ràng, cụ thể để hiểu và áp dụng một cách thống nhất. Trong đó một số quy định không còn phù hợp với thực tế đã và đang gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp.
Một trong những “điểm nóng” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư hay nhận được các phản ánh, kiến nghị là khâu đăng ký kinh doanh.
Theo đó, trên thực tế chưa có cách hiểu thống nhất giữa các phòng đăng ký kinh doanh và giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và doanh nghiệp, các bên có liên quan về khái niệm “hồ sơ hợp lệ”. Hậu quả là người thành lập doanh nghiệp có thể bị gây khó khăn bằng yêu cầu bổ sung, sửa đổi hồ sơ nhiều lần hoặc nhiều nội dung theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Riêng việc đặt tên doanh nghiệp, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thực tế còn có một số khó khăn cho cả doanh nghiệp và cơ quan đăng ký kinh doanh. Nhiều trường hợp, phòng đăng ký kinh doanh lúng túng trong việc chấp nhận tên doanh nghiệp, đặc biệt trong trường hợp sử dụng cụm từ bị cho là “nhạy cảm”, cụm từ vi phạm “truyền thống lịch sử”, “văn hóa”, “đạo đức”, “thuần phong mỹ tục” của dân tộc; lúng túng trong việc chấp thuận tên bằng tiếng nước ngoài của doanh nghiệp, sử dụng cụm từ gắn với loại hình doanh nghiệp nhà nước trước đây, như “tổng công ty”,…
Một trong những nguyên tắc đặt tên doanh nghiệp là tên không trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã được thành lập. Tuy nhiên, thực tế hiện nay không cho phép cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra việc trùng tên với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh tại ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư và các doanh nghiệp thành lập tại cơ quan quản lý nhà nước khác.
Việt Hưng