Đây là vấn đề được đề cập tại Diễn đàn Phát triển DN Việt Nam do Bộ KH&ĐT cùng Tạp chí Kinh tế và Dự báo tổ chức ngày hôm qua (22/6) tại Hà Nội.
Chi phí vận tải trong nước gấp 3 lần quốc tế
Theo những thông tin được đưa ra, 5 năm gần đây GDP tăng trưởng chậm, quý I/2017 GDP chỉ tăng 5,1% dù DN thành lập mới tăng đáng kể. Theo thống kê, 2 năm gần đây, mỗi năm đều có hơn 100 nghìn DN thành lập mới, vốn đầu tư tăng nhưng lợi nhuận không tăng, năng suất lao động không cao và giá trị sản xuất thay đổi không đáng kể.
Ông Hồ Sỹ Hùng, Cục trưởng Cục phát triển DN, Bộ KH&ĐT đặt vấn đề: tăng trưởng vốn đều, đã đưa ra định hướng phát triển kinh tế thị trường có nhấn mạnh vào kinh tế tư nhân; đầu tư công tương đối chậm. Vậy đây là vấn đề bước tiến chậm hay hiệu quả chưa cao?
Thông tin cũng cho thấy, DN tư nhân chiếm 39% về vốn, đóng góp cho GDP hơn 43% nhưng lợi nhuận lại chỉ đạt 1,72%. Trong khi đó, khối DN FDI chỉ đóng góp 18,07% GDP, chiếm 23,4% lượng vốn nhưng tỷ suất lợi nhuận lại đạt 6,95%. Vậy vấn đề đặt ra là tại sao DN tư nhân có nhiều đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội nhưng lợi nhuận lại thấp?
Theo ông Hùng, có rất nhiều rào cản đưa đến những vấn đề nêu trên. Đó là sự không thống nhất giữa các Luật Đầu tư, Bảo vệ môi trường, Xây dựng và Đất đai, thủ tục hành chính được chính phủ đặt ra nhiều nhưng giải quyết chưa được bao nhiêu. Trong khi đó, thị trường cho phát triển kinh tế tư nhân cũng chưa mở rộng bởi tiến độ cổ phần hóa các DN nhà nước chậm. Ông Hùng cho rằng, chỉ khi nào các DN nhà nước rút khỏi thị trường thì mới tạo điều kiện cho các DN tư nhân phát triển.
Chi phí kinh doanh cũng là vấn đề lớn đối với DN. Những con số khảo sát về chi phí kinh doanh cũng chỉ ra rằng cạnh tranh của DN Việt rất bất lợi do những chi phí kinh doanh quá lớn như chi phí logistics, chi phí tiền lương, chế độ phúc lợi cao (theo khảo sát, chi phí nhân công tại Việt Nam hiện nay không thấp hơn Thái Lan). Đặc biệt, chi phí vận tải quá cao, có những số liệu cho thấy chi phí vận tải từ Hải Phòng về Hà Nội gấp 3 lần chi phí vận tải từ Hàn Quốc đến Hà Nội.
Một vấn đề khác khiến các DN gặp nhiều khó khăn chính là thanh tra, kiểm tra. Theo số liệu ông Hùng cung cấp, có những DN phải tiếp 9 đoàn kiểm tra trong năm 2016; chuyện 4-5 đoàn kiểm tra đến một DN trong một năm là phổ biến. Chuyện các đoàn thanh tra, kiểm tra chồng chéo, trùng lắp diễn ra thường xuyên.
Sợ bị thanh tra nên không… muốn lớn?
Đây cũng là vấn đề mà ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) đề cập đến với những số liệu rất rõ ràng. Theo số liệu được cung cấp, qua khảo sát hơn 10 nghìn DN tư nhân trên toàn quốc cho thấy: với khối DN siêu nhỏ, chỉ chưa đến 10% DN bị thanh tra 4-5 lần; đối với khối DN nhỏ, con số này chiếm 16%; trong khối DN lớn thì có đến 24% DN bị thanh tra 4-5 lần. Còn với những DN lớn, con số này lên đến 33%.
Theo ông Tuấn, DN càng lớn, thanh tra càng nhiều. “Đây chính là câu trả lời cho câu hỏi tại sao DN không lớn? Không lớn là vì sợ bị thanh tra, kiểm tra” - ông Tuấn nói. Chuyên gia Vũ Đình Ánh có thêm ý kiến cho rằng, tại sao DN không lớn? Là do các DN vẫn mang tư tưởng “đi xin” nhiều. Còn xin thì sẽ còn cho và như thế những cố gắng cải cách của chính phủ sẽ không mang lại tác dụng gì.
Tuy nhiên, một vấn đề đáng chú ý được TS. Võ Chí Thành đưa ra: Tại sao thanh tra chỉ đến DN lớn nhưng chi phí không chính thức của các DN lại như nhau? Ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, hiện nay, nhiều DN sử dụng chi phí không chính thức làm lợi thế cạnh tranh, tạo ra môi trường kinh doanh không minh bạch. Trong số 66% DN phải chi phí không chính thức chỉ có 5-6% DN là bị ép buộc, còn lại đa phần là tự nguyện chi trả để tránh những vấn đề không đáng có.
Vấn đề về cơ cấu sản xuất kinh tế đang ở mức báo động. Theo đó, trong số 94% DN thành lập sau năm 2.000 thì chỉ có 9% DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất chế biến công nghiệp; trong khi đó 60% DN hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Một con số đáng lưu ý được đưa ra là ở khu vực miền núi phía bắc có tới 30% DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng. Điều này dẫn đến việc trông chờ ngân sách, trông chờ đầu tư công đang diễn ra rất phổ biến ở khu vực này.
Nền kinh tế Việt Nam chỉ trông chờ khối DN đóng góp cho phát triển kinh tế, xã hội, năng suất lao động tăng, giá trị sản phẩm tăng. Nhưng con số đưa ra lại khá đáng buồn: quy mô DN tư nhân chỉ ở mức 18 tỷ đồng; sử dụng 26,6% số lượng lao động và chỉ có 64% có lợi nhuận.
Các rào cản được xác định là việc tìm kiếm khách hàng, nguồn vốn và trình độ lao động. Hiện nay, khối DN FDI ngày càng tăng, lượng vốn lớn nhưng các DN tư nhân lại không thể tham gia vào chuỗi sản xuất này khi các DN FDI vẫn nhập khẩu nguyên liệu từ các nước mẹ hoặc nước thứ 3. Mới chỉ có 7% DN FDI có quan hệ làm ăn với khối DN trong nước.
Rào cản về vốn cũng là một trở ngại lớn đối với DN tư nhân. Theo thống kê có 52% DN đang vay vốn ngân hàng, trong đó, có tới 85% là DN lớn; chỉ có 32% DN siêu nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. Tuy nhiên, đáng lưu ý, có một bộ phận DN phải vay vốn tín dụng đen với lãi suất 49%/năm.
Rào cản về thủ tục hành chính cũng được các DN đề cập đến trong quá trình phát triển DN. Theo ông Tuấn, cuộc khảo sát điều tra cho thấy thời gian các DN phải sử dụng cho các thủ tục hành chính ngày càng tăng, nhất là các thủ tục về thuế, phí, lệ phí, bảo hiểm xã hội.