Liên tục kêu oan vì không gây thiệt hại?
Năm 2003, ông Lê Ân bị Tòa án Phúc thẩm TANDTC tại TP Hồ Chí Minh kết án 12 năm tù về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Theo HĐXX phúc thẩm, ông Lê Ân đã có sai phạm nghiêm trong khi thực hiện cho vay, giải ngân và chấp nhận 3 tài sản thế chấp không hợp pháp, gây thiệt hại cho VCSB. Trong số tài sản thế chấp này có nhà, đất tại 141 Bình Giã, TP Vũng Tàu.
Theo HĐXX, việc VCSB nhận thế chấp là nhà đất và toàn bộ cơ sở hạ tầng trên diện tích 19.000m2 đất tại 141 Bình Giã để cho Cty TNHH Bình Giã vay 2,5 tỷ vào năm 1995 là sai quy định vì tài sản thế chấp không hợp pháp (Cty TNHH Bình Giã thuê đất của Xí nghiệp OSC Việt Nam).
Ngày 27/11/1993, VCSB chấp nhận trừ nợ bằng chuyển nhượng cơ sở hạ tầng trên đất của Cty TNHH Bình Giã và tiếp tục thuê đất với Xí nghiệp OSC Việt Nam là không hợp pháp vì VCSB không có chức năng kinh doanh cơ sở hạ tầng và thuê đất.
Từ nhận định trên, HĐXX cho rằng, thiệt hại thực tế của khế ước vay 2,5 tỷ trên cho đến nay (tức thời điểm xét xử phúc thẩm năm 2003), VCSB không thu hồi được, đẩy VCSB vào tình trạng mất khả năng thanh toán.
Tuy nhiên, ngay tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lê Ân đã kêu oan và khẳng định VCSB không hề bị thiệt hại qua việc cho Cty TNHH Bình Giã vay tiền. Sau khi bị HĐXX tuyên 12 năm tù, trong thời gian thụ án, ông Lê Ân vẫn gửi đơn kêu oan, đề nghị giám đốc thẩm vụ án và khẳng định VCSB không lâm vào tình trạng không mất khả năng chi trả. Nếu Nhà nước cho VCSB được xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì số tiền dư còn rất lớn.
Phản ánh đến báo PLVN, ông Lê Ân cho biết: “đến nay, sau 15 năm kể từ khi tôi bị kết án thì thực tế đã chứng minh lời kêu oan của tôi là hoàn toàn có cơ sở, thể hiện rõ nhất qua Bản án hành chính của Tòa phúc thẩm TANDTC (nay là TAND Cấp cao) tại TP Hồ Chí Minh vào năm 2015”.
Sau hơn 20 năm, tài sản thế chấp vẫn được coi là hợp pháp
Theo đó, năm 2013, sau khi thụ án xong, ông Lê Ân- đại diện Hội đồng thanh lý VCSB đã khởi kiện UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì cho rằng, tài sản 20.000m2 đất tại 141 Bình Giã là tài sản hợp pháp của VCSB, từng được VCSB nhận thế chấp của Cty TNHH Bình Giã và giải chấp đúng quy định. Việc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hồi đất mà không bồi thường cho VCSB hoặc thu hồi rồi giao cho đơn vị khác sử dụng là không đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của VCSB.
Sau đó, cả tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đều đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Lê Ân, buộc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu bồi hoàn cho VCSB giá trị hơn 15.000m2 đất (đã bị thu hồi làm công trình) theo loại đất làm mặt bằng để xây dựng, sản xuất, kinh doanh theo khung giá đất của UBND tỉnh tại thời điểm thi hành án; buộc UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu làm thủ tục công nhận quyền sử dụng cho VCSB hơn 4.600m2 đất còn lại ở số 141 (nay là 189) Bình Giã…
Theo ông Lê Ân, với phán quyết tại bản án hành chính đã có hiệu lực như trên thì quyền lợi của VCSB tại khu đất 20.000m2 đã nhận thế chấp năm 1995 vẫn được bảo đảm. Đồng nghĩa với việc VCSB đã không bị thiệt hại khi cho Cty TNHH Bình Giã vay 2,5 tỷ đồng. VCSB không bị thiệt hại khi chấp nhận lấy tài sản thế chấp để trừ nợ cho Cty TNHH Bình Giã vào năm 1995. Như vậy, có thể thấy, nhận định của HĐXX sơ thẩm, phúc thẩm vụ án hình sự năm 2003 quy kết các bị cáo gây thiệt hại cho VCSB trong việc cho Cty TNHH Bình Giã vay tiền là không chính xác.
Cho vay và xử lý tài sản thế chấp có “bảo lãnh” và đồng ý của UBND tỉnh
Ngoài việc khẳng định không gây thiệt hại, ông Lê Ân còn cho rằng, năm 2003, các cơ quan tiến hành tố tụng quy kết ông có vi phạm khi cho Cty TNHH Bình Giã vay tiền cũng không đúng. Bản án hành chính của Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM đã nêu rõ, “trên thực tế, VCSB nhận thế chấp- cầm cố từ Cty TNHH Bình Giã được sự đồng ý, cho phép và bảo lãnh của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Để bên cho vay và bên vay tiền tất toán khế ước, phía nhận tài sản VCSB đã nộp tiền thuê đất (hơn 17 triệu đồng) tại 141 Bình Giã cho Cục Thuế tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Việc VCSB sử dụng diện tích đất trên đã được UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho phép và chấp nhận cho VCSB lập dự án mở khu du lịch tại 141 Bình Giã theo Công văn số 1091/UB-CV ngày 14/4/1998”.
Trình bày cụ thể hơn về việc “con nợ” được UBND tỉnh đứng ra bảo lãnh trên đây, ông Lê Ân cho biết thêm, Cty TNHH Bình Giã được tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu giao thi công các công trình theo hình thức “đổi đất lấy công trình”. Tháng 7/1993, Cty này có Công văn đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ vốn để Cty tiếp tục thi công công trình đường Trần Phú. Sau đó, UBND tỉnh có “bút phê”: “Nếu Cty Bình Giã không thực hiện cam kết thì UBND tỉnh sẽ thanh toán quỹ đất cho VCSB tương ứng với số tiền vay”.
Ngoài “bút phê” này, ngày 14/7/1993, UBND tỉnh còn có Công văn số 966A/CV-UBT đề nghị VCSB cho Cty TNHH Bình Giã vay 1,5 tỷ đồng (thời hạn 3 tháng) để thi công đường Trần Phú. Nếu đáo hạn mà Cty TNHH Bình Giã không thanh toán kịp, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho phép VCSB khấu trừ đúng số tiền này vào 20.000m2 đất tại 141 Bình Giã. Theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh như trên, căn cứ vào khối lượng thi công đã được nghiệm thu cùng với cam kết thế chấp của Cty TNHH Bình Giã (có công chứng), VCSB đã quyết định cho Cty NNHH Bình Giã vay tiền, thế chấp bằng 20.000m2 đất và tất cả tài sản, vật kiến trúc có trên đất.
Sau này, không chỉ có hai cấp Tòa mà nhiều cơ quan, đơn vị trong tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cũng thống nhất cho rằng, VCSB cho Cty TNHH Bình Giã vay tiền là có sự “bảo lãnh” của UBND tỉnh. Cụ thể, năm 2009, sau khi được tỉnh giao chủ trì họp liên ngành với Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP Vũng Tàu, Cục Thi hành án dân sự tỉnh… thì Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh rằng, “Công văn số 966A-CV-UBT ngày 12/7/1993 của UBND tỉnh là sự bảo lãnh cho Cty TNHH Bình Giã vay tiền của VCSB với 20.000m2 đất...”.
Với các bản án và ý kiến của nhiều cơ quan chức năng trên đây, ông Lê Ân cho rằng, trong việc cho Cty TNHH Bình Giã vay tiền năm 1995, ông và lãnh đạo VCSB lúc đó không vi phạm và cũng không gây thiệt hại cho VCSB. Thời điểm đó, VCSB không có nợ xấu. Hầu hết các tài sản VCSB xử lý để thu hồi nợ vay đều đảm bảo hoàn vốn đầy đủ. Vốn VCSB còn nguyên vẹn... Đây là những chứng cứ, cơ sở để ông Ân đề nghị VKSNDTC và TANDTC xem xét lại bản án hình sự năm 2003 nhằm minh oan cho mình.