Trong khi đó hoạt động ban hành quyết định hành chính (QĐHC) là một trong những phương thức quan trọng trong quản lý nhà nước, đòi hỏi phải tuân thủ pháp luật, bảo đảm tính pháp chế, phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân.
Vừa ban hành, nhiều QĐHC đã bị thu hồi, hủy bỏ
Thực tiễn còn cho thấy, có những QĐHC, đặc biệt là QĐHC có tác động đến nhiều người như quy hoạch đô thị, quyết định cho phép xây dựng các nhà máy lớn, cảng biển, sân ga, bến cảng… gặp phải những phản ứng gay gắt của dư luận xã hội dẫn đến ngay khi vừa ban hành đã sớm phải thu hồi hoặc hủy bỏ, bởi không tham vấn ý kiến người dân có lợi ích liên quan hoặc không đánh giá tác động tiêu cực, tích cực của việc ban hành quyết định (như quyết định xây dựng Nhà máy Posco, xây dựng khách sạn trong Công viên Thống Nhất).
Trong khi đó, các công chức lại lúng túng khi ban hành QĐHC do có nhiều cách hiểu khác nhau về thế nào là cơ quan hành chính, thế nào là QĐHC, thế nào là một QĐHC hợp pháp… Thẩm phán hành chính thì thiếu cơ sở pháp lý để đối chiếu xem QĐHC bị vi phạm bởi lý do gì, không rõ khi nào một QĐHC được coi là vô hiệu hay có hiệu lực.
Đáng chú ý, qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành, mặc dù pháp luật đã có những văn bản điều chỉnh về QĐHC thuộc các lĩnh vực khác nhau nhưng không đầy đủ, các quy định thiếu tính chặt chẽ, thiếu sự nhất quán, đồng bộ. Không những thế, phần lớn các văn bản đang “bỏ ngỏ” các quy định xác định trách nhiệm của các cơ quan, cán bộ, công chức nhà nước trong quá trình quản lý hành chính.
Điều này khiến người dân thiếu cơ sở pháp lý rõ ràng để khiếu nại, khiếu kiện bảo vệ quyền và lợi ích của mình vì không rõ QĐHC liên quan đến mình có thể bị vi phạm quy định nào, ở giai đoạn nào. Hơn nữa, người dân khó tiếp cận thông tin về QĐHC vì chưa có quy định cụ thể về việc công bố, thông báo, tống đạt QĐHC nên không bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích của mình.
Đáp ứng yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của cơ quan hành chính
Trước những bất cập trên, nói về sự cần thiết xây dựng Dự án Luật Ban hành QĐHC tại cuộc tọa đàm về Dự án Luật này diễn ra vào hôm qua (28/7) do Bộ Tư pháp tổ chức với sự phối hợp của Đại sứ quán Pháp, Thứ trưởng Đinh Trung Tụng đã cho biết: Thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực cải cách hành chính, chuyển từ nền hành chính can thiệp từ phía Nhà nước sang nền hành chính phục vụ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, đặc biệt là Hiến pháp năm 2013 với nhiều quy định mới ghi nhận, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân, đề ra các yêu cầu ngày càng cao đối với hoạt động của cơ quan hành chính trong việc bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức trong xã hội.
“Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi quy trình ban hành QĐHC phải minh bạch, công khai, trình tự, thủ tục phải rõ ràng, tránh gây ra sự tùy tiện. Việc xây dựng và ban hành Luật Ban hành QĐHC là nhằm kiểm soát tính hợp pháp, hợp lý, tính khả thi của QĐHC, tính minh bạch của quy trình ban hành QĐHC, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và bảo đảm hiệu lực, hiệu quả của hoạt động quản lý nhà nước. Luật này sẽ bao gồm các nguyên tắc có tính chuẩn mực, là khuôn khổ cho việc ban hành các QĐHC” – Thứ trưởng Đinh Trung Tụng nhấn mạnh.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Hạnh thì pháp luật hiện hành đã có quy định về cơ chế “hậu kiểm” đối với QĐHC từ cơ chế kiểm tra, thanh tra đối với QĐHC trái pháp luật đến cơ chế theo dõi thi hành QĐHC. Vì vậy, để hạn chế tối đa việc ban hành các QĐHC trái pháp luật, cần tăng cường cơ chế “tiền kiểm”, tức là phải quy định chặt chẽ căn cứ ban hành; điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục ban hành và hậu quả pháp lý của việc thu hồi, hủy bỏ, gia hạn QĐHC.
Bà Hạnh cũng cho rằng, Luật cần quy định cơ chế để người dân có thể dễ dàng tiếp cận với các cơ quan hành chính; quyền tiếp xúc hồ sơ của bên có liên quan; điều kiện tham gia của người đại diện và những cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình ban hành QĐHC…
Chia sẻ kinh nghiệm của Pháp, Thẩm phán Tham chính viện Cộng hòa Pháp Rémi Keller khẳng định, người dân đến cơ quan hành chính là để được phục vụ chứ không phải để “xin xỏ”. Do đó, việc ban hành Luật này rất quan trọng đối với cơ quan hành chính bởi nó sẽ đặt ra khuôn khổ rõ ràng, áp dụng thống nhất trong các cơ quan hành chính cũng như đối với Tòa án hành chính khi có cơ sở rõ ràng để đối chiếu QĐHC có hợp pháp, qua đó tạo niềm tin, cải cách môi trường đầu tư trong nước.