Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã có báo cáo QH về vấn đề này. Theo đó, sau khi Hiến pháp được thông qua, Bộ Tư pháp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp. Bộ Tư pháp đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Ngoại giao xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền về Hiến pháp cho các đối tượng khác nhau; tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến về nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp năm 2013 cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên của Đảng.
Ở các Bộ, ngành, địa phương, với nhận thức công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu Hiến pháp có vai trò quan trọng để các tầng lớp Nhân dân tiếp cận, biết và hiểu về các quy định của Hiến pháp, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành Hiến pháp và pháp luật, góp phần đưa Hiến pháp sớm đi vào cuộc sống và phát huy giá trị trong thực tiễn, Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo sát sao công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu, tập huấn về nội dung của Hiến pháp trong ngành, địa phương mình dưới nhiều hình thức.
Cùng với đó, Bộ cũng tổ chức hoạt động rà soát, lập danh mục đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với Hiến pháp; Tổ chức xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với Hiến pháp.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thừa nhận một số bất cập trong như Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của Chính phủ được ban hành chậm, làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Việc tổ chức Hội nghị của Chính phủ giới thiệu, phổ biến nội dung và ý nghĩa của Hiến pháp cho báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên của Đảng chưa kịp thời, dẫn đến sự lúng túng nhất định trong việc triển khai tại một số Bộ, ngành, địa phương; Số lượng và chất lượng của báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp còn hạn chế, chưa ngang tầm với yêu cầu chuyển tải đầy đủ nội dung, ý nghĩa và tinh thần của Hiến pháp; tài liệu tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp cung cấp chưa kịp thời và chưa đáp ứng đủ số lượng theo yêu cầu.
Một tồn tại nữa là hoạt động rà soát các luật, pháp lệnh của các Bộ, cơ quan ngang Bộ chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng, bước đầu còn lúng túng trong triển khai vì liên quan đến sự tham gia, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị, đặc biệt là việc còn có nhận thức khác nhau về các quy định của Hiến pháp; chưa công bố được Danh mục các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp phải dừng thi hành....
Nguyên nhân của sự tồn tại này, theo Bộ trưởng, đó là do việc triển khai thi hành Hiến pháp cần được tiến hành rất khẩn trương với khối lượng công việc lớn, nhất là nhiệm vụ rà soát văn bản QPPL, đòi hỏi phải đầu tư nhiều thời gian và công sức. Các điều kiện bảo đảm cho các hoạt động triển khai thi hành Hiến pháp bước đầu còn hạn chế, kinh phí chưa được bố trí kịp thời. Cùng với đó, trong quá trình tổ chức triển khai, vẫn còn có ý kiến khác nhau liên quan đến cách hiểu thống nhất về một số nội dung của Hiến pháp, nhất là việc xác định những nội dung/quy định “trái với Hiến pháp”, dẫn đến cần có nhiều thời gian để tổng hợp, trao đổi và thống nhất kết quả rà soát.
Ngoài nguyên nhân trên, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra một số nguyên nhân chủ quan như mức độ quan tâm và chủ động chỉ đạo công tác tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp của một số Bộ, ngành, địa phương chưa cao; một số Bộ, ngành, địa phương còn có tâm lý trông chờ chủ trương, hướng dẫn cụ thể của cơ quan cấp trên; Công tác phối hợp trong việc triển khai thi hành Hiến pháp còn bất cập, nhất là trong việc rà soát các văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp và xây dựng, thẩm định văn bản QPPL trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp.
Theo Bộ trưởng, giải pháp khắc phục tới đây là tập trung nguồn lực và các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp đúng tiến độ; Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong việc rà soát văn bản QPPL đề nghị dừng thi hành; các văn bản QPPL cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp và xây dựng, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp; Đặc biệt, cần phải phát huy vai trò của Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp triển khai thi hành Hiến pháp, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng luật, pháp lệnh và bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa các dự án luật, pháp lệnh theo tinh thần và nội dung của Hiến pháp; những vấn đề nhận thức khác nhau lớn về nội dung của Hiến pháp thì báo cáo UBTVQH xem xét, giải
Cũng trong phiên chất vấn hôm nay, các ĐBQH cũng sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp về vấn đề triển khai Nghị quyết số 67/2013/QH13 của Quốc hội về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; việc thẩm định để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật đối với các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến nay; Những hạn chế, bất cập trong công tác thi hành án dân sự; giải pháp khắc phục.