Trước sự hoành hành của “Hà Bá”, người dân chống lại bằng cách trồng tre, đổ đất, kè đá sát mép sông. Thế nhưng, mọi sự cố gắng ấy dường như đều vô vọng…
Hàng ngàn hộ dân mất đất, lún nhà
Trong các địa phương gánh chịu ảnh hưởng sạt lở thì thôn Tây Sơn, xã Phương Trung được coi là điểm “nóng” nhất, với 74 gia đình trú ngụ tại xóm Bãi chịu ảnh hưởng trực tiếp. Ông Lưu Văn Chiến, Trưởng thôn Tây Sơn cho biết, nhiều gia đình diện tích đất sạt lở ăn sâu 3 – 10 mét.
Trước sự xói mòn của dòng chảy sông Đáy, hàng trăm mét đất khu vực Đôn Thư (xã Kim Thư, Thanh Oai) cũng biến mất không để lại dấu tích. Minh chứng rõ nhất là trường hợp gia đình ông Lê Văn Thành. Tháng 8/2013, trong khi 4 người nhà ông Thành đang say ngủ thì căn bếp bỗng dưng bị lôi tuột xuống lòng sông. Phần diện tích nhà ở cấp 4 cũng có dấu hiệu nghiêng, nứt. Riêng phần nền sân lún sụt một khoảng lớn, cách mặt đất 10 – 15cm.
Một người dân nhẩm tính, dọc theo triền sông còn có các thôn Trung Chính, Quang Trung, Liên Tân…, ước gần 1.000 gia đình. Mùa mưa đã tới, tính mạng của hàng ngàn người có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào.
Về nguyên nhân khiến khu vực thôn Tây Sơn trở thành “tâm điểm” sạt trượt, lún, ông Trưởng thôn Lưu Văn Chiến giải thích: “Nền đất trên khu vực bị sạt lở chủ yếu là đất bồi pha cát nên khá yếu, thiếu chắc chắn. Cũng không loại trừ sụt lún mạnh là do việc hút cát tràn lan từ con sông của một số hộ dân cách đây ít năm. Ngoài ra, nước sông Đáy từ thượng nguồn đổ về thôn Tây Sơn bị uốn theo chiều gấp khúc, dòng chảy va đập thẳng vào toàn bộ diện tích đất bãi. Mùa mưa bão, nước dâng cao, chảy xiết càng làm tăng diện tích đất bị cuốn xuống lòng sông”.
Theo thống kê chính thức của Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, diện tích sạt lở ven bờ tả sông Đáy đang diễn tiến theo chiều hướng nghiêm trọng với chiều dài sụt lún khoảng 800m. Hệ lụy nó gây ra đã khiến tuyến đê ngăn lũ tả Đáy gần Trạm bơm Phương Trung bị nghiêng lún khoảng 50cm.
Diện tích đất khu vực xã Phương Trung, Thanh Oai ngày càng sạt lở nghiêm trọng |
Ông Trưởng thôn Chiến dẫn phóng viên ra diện tích xóm Bãi để mục sở thị cảnh hàng trăm người ở thôn Tây Sơn hàng ngày chống chọi với dòng nước dữ. Theo vị cán bộ cơ sở, trước sự tham lam của “Hà Bá”, nhiều gia đình phải vay mượn tiền khắp nơi để mua đá kè sông. Cũng có trường hợp phải “xê dịch” ngôi nhà đang xây ra cách mép sông cả chục mét đất. Thế nhưng, chừng ấy nỗ lực dường như vẫn không ngăn được sự xói lở.
Phần lớn diện tích đất bãi màu mỡ sát mé sông Đáy thuộc thôn Tây Sơn đã chìm nghỉm giữa dòng nước. Vết tích còn lại của khu đất bãi giờ ngổn ngang gốc các cây gỗ chừng 7 - 8 năm tuổi và những khóm tre trơ rễ. Để phòng tránh trường hợp người lớn, trẻ em lại gần khu vực nền đất yếu, người dân địa phương đã treo không ít biển cảnh báo “khu vực sạt lở, nguy hiểm”.
Chị Trâm, một người dân địa phương bộc bạch: “Từ khi đất phía sau nhà sụt lở, tôi cấm trẻ nhỏ lảng vảng, chơi quanh đây vì sợ chúng mải chơi đùa rơi xuống sông. Có gia đình còn cẩn thận hơn, đem trẻ nhỏ gửi nhà người quen sâu trong thôn để tránh”.
Nỗi ám ảnh của người dân khu vực ven sông càng nhân lên gấp bội khi nơi trú ngụ của họ mỗi ngày lại vằn vện thêm nhiều vết nứt. Trường hợp ông Lê Văn Thắng (55 tuổi) là một điển hình. Chỉ vào một vết nứt dài bên hông nhà mình, ông Thắng than thở: “Vết này cách đây ít hôm chỉ như sợi chỉ, thế mà nay nó nứt toang hoác. Nhà tôi mới hoàn thiện và ra ở 2 năm, giờ đã xập xệ thế này”.
Cũng theo ông Thắng, cách đây 2 năm, diện tích đất ở của hộ gia đình ông “dôi” ra phía bờ sông non 10m, kế bên ken dày tre và cây lâu năm. Thế nhưng, trước sự xâm thực của sông Đáy, đến nay lũy tre “tường đồng vách sắt” ấy chỉ còn lưa thưa vài khóm. Nhiều gốc đã trơ rễ, bật tung khỏi mặt đất. Theo tính toán của người đàn ông này, nếu nội nhật một năm, phía bờ tả sát mé sông không được kè kiên cố thì đất ở bị cuốn xuống lòng sông không dưới 3m nữa. Và để “phòng xa” trường hợp xấu ấy, ông Thắng dựng thêm một căn nhà nhỏ khác cách bờ sông hơn 6m.
Chung tình cảnh nơm nớp nỗi lo mất đất, chị Phạm Thị Tiến đã mua hàng chục xe đất, đá để… giữ đất. Ước tính mỗi chuyến xe chở vật liệu như vậy giá 50 ngàn đồng, tiền công sau mỗi lần kè đá, đổ đất như vậy tiêu tốn hàng chục triệu đồng. Thế nhưng, đất đá đổ xuống sông đến đâu lại sủi tăm đến đó. Đến nay, thứ giữ cho căn nhà cấp 4 với chằng chịt không ít vết nứt ngang dọc khỏi trôi tuột xuống lòng sông là một hàng gạch nghiêng nứt.
Nhiều nhà dân giáp sông bị lún nứt |
Theo những người dân xóm Bãi, nước sông Đáy ngày càng lên, xuống thất thường và có xu hướng dâng sớm, kèm theo dòng nước mạnh hơn. Thế nên, dù mới trải qua 3, 4 trận mưa đầu mùa nhưng nước đã kịp dâng lên, hạ xuống sát chân móng nhiều nhà trong thôn. Đất bị ngâm nước trở nên “bở” và có thể sụt lún xuống sông bất cứ khi nào.
“Chúng tôi chỉ ước mong Nhà nước sớm hỗ trợ kè đá ven sông cho chúng tôi như Kim Thư kế bên. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì đất cát, nhà cửa của chúng tôi đều xuống sông cả. Cái cảnh sống chung với “Hà Bá” như thế này khổ sở lắm…” - một người dân bày tỏ nguyện vọng.
Theo Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão (Sở NN&PTNT Hà Nội): Từ đầu năm 2014 đến nay, 3 đợt tu bổ đê kè đã được triển khai. Cụ thể, đợt 1, thực hiện kè đê Hữu Hồng, Yên Viên, Tòng Bạt… các điểm này đã cơ bản hoàn thành; đợt 2, thực hiện tu bổ nứt mặt đê Vân Canh, đê tả Đáy ở Phương Trung, Kim Thư, Yên Nghĩa… theo dự kiến tiến độ công việc sẽ xong trước ngày 20/7; đợt 3, thành phố đang chỉ đạo Sở NN&PTNT và các sở, ban, ngành liên quan rà soát, đánh giá nguyên nhân và xây dựng phương án xử lý sự cố lún sụt mặt đê tả Đuống đoạn qua xã Xuân Canh (huyện Đông Anh); sạt lở bờ sông Đáy đoạn qua thôn Đôn Thư, xã Kim Thư và thôn Tây Sơn, xã Phương Trung (huyện Thanh Oai); sạt lở bờ sông Đáy từ xã Phúc Lâm đi xã An Mỹ (huyện Mỹ Đức).