Còn tiếng Việt thì còn người Việt
Theo ông Lương Thanh Nghị, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN (Bộ Ngoại giao), ngôn ngữ là bộ phận không thể tách rời trong văn hóa của mỗi quốc gia. Vì vậy, duy trì được tiếng Việt có nghĩa là chúng ta duy trì được bản sắc văn hóa ở bên ngoài.
“Hiện nay, ở nhiều nơi, người Việt Nam thậm chí ở thế hệ thứ ba, thứ tư vẫn nói được tiếng Việt. Ở Pháp, chúng tôi được biết hiện có rất nhiều nhóm do chính cộng đồng của chúng ta thành lập, tổ chức rất nhiều các hoạt động văn hóa, nghệ thuật nhằm giới thiệu văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của chúng ta tới cộng đồng cũng như bạn bè quốc tế”, ông Nghị nói.
Cô Nguyễn Thanh Sớm, giáo viên dạy tiếng Việt tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, cũng cho hay, với phương châm “tiếng Việt còn thì người Việt còn”, từ nhiều năm nay, phong trào dạy và học tiếng Việt được cộng đồng kiều bào Việt Nam tại Thái Lan hưởng ứng sôi nổi. Các hội người Việt, hội doanh nhân đã hỗ trợ mở và duy trì nhiều cơ sở dạy tiếng Việt.
Nhiều thầy, cô giáo, cựu giáo viên Việt kiều cũng đã tích cực tình nguyện tham gia giảng dạy, khiến số điểm giảng dạy tiếng Việt ở Thái Lan mọc lên ngày càng nhiều, thu hút đông đảo học viên tham gia. Nhờ đó mà tiếng Việt tiếp tục được duy trì, là sợi dây gắn kết nội bộ cộng đồng cũng như với quê hương đất nước.
Tuy nhiên, không phải ở mọi lúc, mọi nơi, việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng người Việt đều đạt được kết quả như vậy. Tại một buổi tọa đàm về dạy và học Tiếng Việt cho NVNONN, ông Nguyễn Công Hinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đã kể “chuyện đau đầu” của một gia đình người Việt Nam ở Đức mà ông từng được chứng kiến khi đến đây công tác.
Theo ông Hinh, hai vợ chồng người Việt đó có hai người con. Đứa con lớn được sinh ra ở Việt Nam, đã theo học ở Việt Nam rồi mới sang Đức sinh sống nên nói được cả tiếng Việt và tiếng Đức. Còn đứa con thứ hai của họ chào đời một thời gian sau khi cặp đôi đã ổn định cuộc sống ở Đức.
Đứa trẻ theo học trường ở Đức, tiếp xúc với toàn người Đức nên nói tiếng Đức thành thạo, hòa nhập tốt vào cuộc sống sở tại nhưng không nói được nhiều tiếng Việt.
Đây cũng chính là lý do khiến gia đình họ phải đau đầu, bởi người mẹ dù sang Đức đã lâu nhưng không nói được tiếng Đức, tiếng Việt vẫn là phương tiện liên lạc chủ yếu. Việc này dẫn tới cảnh trong gia đình họ, mỗi khi cần giao tiếp, người mẹ nói tiếng Việt, còn con út lại nói tiếng Đức.
Bất đồng ngôn ngữ nên dù sống cùng nhà, lại là mẹ con nhưng họ nhiều khi không nói chuyện được với nhau, không thể hiểu và chia sẻ được với nhau, khiến mối quan hệ mẹ - con ngày càng xa cách.
Những câu chuyện như vậy là cá biệt nhưng vẫn hoàn toàn có thể xảy ra trong cộng đồng NVNONN khi giữa những bộn bề của cuộc sống, không phải gia đình gốc Việt nào cũng có được những điều kiện thuận lợi, cả chủ quan và khách quan để cộng đồng người Việt, nhất là các thế hệ thứ ba, thứ tư có thể duy trì được tiếng Việt.
“Những cảnh như thế khiến tôi nhận thấy việc dạy tiếng Việt cho các thế hệ sau của người Việt Nam ở nước ngoài là rất quan trọng”, ông Hinh nói. Theo ông Hinh, việc dạy tiếng Việt cho NVNONN giúp đạt được hai mục đích, vừa tạo điều kiện giữ bản sắc của người Việt Nam, vừa giúp giải quyết những bất đồng, bất cập trong cuộc sống của NVNONN.
Theo thống kê sơ bộ, hiện nay ở Mỹ có khoảng 200 trung tâm/cơ sở dạy tiếng Việt, ở Thái Lan có 39 lớp, Campuchia có 33 điểm trường/lớp dạy còn ở Lào có 13 trường/trung tâm dạy tiếng Việt. Tại các nước Pháp, Đức, Séc, Nga cũng có hàng chục trung tâm dạy tiếng Việt. Song, các cơ sở dạy tiếng Việt ở nước ngoài thường chỉ quy mô nhỏ, mang tính tự phát, không có tài trợ thường xuyên, cơ sở vật chất thiếu thốn, số lượng học không nhiều.
Bên cạnh đó, môi trường dạy và học tiếng Việt ở nhiều nơi lại chưa thuận lợi. Ở trong gia đình, cha mẹ do bận mưu sinh hoặc nhận thức về việc giữ tiếng Việt còn hạn chế nên chưa quan tâm đúng mức đến việc duy trì sử dụng tiếng Việt.
Còn ở ngoài xã hội, theo cô Đồng Thị Dung, người đã tham gia giảng dạy tiếng Việt nhiều năm tại nhiều trường học, trung tâm ở Đài Loan, số lượng học sinh tham gia các lớp tiếng Việt không nhiều vì đây chỉ là môn ngoại ngữ không bắt buộc, không thi lấy điểm nên không tạo động lực để nhiều người đăng ký tham gia. Điều đó khiến cho việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN ở nhiều nơi còn chưa được như mong muốn.
Tiếp thêm động lực “nuôi chữ” ở nước ngoài
Nhận thấy rõ những vấn đề này, thời gian qua, Ủy ban nhà nước về NVNONN đã đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng. “Đây là một vấn đề rất lớn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Chính vì vậy, chỉ trong vòng vài năm qua, chúng ta đã có ba đề án cấp nhà nước liên quan đến việc dạy và học tiếng Việt của cộng đồng ta ở nước ngoài, đó là Đề án dạy và học tiếng Việt, Đề án nâng cao hiệu quả công tác dạy và học tiếng Việt và Đề án dạy tiếng Việt Online nhằm đáp ứng yêu cầu của tình hình mới”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN Lương Thanh Nghị nói.
Triển khai các đề án nói trên, trong những năm vừa qua, Ủy ban nhà nước về NVNONN đã cấp cho cộng đồng khoảng 70.000 bộ sách giáo khoa về tiếng Việt, bao gồm hai tập “Quê Việt” dành cho người lớn và “Tiếng Việt vui” dành cho trẻ em. Các bộ sách giáo khoa này đang phát huy hiệu quả.
Tuy nhiên, ông Nghị cho hay, việc dạy và học các bộ sách này cũng vẫn bộc lộ một số bất cập vì phụ thuộc vào đặc điểm kinh tế, văn hóa, xã hội từng địa bàn. Do vậy, Ủy ban đang phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động cuộc thi viết sách giáo khoa tiếng Việt trong cộng đồng. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, Ủy ban hi vọng thời gian tới sẽ có được những bộ sách giáo khoa phù hợp hơn với từng địa bàn.
Cùng với đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang triển khai Đề án dạy tiếng Việt trực tuyến cho cộng đồng NVNONN. Việc các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước mở các chương trình dạy và học tiếng Việt online cũng đem đến tác dụng tốt trong việc thúc đẩy duy trì tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN.
Song song với việc soạn thảo các bộ sách, liên tiếp trong sáu năm gần đây, hàng năm, Ủy ban đều tổ chức các cuộc tập huấn cho giáo viên dạy tiếng Việt là kiều bào ta ở nước ngoài. Năm 2017, khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên Việt Nam ở nước ngoài đã thu hút số lượng kỷ lục là 73 giáo viên, đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Theo Ủy ban, trong hành trang trở về sau những khóa học học như vậy, bên cạnh những kiến thức đã truyền thụ, những bộ sách giáo khoa được tặng, các thầy cô là giáo viên giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài còn mang trong mình những kỷ niệm đẹp về quê hương, đất nước, con người Việt Nam, những kinh nghiệm giảng dạy từ các đồng nghiệp đến từ các nước khác... tiếp thêm động lực để họ vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp “nuôi chữ” cho các thế hệ trẻ NVNONN.
Đến năm 2018, Ủy ban đã trực tiếp cử các chuyên gia về giảng dạy tiếng Việt của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn sang Đài Loan để tổ chức lớp tập huấn tại chỗ cho các giáo viên người Việt đang dạy tiếng Việt ở đây. Trong năm 2019 này và các năm tiếp theo, Ủy ban cho biết sẽ tiếp tục thực hiện việc tập huấn cho các giáo viên người Việt đang dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Có điều, các chuyên gia về giảng dạy ngôn ngữ cho rằng, gia đình và cộng đồng là những yếu tố quyết định đến hiệu quả hoạt động dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài. Ông Nguyễn Thiện Nam, Trưởng khoa Việt Nam học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn cho rằng, gia đình, đặc biệt là người mẹ, giữ vai trò rất quan trọng trong gìn giữ, phát triển ngôn ngữ.
Vì vậy, cần nhanh chóng xây dựng tài liệu hướng dẫn phụ huynh dạy tiếng Việt tại nhà cho trẻ để việc giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng NVNONN phát huy được hiệu quả cao hơn nữa.