Việc phong tặng danh hiệu nghệ nhân dân gian tốn nhiều giấy mực và thời gian đang đi tiếp được một chặng mới. Đó là 736 hồ sơ nghệ nhân đã đi qua vòng địa phương và được gửi lên hội đồng xét chọn cấp bộ. Được biết, từ cấp bộ, hồ sơ sẽ được gửi lên hội đồng cấp nhà nước để tiến tới trình Chủ tịch nước ra quyết định tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Nhưng nay, khi hành trình xét chọn, phong tặng đã thêm một bước, và cả trước kia khi hành trình này ở tư thế… chờ đợi quá nhiều năm, thì một vấn đề lớn không kém vẫn luôn đặt ra. Đó là hỗ trợ, tạo điều kiện cho công việc, hoạt động trình diễn, truyền nghề của các nghệ nhân cũng như khai thác, tư liệu hóa các giá trị mà họ đang lưu giữ.
Liệu công việc này, vốn đã chưa được coi trọng ở nhiều nơi, trong thời gian tới có tiếp tục ở tình trạng… ủ ê, cầm chừng hay bị quên lãng? Một ví dụ khá tiêu biểu cách đây chưa lâu, đó là cuộc phục hồi của nghi thức hát cửa đình trong ca trù.
Đã có rất nhiều nỗ lực trong việc khởi xướng và kết nối của nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền, trong việc dạy của nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ và việc học của các thành viên Câu lạc bộ (CLB) ca trù Hải Phòng. Quá trình tổ chức truyền dạy được thực hiện tại nhà cụ Đẹ ở Hải Dương với các học trò đều đặn đến từ Hải Phòng, sau đó trình diễn báo cáo ở đình Hàng Kênh, Hải Phòng được rất đông báo chí tôn vinh.
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền cũng không khỏi buồn lòng khi công trình nghệ thuật này được hoàn thành hoàn toàn bằng công sức tự thân của thầy và trò. Kinh phí bồi dưỡng thầy và tổ chức biểu diễn cũng do CLB… tự lo.
Cho đến nay, sau khi nghi thức này được phục hồi đã vài tháng, vẫn chưa thấy có tín hiệu nào tích cực từ phía các cơ quan quản lý văn hóa như một hành động muộn màng nhưng không thừa, là khai thác lại tư liệu của cụ Đẹ, của CLB Ca trù Hải Phòng và trân trọng họ bằng khoản thù lao, bồi dưỡng thỏa đáng.
Cũng với bộ môn ca trù, nhiều năm qua, NSƯT Phó Thị Kim Đức, bằng thực tế khổ luyện ca trù hồi còn thiếu niên và việc đào tạo một cách khắt khe các học trò tài năng của mình, đã đúc kết, biên soạn giáo trình với phương pháp và tư liệu quý giá cho việc dạy và học ca trù.
Nhưng đã mấy năm qua, cũng không có động thái nào của ngành văn hóa, ngành đào tạo nghệ thuật trong việc đề xuất khai thác, in ấn giáo trình này làm tài liệu phục vụ nghiên cứu, đào tạo, thực hành trong bộ môn ca trù, cũng như đồng thời với đó là chế độ nhuận bút đặc biệt, là việc tổ chức đăng ký và tôn trọng tác quyền của người viết giáo trình đó.
Nhìn rộng ra, có thể thấy, qua nhiều năm, không chỉ chậm được vinh danh, đãi ngộ xứng đáng, nhiều nghệ nhân dân gian còn khó lòng được hỗ trợ vật chất, tinh thần, được tạo điều kiện để làm việc, trình diễn, truyền nghề.
Các nghệ nhân cần được hỗ trợ để có phương tiện hành nghề, truyền nghề. Trong ảnh là nghệ nhân phường rối nước Bình Phú, Thạch Thất, Hà Nội đang tạo tác quân rối |
Và dễ thấy, trong nhiều văn bản của ngành văn hóa liên quan đến việc xét, phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân cũng chưa chú trọng đến công việc này.
Rõ ràng, có thể nhìn trước, nếu việc phong tặng danh hiệu NNƯT đang được thực hiện và sau này tiến đến phong NNND chỉ dừng ở việc tặng chứng nhận cho nghệ nhân với một khoản tiền khiêm tốn, rồi sau đó là… hết, thì tính tích cực, ý nghĩa nhân văn trong việc tôn vinh, đãi ngộ nghệ nhân, cũng như hiệu quả thực đối với việc bảo tồn di sản sẽ khó lòng đảm bảo, như trong nhiều trường hợp vốn đã chưa mấy đảm bảo lâu nay.
Trong khi đó có thể thấy, việc hỗ trợ, tạo điều kiện thiết thực để lưu giữ lại vốn liếng, kinh nghiệm, tác phẩm, giá trị của nghệ nhân còn quan trọng hơn việc phong tặng danh hiệu cho họ.
Ngay từ bây giờ, khi việc các bộ hồ sơ nghệ nhân đã từ địa phương chuyển lên vòng trên đang được… “xôn xao”, thì các nhà quản lý, chuyên gia, hãy nghĩ đến và bắt tay vào việc xây dựng cơ chế, quy trình cho việc khai thác nghệ nhân, hỗ trợ họ trong việc trình diễn, truyền nghề tại địa phương.
Cơ chế, quy trình này cũng cần nhấn mạnh vào mức độ đãi ngộ, thù lao, bồi dưỡng thỏa đáng cho nghệ nhân trong các công việc đó.
Không nên để sau khi phong tặng danh hiệu cho nghệ nhân, sự xôn xao, ồn ào lại trở nên chìm lắng, không nên chỉ khen ngợi rồi… thôi./.