Những bức tranh mang hồn dân tộc
Từng là món ăn tinh thần của người Hà Nội và cả cư dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, tranh Hàng Trống, Đồng Hồ đã để lại nhiều ấn tượng đẹp khó phai trong tiềm thức mỗi người yêu tranh. Bởi vậy, nhắc đến dòng tranh dân gian truyền thống, nhiều người nghĩ ngay đến những nét vẽ rất đỗi mộc mạc mà không kém phần phóng khoáng trên nền giấy dó bồi điệp: Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp (*)
Cũng như tranh Đông Hồ, chủ đề Tết trong tranh Hàng Trống thường là những bức họa mang hàm ý chúc no đủ, hạnh phúc, tài lộc… Chỉ nhìn vào màu sắc trong tranh cũng đủ nói lên điều đó, những mảng màu rực rỡ, tươi sáng cứ ngời ngợi níu bước chân người qua.
Nhiều người Việt Nam mỗi khi nhớ về tranh Đông Hồ, Hàng Trống thường nhớ đến những mảng thi họa mang đậm hồn cốt của dân tộc. Từ những bức tranh diễn tả cảnh sắc thuần Việt (“Bốn mùa”, “Chợ quê”, “Cá chép trông trăng”, “Đám cưới chuột”), đến những nhân vật tôn quý, linh thiêng chỉ có trong tâm thức của người dân Việt Nam như “Bà chúa Thượng Ngàn”, “Quan âm”, “Đức thánh Trần” …
Những mảng màu tươi sáng trong tranh Hàng Trống đã nói lên lời chúc no đủ, tài lộc |
Những ai đã từng chơi tranh Hàng Trống cũng không thể quên hình ảnh đẹp một cách chuẩn mực và giản dị trong loại tranh tứ bình (tả cảnh bốn mùa hoặc bốn tố nữ). Đặc biệt là bộ tranh tố nữ, mỗi bức tranh một người đẹp nhưng đều có chung một khuôn mẫu: cổ cao ba ngấn, vấn tóc đuôi gà, mặc áo dài, quần lĩnh; cô múa quạt, cô gẩy đàn, cô thổi sáo, cô đánh xênh, mỗi người một vẻ, theo những tiêu chuẩn truyền thống, đậm đà tính chất dân gian.
Không chỉ là tả cảnh, tả người, đề tài về loài vật cũng thường xuất hiện trong dòng tranh Đông Hồ, Hàng Trống. Không phải ngẫu nhiên mà trong mười hai con giáp, hình tượng con dê lại xuất hiện nhiều trong những tác phẩm hội hoạ dân gian. Theo lý giải, dê là một trong ba thứ lễ vật đặc biệt để cầu cúng, tế dâng thần thánh (Tam sinh: dê, lợn, bò). Cũng chính vì vậy, trong các vật nuôi, dê là loài vật gần gũi, ảnh hưởng lớn đến tâm linh và đời sống văn hoá nghệ thuật của người dân.
Tranh dân gian thường không kén người chơi, càng không cầu kỳ nơi treo. Tuy nhiên, tranh Đông Hồ, Hàng Trống lại rất kén người vẽ. Ngoài say nghề, người vẽ tranh còn phải có hoa tay và sự kiên nhẫn. Bởi thế mà các đường nét trong tranh phần lớn được vờn tay rất bay bướm, thanh mảnh, dù chỉ liếc qua hay đứng hàng giờ trước bức tranh, cũng không làm cho người thưởng tranh tức mắt.
Tìm lại giá trị xưa
Nhớ những Tết xưa, bên cạnh hai câu đối đỏ, nhà nào nhà nấy đều có vài bức tranh dân gian treo trong nhà cho thêm ấm cúng. Nhưng rồi, theo dòng chảy của nền văn hóa hội nhập, đã có thời gian dài, nhiều loại tranh ngoại quốc với đủ chủ đề, kích cỡ tràn ngập thị trường. Người chơi tranh bị hút mắt bởi những cảnh sơn thủy nhập ngoại khá hoành tráng.
Trong khi đó, những nghệ nhân của làng tranh cổ dù có dày công mài mực, sắc nét trong từng đường vẽ thì sản phẩm của họ cũng bị khách hàng quay lưng. Đơn giản vì nội dung tranh không còn phù hợp với nhịp sống hối hả của xã hội nữa. Những bức tranh hiện đại như nhà lầu, ô tô, chó cảnh vì thế đã soán vị trí của những “Tứ quý”, “Tứ bình”, “Cá chép vọng nguyệt”, “Bịt mắt bắt dê”… mộc mạc và dân dã.
Vật lộn với những mưu sinh mới, các nghệ nhân của hai dòng tranh cổ dù rất đau xót nhưng cũng đành ngậm ngùi bỏ nghề. Nhưng giữa bao biến cố của thời cuộc, may mắn thay vẫn còn những người con luôn đau đáu với hồn xưa, nghề cổ. Đó là nghệ nhân Lê Đình Nghiên- người duy nhất còn lại của dòng tranh Hàng Trống hiện nay.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên |
Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghề tranh ở làng Bình Vọng, Thường Tín (Hà Tây). Cha mẹ sinh được 7 anh chị em, nhưng chỉ duy nhất mình ông theo được nghề tranh gia truyền. Khi vừa 22 tuổi, ông Nghiên được Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam biên chế chính thức với công việc là phục chế tranh Hàng Trống. Đến nay, dù đã về hưu nhiều năm nhưng ngày đêm ông vẫn miệt mài với nghề cha ông truyền lại
“Ai đó nói rằng dân mình đang quay lưng với tranh Hàng trống, Đông Hồ? tôi thì không nghĩ vậy, thậm chí tình yêu mọi người dành cho tranh Hàng Trống còn đằm thắm hơn cả ngày xưa. Bằng chứng là hàng ngày tôi vẫn đều đặn nhận được đơn đặt hàng của khách. Khách mua tranh không chỉ có người lớn tuổi mà phần nhiều là nam thanh, nữ tú và còn có cả người nước ngoài. Không như trước kia, người dân chỉ chơi tranh vào dịp Tết, bây giờ nhu cầu thưởng tranh là quanh năm.”- nghệ nhân Lê Đình Nghiên tâm sự.
Tranh "Bịt mắt bắt dê- tả cảnh trò chơi dân gian vào những ngày đầu xuân hoặc lễ hội. |
Cũng đã có lúc người nghệ nhân già như ông Nghiên không khỏi buông tiếng thở dài khi chứng kiến cảnh tranh Hàng Trống, Đông Hồ bị đem sang Trung Quốc để nhái mẫu rồi nhân lên bản hàng vạn bản với đủ loạt kích cỡ khác nhau. “Nhưng đó là tranh photocopy, nhìn vào cứ thấy dài dại. Và khách thưởng tranh cũng tinh tường lắm, họ vẫn tìm về với những bức tranh vẽ tay, tuy đơn đơn sơ, mộc mạc nhưng ẩn chứa cái Tâm, cái Tình của nghệ nhân vẽ tranh và mang nặng cái hồn dân tộc”- ông Nghiên tự hào.
Chia tay người con của làng tranh cổ trong buổi chiều đông Hà Nội, hình ảnh còn đọng mãi trong tôi là một nghệ nhân già với dáng ngồi khom khom bên bàn vẽ. Bên ông lỉnh kỉnh nào là giấy dó, bút lông, nước màu và cả những bức tranh còn dang dở. Ông nở nụ cười hiền hậu khi tiễn tôi ra cửa: “Cô cứ tin rằng khi nào vẫn còn người tìm về với tranh dân gian thì khi ấy còn những nghệ nhân vẽ tranh Hàng Trống, Đông Hồ. Những giá trị đã làm nên hồn cốt dân tộc thì chẳng thể nào mất được”./.
(*): Hai câu trong bài thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm