Lão nông chân đất 1000 ngày băng rừng mở đường lên Cổng Trời

Đường lên Cổng Trời
Đường lên Cổng Trời
(PLO) - Việc đi lại lên các xã biên giới vô cùng khó khăn vì không có đường mòn. Nhận thấy điều này, lãnh đạo huyện Tây Giang đã giao việc tìm đường lên Cổng Trời cho ông Clâu Blao. Sau 3 năm ròng rã với những chuyến đi có khi kéo dài cả tuần trong rừng sâu, ông đã giúp các xã miền biên viễn không còn cảnh cô lập.
Quá khứ khốn khổ vì trèo đèo lội suối
Để đến được xã Tr’hy của huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, phải băng xe qua đèo dốc từ trung tâm huyện đến xã Lăng, sau đó là quãng đường 22km toàn đèo cao, dốc đứng. 
Con đường từ xã Lăng lên Tr’hy giờ dù được thảm nhựa nhưng đường đèo dốc quanh co và đường khá hẹp nên việc đi lại vẫn khá nguy hiểm. Nhiều lúc qua đoạn đường bẻ gấp hay khi xuống những dốc cao kéo dài hàng cây số, khách đi đường không khỏi sợ đến nín thở. 
Suốt cung đường đều một điểm chung: một bên là núi cao dựng đứng, bên kia là vực thẳm sâu hun hút như không có đáy. Điểm cao nhất trên cung đường lên Tr’hy có độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, sương mù bao phủ hầu như quanh năm. 
Người dân thường gọi 4 xã vùng biên của huyện Tây Giang là khu 7, gồm A Xan, Ch’ơm, Tr’hy, Gary. Trước đây, giao thông cách trở, từ trung tâm huyện muốn lên khu 7 chỉ có 1 cách duy nhất là đi bộ. Do đó nơi đây cũng được mệnh danh là Cổng Trời, để ám chỉ việc đi lại khó khăn đến mức nào. 
Ông Blao -người mở đường lên Cổng Trời
 Ông Blao -người mở đường lên Cổng Trời
“Ngày trước, khi chưa có đường, ai có việc gì thì đều phải trèo đèo lội suối, băng rừng mất mấy ngày trời mới đến được xã Lăng đó”, ông Blhing Mười, Phó Chủ tịch UBND xã Tr’hy cho biết.
Năm 1978 nhận thấy việc không có đường giao thông dẫn lên sẽ không thể thúc đẩy phát triển mọi mặt các xã vùng biên, lãnh đạo huyện Hiên khi ấy (năm 2003, huyện Hiên tách thành 2 huyện Đông Giang và Tây Giang) đã giao việc tìm, mở đường cho ông Clâu Blao. 
Ông là người địa phương đi lại nhiều trên cung đường này, hay đi săn bắn nên có nhiều kinh nghiệm. Ông Blao chia sẻ: “Lúc đó tôi đang làm cán bộ y tế phụ trách 4 xã vùng biên nên mỗi lần đi họp dưới huyện là vô cùng vất vả. Nhiều khi mất cả tuần lễ mới xong chuyến đi. 
Hơn nữa, việc không có đường đi lại khiến người dân mỗi khi đau ốm là không thể vận chuyển xuống y tế huyện cứu chữa, nhiều dân làng “chết oan””.
Con đường mang tên ông lão người Cơtu
Ông Blao đã thực hiện hàng trăm chuyến đi khảo sát để tìm con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất để dẫn lên Cổng Trời. Có những chuyến đi cả tuần trong rừng sâu, vừa đi vừa săn bắn kiếm cái ăn, lấy sức dò tìm đường. 
Ông băng rừng vượt suối xuống xã Lăng, tìm đến đỉnh Cơrơdăm, đỉnh núi cao nhất tại xã, rồi tìm cây to nhất, cao nhất trên đỉnh núi leo lên để quan sát và định hình con đường dẫn lên Cổng Trời. Cứ mỗi khi đi đến đâu, ông đều gọt vỏ cây và bẻ những cây nhỏ trên đường đi để làm dấu.
Ba năm trời chân đất một mình dò dẫm, không biết qua bao nhiêu suối, vượt bao dốc cao rừng sâu, cuối cùng đến đầu năm 1981, ông cũng hoàn thành việc khảo sát con đường. 
Sau khi báo cáo kết quả khảo sát, sang năm 1982, được sự nhất trí của lãnh đạo huyện, ông lại đứng ra vận động cán bộ và người dân làng Voòng (xã Tr’hy), sau lan rộng ra các xã A Xan, Ch’ơm và Gary cắt rừng mở đường. Các xã thi đua nhau trong việc mở đường chỉ bằng các vật dụng thô sơ như rìu, cuốc. Mất 3 tháng trời ròng rã, người dân các xã đã hoàn thành con đường mòn.
Con đường đã mở ra “trang sử mới” cho vùng biên viễn lâu nay bị cô lập với phần còn lại của thế giới. Bộ mặt vùng biên viễn này đã thay da đổi thịt từng ngày. Đến nay, con đường được trải nhựa từ xã Lăng lên xã Tr’hy được người dân nơi đây gọi bằng cái tên rất đỗi trìu mến: “Con đường Clâu Blao”.
Không chỉ giỏi mở đường, ông Blao còn là người bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa điêu khắc tượng của người Cơ tu. Trong căn nhà sàn của ông có rất nhiều giấy khen và tượng gỗ. Vô số tượng gỗ hình đầu trâu, hình rồng, hình tê tê... do chính tay ông làm vô cùng tinh xảo. 
Theo ông Blao, tượng điêu khắc của người Cơ tu gồm 2 loại. Một loại để ở ngoài làng, ngoài nhà; và một loại để trong nhà. Các tượng để trong nhà thường được làm rất đẹp và mang tính trang trí như tượng con tê tê, đầu trâu, con rồng... Còn các tượng để ở ngoài làng, ngoài nhà thì phải tạc cực xấu nhằm tránh ma quỷ theo về, gây ốm đau, bệnh tật và những điều xui xẻo với gia chủ. 
Trong các kỳ thi huyện, đội điêu khắc của xã do ông dẫn đầu đều đoạt giải Nhất. Ông còn có tài làm đàn Rươl, loại đàn hai dây của người Cơ tu dùng trong các dịp lễ hội. 

Đọc thêm

Trung tâm hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực: Nơi bình yên tìm về

Ngôi nhà Ánh Dương ở Thanh Hóa chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2022. (Ảnh: HLHPNVN)
(PLVN) -  Với nạn nhân bị bạo lực giới nói chung và bạo lực gia đình nói riêng, để “bình yên tìm về” là cả một hành trình dài. Nhưng qua mô hình Trung tâm dịch vụ một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái bị bạo lực - Ngôi nhà Ánh Dương, trong hành trình đó, họ không đơn độc. Với nhiều người, hạnh phúc, bình yên đã thực sự trở lại.

Ngăn chặn ma túy “núp bóng” thuốc lá điện tử

Hiện nay chỉ có một số ít cơ quan có năng lực xét nghiệm phát hiện ma túy tổng hợp được như: Viện Giám định Pháp y – Bộ Y tế, Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an. (Nguồn ảnh: Thanh Loan)
(PLVN) -  Trong những năm gần đây, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới hay còn gọi là thuốc lá mới đã xuất hiện trên toàn thế giới với hai dòng sản phẩm chính là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng. Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, khoảng từ năm 2015, các sản phẩm thuốc lá mới bắt đầu du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng thu hút giới trẻ.

Thuốc lá điện tử gây ảo giác, loạn thần

4 trường hợp là học sinh nhập viện do ngộ độc sau khi hút thuốc lá điện tử. (Ảnh: Bệnh viện Bãi Cháy)
(PLVN) - Thời gian qua, tại một số bệnh viện đã tiếp nhận một số bệnh nhân đến điều trị có liên quan đến hút thuốc lá điện tử. Điều đáng lưu ý là hầu hết, bệnh nhân đến bệnh viện do có dấu hiệu đau đầu, lo âu, mất ngủ, rối loạn hoảng sợ, có một vài trường hợp có dấu hiệu loạn thần, ảo giác. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tâm thần của người sử dụng.

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu

Sôi nổi Hội thi “Nghi thức Đội TNTP Hồ Chí Minh” tỉnh Bạc Liêu
(PLVN) - Hòa chung không khí thi đua sôi nổi của thiếu nhi cả nước, thiếu nhi Bạc Liêu đã và đang ra sức thi đua rèn luyện, học tập, thực hiện các công trình, phần việc Măng non lập thành tích chào mừng để kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15/5/1941 – 15/5/2023), làm quà nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

Đừng coi thường say nóng, say nắng

Ảnh minh họa. (Nguồn: baochinhphu.vn)
(PLVN) -  Dù miền Bắc mới bước vào đợt nắng nóng gay gắt diện rộng thứ 2 kể từ đầu mùa nhưng nhiệt độ cao nhất ở nhiều nơi mấy ngày qua đều chạm hoặc vượt ngưỡng 40 độ C. Dự báo, thời gian tới sẽ xuất hiện nắng nóng nhiều hơn và gia tăng về cường độ trên phạm vi toàn quốc.