Hai lần bị lừa bán
Sau nhiều năm lập gia đình, bà Nguyễn Thị Hồng Nhân (SN 1952, trú tại xã Kỳ Đồng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) có với chồng ba người con. Sau khi con trai đầu sinh con, ông bà ở nhà trông cháu cho con trai và con dâu đi làm, kiêm nghề nấu rượu kiếm thêm thu nhập.
Khoảng đầu năm 1997, khi bà đang ngồi trông cháu tại nhà thì một người hàng xóm quê ở xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh (lấy chồng là người cùng xóm với bà Nhân) cùng em gái đến chơi.
Ngồi trò chuyện một lúc, người này gợi ý rủ bà Nhân ra Bắc Ninh truyền nghề nấu rượu cho người dân ở ngoài đó với mức lương cao. Do có kinh nghiệm nấu rượu nhiều năm và gia đình đang gặp khó khăn, cần tiền, nên bà Nhân đồng ý. Vì không muốn để chồng con biết thêm lo lắng nên bà không bàn với chồng con.
Lẳng lặng chuẩn bị đồ đoàn, bà chỉ nghĩ là đi truyền nghề ít tháng rồi sẽ về, ra tới nơi sẽ điện về báo cho chồng và các con khỏi lo lắng.
Bà Nhân trở về sau 17 năm mất tích. |
Như đã hẹn trước chiều 28/3/1997 (âm lịch), bà Nhân chuẩn bị hành lý rồi lẻn đi theo hai chị em hàng xóm. Sau khi lên xe, mệt nên ngủ thiếp đi, khi tỉnh dậy thì đã thấy mình đến một mảnh đất lạ, hai chị em hàng xóm dẫn bà vượt sông qua bên kia biên giới, bán cho người Trung Quốc.
“Tui thấy toàn người xa lạ, biết là đã bị đưa sang Trung Quốc liền xin cô ấy cho về nhưng cô ta không chịu. Cô ta sai người đánh đập tui rồi bán cho một người đàn ông Trung Quốc nghèo không có vợ, sống ở vùng núi heo hút mà tui không biết là ở mô”, bà Nhân kể.
Những ngày đầu khi biết mình bị lừa bán làm vợ cho người Trung Quốc, bà Nhân đau đớn, khóc ròng rã suốt một tháng trời, không chịu ăn uống gì mà vẫn không làm động lòng trắc ẩn của người đàn ông làm chồng đã mua bà về.
Hai năm phải chung sống với người chồng bất đắc dĩ, bà gặp một người đàn ông người Việt Nam, được giải cứu. Lúc đầu vui mừng khôn xiết, ngỡ gặp được người trong nước là sẽ được cứu khỏi chốn này, nhưng ai ngờ được thêm một lần nữa khổ đau. Người đàn ông này nhẫn tâm bán bà cho một người đàn ông khác.
“Họ không đánh đập nhưng cuộc sống rất khổ cực. Nhiều khi nghĩ đến chết cho xong nhưng nghĩ về gia đình, nghĩ về các con, nghĩ về chồng nên tui mới nghĩ lại để sống.
Tui muốn về nhà nhưng không biết làm cách mô để về. Sống trong rừng núi, không liên lạc, không được giao du, đi mô cũng bị theo dõi nên không có cách mô liên lạc được với quê nhà…”, bà Nhân nhớ lại.
Hằng ngày bà Nhân phải cực nhọc làm ruộng, cuốc nương, đốn củi, công việc nặng nhọc như một nô lệ. Lại 15 năm trôi qua, cho đến khi bà gặp một người phụ nữ cùng quê Hà Tĩnh lấy chồng Trung Quốc. Người này đã chỉ đường cho bà trở về quê.
Trở về khi ban thờ đã lập
Một ngày đẹp trời, cả làng xóm và gia đình đều không tin được khi bà Nhân xuất hiện trước cửa nhà. Bà cũng không biết được rằng, bên trong ngôi nhà, ban thờ bà và người chồng đã được lập lên. Mười bảy năm vắng nhà, chồng bà do nhiều tuổi và cũng vì quá nhớ nhung người vợ bỗng dưng mất tích nên đã qua đời.
Người thân và gia đình động viên, hỏi thăm bà Nhân sau 17 năm bị bán sang xứ người |
Bức ảnh, bát nhang dành cho bà trên ban thờ vội vàng được mọi người đưa xuống. Bà rơi nước mắt, thắp cho chồng bà nén hương lên ban thờ và gục đầu khóc nức nở. Bà Nhân nghẹn ngào kể lại nỗi tủi hờn trong nước mắt:
“Suốt 17 năm, bị lừa bán làm vợ cho 2 người đàn ông Trung Quốc, hằng đêm giấc ngủ của tui cứ chập chờn, hôm nào cũng cứ đến 3h sáng là tự nhiên tỉnh giấc. Hình ảnh chồng, con ở quê nhà cứ hiện ra, khiến tôi nước mắt nghẹn ngào, khóc thầm một mình”.
Chị Nguyễn Thị Giang (34 tuổi, con gái út của bà Nhân) tay bế con nhỏ nghẹn ngào nói: “Đúng là một điều kỳ diệu, không ai nghĩ mẹ tui có thể sống trở về được như hôm nay. Từ lâu, tui đã nghĩ mẹ chẳng còn nữa, mẹ chết mất rồi...”
Ngày bà Nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, chị Giang mới 17 tuổi, nay mẹ về, chị đã lấy chồng, sinh con. Cũng ngày đó, đứa cháu đầu của bà còn khóc oe oe mà nay trở về đã thành thiếu nữ, sắp gả chồng.
Ôm tấm “di ảnh” của mẹ, người con trai đầu mừng mừng tủi tủi: “Sau 8 năm mẹ mất tích không có một tin tức thì bố mất, nên mấy anh em đã lập bàn thờ đưa di ảnh mẹ đặt bên ảnh bố luôn. Hôm mẹ về, 2 người em gọi điện nói về nhà nhanh, mẹ mới về, tôi còn không tin”.
May mắn trở về nhưng bà Nhân mắc chứng bệnh mất ngủ kinh niên, sức khỏe xuống, trí nhớ giảm sút, mọi thứ ở quê nhà giờ trở nên khá xa lạ. Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Đồng, ông Trần Đức Thắm cho biết, ngay khi bà Nhân trở về, chính quyền địa phương đã đến thăm hỏi, chia sẻ, đồng thời cũng nắm thông tin về sự việc.
Những kẻ buôn người vẫn nhởn nhơ đâu đó ngoài vòng pháp luật, và biết đâu đó còn nhiều người đã rơi vào cái bẫy này của bọn chúng?.