Vụ lừa tinh vi kéo dài 13 năm đằng đẵng
Một ngày cuối năm 2012, gia đình ông Trần Hữu Mười (SN 1955, ngụ thôn 13, xã Quế Phú) kéo nhau lên Công an tỉnh huyện Quế Sơn khóc lóc nhờ tìm giúp thông tin bà “thánh cô” Nguyễn Thị Kiều “ôm mấy trăm triệu của nhà tui rồi biến mất”. Ông Mười trình bày, vào năm 1990 ông bị bệnh nóng sốt, đi bốc thuốc chữa ở một số nơi nhưng không hết. Trong lúc than vãn bệnh tật, ông Mười được hàng xóm giới thiệu sang nhà bà Kiều vốn lâu nay tự xưng có thần thánh nhập vào để “giúp đời”. Sau khi được bà Kiều cho uống thuốc, bệnh tình ông Mười tình cờ đỡ hẳn.
Để tạ ơn, ông Mười xin đến làm công quả (giúp việc lau chùi và quét dọn) tại nhà bà Kiều. Dù biết Kiều nhỏ tuổi hơn mình nhưng ông Mười vẫn vâng, dạ, xưng con, gọi cô rất trịnh trọng. Sau đó một thời gian, ông Mười phải rời quê vào TP. HCM lái xe thuê kiếm tiền. Ở đây Mười phát bệnh cũ trở lại, nên đành quay về nhờ Kiều tiếp tục chữa. Cũng như lần trước, Kiều chữa khỏi bệnh, khiến ông Mười từ bỏ luôn ý định đi làm ăn xa, chỉ ở nhà làm đồng áng, thời gian còn lại sang giúp việc nhà cho Kiều.
Một ngày giữa năm 1999, Kiều bất ngờ sang nhà ông Mười nói “nhà chú có lộc, chú về nhà chuẩn bị để ta lên làm phép lấy lộc”. Đêm đó Kiều cùng chồng (đã chết vào năm 2008) đến nhà ông Mười làm lễ, rồi tiến ra sau vườn, đào lấy 1 tượng Quan Âm bồ tát màu vàng trong tư thế ngồi; 1 bức tượng ông già câu cá bằng đồng; 2 tượng con ngựa cũng màu vàng giao cho vợ chồng chủ nhà xem. Những thứ này, vợ chồng chủ nhà đều tin bằng vàng thật mà “lộc trời” đã ban cho mình.
Theo lời “thánh cô”, chủ nhà rửa sạch, gói lại cất kỹ, đồng thời đưa cho Kiều 20 triệu đồng để hôm sau… rửa lộc. Thế nhưng để hưởng được “lộc”, phải “đủ phước” nên Kiều yêu cầu chủ nhà mang những đồ vật trên đưa sang nhà mình để nhờ thần thánh “bán” giúp. Mỗi năm, đều đặn, chủ nhà đưa thêm 30 triệu đồng “chi phí bán vàng”. Ngoài ra, “thánh cô” còn yêu cầu ông Mười phải “cúng bổn mạng” cho 4 người trong gia đình mất 120 triệu đồng (30 triệu đồng/1 người), vì “nếu không làm sẽ bị mất mạng và cũng không được hưởng gì”.
Trong thời gian chờ hưởng lộc, Kiều đưa lại cho gia đình ông Mười một số gói bột, giấy A4 viết chữ ngoằn ngoèo gọi là “bùa dùng trấn âm và hưởng lộc”. Ròng rã mấy năm liền, nhiều lần Kiều còn lên đồng, biến thành “thánh thần” bắt ông Mười phải đi đến các chùa Pháp Hoa (TP. HCM), chùa Linh Mụ (TP. Huế), chùa Linh Phước (TP. Đà Lạt), chùa Ông (TP. Hội An) để làm công việc “công quả” với mình. Những chuyến đi này, chi phí đều do ông Mười lo hết. Mãi cho đến cuối năm 2012, Kiều đột ngột đi khỏi địa phương. Đến lúc này, ông Mười mới biết mình bị lừa hết 350 triệu đồng, số tiền trên do ông tích góp và vay mượn của con cái, ngân hàng…
Nhà nào cũng có tượng phật bằng vàng
|
Đối tượng Kiều đã lừa 6 tỉ của những bệnh nhân nhẹ dạ |
Chưa kịp thụ lý điều tra vụ án này, Công an huyện Quế Sơn tiếp tục được 1 loạt gia đình người địa phương cũng là nạn nhân của Kiều tìm đến tố cáo. Cầm lá đơn trên tay, anh Phan Văn Khương (SN 1969, ngụ thôn 3, xã Quế Cường) rối bời, khi nghĩ đến số tiền 350 triệu đồng của mình trao cho Kiều bao giờ mới lấy được.
Vào cuối năm 1999, anh Khương bị đỏ mắt. Nhưng thay vì đến bệnh viện, anh lại nhờ bà Kiều chữa trị. Xem qua một lúc, Kiều hẹn qua mai quay lại và đưa cho anh Khương gói thuốc bột rồi nói: “Thuốc này tôi đã làm phép, chú đem về xông ba hôm sẽ hết, tôi không lấy tiền”. Đúng như lời bà Kiều, anh Khương hết bệnh thật. Tin lời Kiều, cứ đều đặn vào các ngày mùng một, ngày rằm, anh Khương thường mua trái cây sang cúng tạ “thánh cô”.
Mọi việc bình thường trôi qua cho đến năm 2002 khi Kiều bỗng nói với anh Khương: “Nhà chú có lộc, chuẩn bị tiền để lấy lộc, trước tiên chú chuẩn bị 5 triệu đồng cho ta”. Nạn nhân tin thật, sắm lễ, thắp hương quanh khu vườn nhà, còn đào sẵn một cái hố theo chỉ dẫn của Kiều. Khi Kiều đến, chủ nhà vào nhà mang nước để dội vào hố đất và không tin vào mắt mình khi thấy một tượng phật trong tư thế ngồi màu vàng, nằm lẫn trong đất hiện ra. Trong lúc chủ nhà đang há hốc miệng ngạc nhiên, Kiều ra vẻ vội vàng căn dặn: “Chú lấy giấy đỏ bọc kín tượng phật lại, ngày mai xuống nhà tôi lấy thuốc về rửa lộc”.
Nhưng lộc đâu không thấy, cứ cách 2 tháng một lần, người này phải giao cho Kiều 20 triệu đồng để mua “thuốc rửa”. Anh Khương còn phải đưa tiền “cúng bổn mạng” cho những thành viên trong gia đình “để khỏi thiệt mạng” với giá 20 triệu/1 người. Hơn 8 năm ròng rã anh phải bán hết sạch tài sản quý giá trong nhà, vay mượn các nơi nên không có tiền để giao cho Kiều nữa. “Mủi lòng”, từ năm 2011 trở đi, Kiều “bỏ tiền túi” sắm lễ giúp cho anh để “có đủ phước mà nhận lộc” Đến cuối năm 2012, lúc nghe tin Kiều bỏ trốn, nạn nhân mới biết mình bị lừa…
Tương tự, ông Nguyễn Đức Lợi (SN 1969, ngụ thôn An Lộc, xã Quế Minh), bà Lê Thị Thanh (SN 1970, ngụ xã Quế Lâm, Quế Sơn) và 4 người khác ở trong huyện cũng trở thành nạn nhân của Kiều với số tiền bị lừa mỗi người 400 triệu đồng. Đối với ông Đức, bà Thanh, do cùng bị dị vật bay vào mắt gây đỏ, nhưng mê tín mù quáng đã trở thành “bệnh nhân” của bà Kiều. Được chữa trị khỏi, nên cả 2 thường đến nhà Kiều cúng tạ.
Cũng giống như các nạn nhân trước, ông Lợi, bà Thanh đều được “thánh cô” “phán”: Nhà có lộc. Cứ 1 bức tượng vàng được Kiều đào lên ở khu vườn nhà ông Lợi hay bà Thanh, đổi lại cả hai mỗi năm phải đưa cho Kiều 40 triệu đồng, chưa kể các chi phí lễ cúng, đi chùa chiền. Theo 2 nạn nhân này, nếu Kiều không bỏ trốn vào cuối năm 2012, thì họ cũng vẫn tin tưởng mà tiếp tục nộp tiền đều đều ít năm nữa.
Đổi tiền tỉ lấy... “lá bùa” bậy bạ
Tiếp nhận vụ án này, các điều tra công an huyện cũng có những lúc thấy trách chính quyền cơ sở đã không sát sao quản lý, để đến khi vụ việc bị phát giác thì nhiều nạn nhân đã dính bẫy. Ở địa phương, Kiều tung tin “chữa bệnh giỏi”, “giúp nhiều người tìm được “vàng”” nên “nổi tiếng” khắp nơi.
Có trường hợp ở xa như năm 2003 anh Phan Văn Vinh (SN 1968, trú thôn 5, thị trấn Plêi Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) lặn lội đến gặp Kiều để nhờ coi giúp vì sao vợ mình (tên Lê Thị Huệ, SN 1970) hay bị đau ốm. Nhìn qua Vinh, Kiều “phán”: “Chắc nhà mình có lộc nên bị ảnh hưởng đau ốm”. Vốn đã tin Kiều có “ơn trên nhập vào” qua lời đồn thổi, nên Vinh lập tức nghe theo. Từ năm 2003 đến năm 2012, Vinh nhiều lần đưa Kiều hơn 200 triệu đồng, đổi lại, người đàn ông này nhận những tờ giấy A4 có ghi những ký tự màu đỏ không rõ nội dung, mang về chôn dưới đất.
Nạn nhân bị lừa nhiều tiền nhất là bà Phan Thị Mười (ngụ thôn 3, xã Quế Cường, huyện Quế Sơn), thấy nhiều người bỗng dưng được Kiều “phán” có “lộc” nên cũng nhờ Kiều xem giúp gia đình mình. Hơn nữa, bà Mười cũng thấy vợ chồng mình hay đau ốm, con cháu chẳng ai đỗ đạt dù rất chí thú học hành. Mới nghe qua, Kiều phán ngay “nhà bà có “lộc” nhưng vì không biết mà hưởng nên thần thánh bắt đau ốm để…báo tin”.
Cũng như với các bị hại khác, Kiều nói bà Mười nếu không đưa tiền cúng bổn mạng, nhà bà sẽ có thêm người đau ốm nặng, rồi bệnh tật đến chết. Bà Mười không thể không tin, bởi mỗi lần lên nhà Kiều, đều thấy Kiều “ứng đồng” nói y như giọng mẹ của mình, rồi cả người cháu vô danh đã chết của bà nữa… Sợ quá, bà Mười lôi hết của tích cóp, chạy vạy vay khắp nơi, bán heo gà, thậm chí có mảnh vườn canh tác, bà cũng lén bán nốt, để có số tiền “khủng” 2,5 tỉ đồng giao cho Kiều. Lúc đó, nạn nhân vẫn tin tưởng, “khi “lộc” đã vào, mình nhận lại mấy hồi”.
Đổi lại trong 4 năm giao hàng tỉ đồng, Kiều đưa cho bà Mười một thẻ quy y ở chùa và nhiều tờ giấy “bùa” ghi những ký tự không rõ nội dung, để cúng “bổn mạng” cho các thành viên trong gia đình mà không hề hay biết mình đã bị lừa “đậm”.
Không dừng lại ở đó, khi thấy nạn nhân tin tưởng mình, tháng 5/2010, Kiều còn nhờ bà Mười giới thiệu người để “vay vốn làm ăn”. Vì muốn “thánh cô” được mát lòng, bà Mười dẫn ngay đến đến gặp Nguyễn Thị Lan (SN 1974, trú Lãnh Thượng II, thị trấn Đông Phú) để vay tiền với lãi suất 9%- 15%/ tháng. Ban đầu, Kiều vay 430 triệu, trả lãi đầy đủ, nhằm tạo lòng tin cho lần vay sau nhiều hơn.
Lúc này, Kiều đã biết được thông tin Lan từng bị sảy thai trước đó nên khi đã vay tiếp số tiền tổng gần 2 tỉ đồng, liền sinh ý định lừa Lan. Mỗi lần gọi Lan đến nhà, Kiều đều lên đồng rồi “phán”:” Nhà em người âm ám, phải đưa tiền để cúng “bổn mạng” cho 4 người”. Lan nhiều lần đưa cho Kiều gần nửa tỉ đồng để “lễ cúng”, cộng với tiền Kiều vay vẫn chưa trả gần 2,5 tỉ đồng, cho đến lúc bỏ trốn.
Gian nan truy bắt bà đồng nát tự phong “bà đồng”
Sau khi tiếp nhận trình báo từ các nạn nhân, thấy vụ việc vượt quá thẩm quyền, Công an huyện Quế Sơn đã báo cáo vụ việc cho Phòng PC 45, Công an tỉnh Quảng Nam thụ lý vào đầu năm 2013. Phải mất hơn 4 tháng lần theo các manh mối từ con cái, người thân, trinh sát mới mời được “thánh cô” này về trụ sở công an làm việc. Nhưng dù đứng trước cơ quan công quyền, song Kiều vẫn với giọng điệu kẻ cả của một bậc “thánh nhân”, người “bề trên” được nhận “lệnh trời” để xuống “cứu dân độ thế”; bà xưng “ta”, gọi “các con”...
Nhiều lúc, Kiều còn giở trò rùng mình, ngáp lấy ngáp để rồi dọa biến thành… người khác; nói giọng the thé, mắt lờ đờ, hù dọa xung quanh: “Nếu xúc phạm đến ta, các người sẽ bị quở trách, quả báo”. Sau hơn 1 ngày diễn trò, mệt lửa lả, Kiều mới chịu ngồi yên.
Để Kiều “tâm phục khẩu phục”, các điều tra viên cho đối tượng gặp chủ tiệm thuốc bắc Dũng Vàng (gần cầu Bà Rén, huyện Quế Sơn) để đối chứng. Theo đó, với căn bệnh của ông Mười, sau khi tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân, Kiều đi đến tiệm thuốc bắc để mua thuốc. Chính nơi đây đã cho đơn gồm thuốc viên với lá cây Ngủ Ngày, cây Ngò vua, cây Chó đẻ… Kiều cứ thế đem về đưa cho nạn nhân Mười uống.
Còn để điều trị bệnh đỏ mắt cho Khương, ông Đức, bà Thành và các nạn nhân khác, Kiều cũng đến tiệm thuốc bắc Dũng Vàng mua. Tùy bệnh tình cụ thể từng người qua lời Kiều nói lại, chủ tiệm thuốc nơi đây sẽ kê khai rồi chữa trị. Do giá thuốc rẻ, hơn nữa, với mục đích tạo lòng tin, tự nhận bản thân mình tài giỏi, nên Kiều đưa thuốc cho các nạn nhân không lấy tiền, còn bịa chuyện đây là “thuốc thánh” do mình làm ra.
Đến lúc này, biết không thể chối tội, Kiều mới cúi đầu khai nhận, đồng thời thuật lại rành rẽ những “thủ thuật” lừa đảo. Đối với những gia đình đào được “lộc”, trong lúc yêu cầu chủ nhà đi lấy nước, Kiều chỉ việc lôi những tượng phật giả đã mua, lận sẵn trong người, lén bỏ vào hố. Khi dội nước xuống, tượng sẽ dính lẫn với đất, nhìn sẽ thấy giống y như một vật chôn từ lâu đào lên thật. Cứ thế, người này rỉ tai người kia đẩy “uy tín” Kiều lên cao và tự tìm đến để ả có cơ hội thực hiện hành vi lừa đảo.
Bản thân Kiều chưa được đến trường ngày nào, chữ nghĩa cũng không biết chứ nói gì đến nghề y. Từ khi sinh ra, do nghèo khó, không trình độ, nên người đàn bà này chỉ lầm lũi ở quê. Đến lúc lấy chồng, vợ chồng cùng cày cấy trên mấy rào ruộng nuôi 4 con. Để các con có tiền đến trường, những lúc nông nhàn, Kiều còn đi tìm mua ve chai. Chán cuộc sống nghèo khó, nhưng không muốn khá giả hơn bằng mồ hôi nước mắt, Kiều giở trò.
Trong một lần quảy gánh đi quanh xóm, bà Kiều cố tình nói sằng nói bậy như thể bị ma nhập. Từ đó, người dân thấy Kiều lập miếu thờ trong nhà, tự cho rằng được thần thánh nhập vào, để cứu người. Số tiền chiếm đoạt được, Kiều chủ yếu sử dụng vào việc chi tiêu hàng ngày của gia đình, mua sắm lễ vật để cúng, cho tiền con mua xe máy và lo chữa bệnh cho chồng trong 4 năm liền hết sạch.
Cuối tháng 11/2013, TAND tỉnh Quảng Nam đã mở phiên xét xử lưu động vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đối với Nguyễn Thị Kiều. Kết thúc phiên tòa, Kiều bị tuyên 18 năm tù giam, đồng thời có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền đã chiếm đoạt của gần 10 nạn nhân với số tiền hơn 6 tỉ đồng.