Lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm
Chung nhận xét với nhiều ĐBQH khác, ĐB Bùi Thị An (Hà Nội) cho rằng nạn tham nhũng ngày càng tinh vi hơn. Bà nhận định để nạn tham nhũng hoành hành, cái mất mát lớn nhất không phải là thâm hụt ngân sách, mà cái mất mát lớn nhất là mất lòng tin ở dân. “Vì sao mà cả xã hội quyết tâm tha thiết mong muốn giảm mà nó không giảm?” bà đặt câu hỏi.
Biện pháp ĐBQH của Hà Nội đưa ra để chống tham nhũng là “cần rà soát kỹ trong việc làm luật để không có kẽ hở cho bọn tham nhũng có cơ hội đục khoét.” Đồng thời, cần tăng cường cơ chế giám sát quyền lực, giám sát ngành dọc, giám sát chéo, đặc biệt là hậu giám sát.
Trong công tác giám sát, ĐB An nhấn mạnh vai trò giám sát của cơ quan báo chí, giám sát của người dân. Theo bà, cần có cơ chế thu nhận thông tin, xử lý thông tin, cơ chế bảo vệ người cung cấp thông tin. Có như vậy, mới đảm bảo được hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng.
Cũng theo ĐB An, cần phải thành lập cơ quan phòng chống tham nhũng độc lập với Chính phủ. Nên trao cho họ “thượng phương bảo kiếm” để chống tham nhũng. Tất nhiên cần phải làm công tác thanh lọc nhân sự thật kỹ càng với cơ quan này.
Ý kiến này của ĐB An cũng là ý kiến của nhiều ĐB khác phát biểu trong hội người ngày hôm nay. ĐB Lê Như Tiến (Quảng Trị) nhận định về công tác phòng chống tham nhũng một cách rất hình ảnh:
"Chúng ta đã bầy binh bố trận rầm rộ, chiến lược, chiến thuật bài bản, dàn quân toàn tuyến, khí thế hừng hực, quân lực và hỏa lực hùng hậu xong giặc nội xâm tham nhũng chưa bị xát thương là bao nhiêu. Quyết tâm chính trị đã có chứng tỏ hiệu quả phòng, chống tham nhũng đang nằm ở khâu triển khai thực hiện. Cử tri cho rằng nợ xấu về tài chính tiền tệ cũng đáng lo ngại, song lo ngại nhất là nợ xấu lòng tin và tồn đọng trách nhiệm trong phòng, chống tham nhũng.”
Từ nhận định đó, ông đề nghị các cơ quan phòng, chống tham nhũng nên tập trung vào “chiến dịch bắt hổ”. Với những siêu vụ án làm thất thoát của nhà nước hàng trăm nghìn tỷ đồng, hơn là dàn những trận lớn chỉ để bắt mèo nhỏ chuột con. Có như thế mới nhanh chóng giải tỏa được tâm lý trong dân. Mèo ăn miếng thịt chẳng tha, hổ vồ con lợn đứng mà thở than.
"Có một nghịch lý là các cơ quan phòng, chống tham nhũng của chúng ta tầng tầng, lớp lớp từ trung ương đến địa phương, song phần lớn các vụ án tham nhũng lại do người dân và các phương tiện thông tin đại chúng phát hiện. Nhưng gần đây có một hiện tượng đáng buồn là người dân đã thờ ơ không mấy mặn mà, thiếu lửa, giảm nhiệt trong phòng, chống tham nhũng." - ĐB Tiến nói.
Cũng nhận định rằng bộ máy chống tham nhũng của chúng ta rất đồ sộ, ĐB Huỳnh Nghĩa (TP Đà Nẵng)chung quan điểm bộ má này vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chưa đáp ứng lòng mong đợi của cử tri. "Liệu trong lực lượng chống tham nhũng có tiêu cực, bao che cho tham nhũng không. “Đây là câu hỏi rất lớn mà cử tri đề nghị sớm được trả lời." ông nói.
Về ý kiến thành lập một cơ quan về phòng chống tham nhũng, ĐB TP Đà Nẵng đòi hỏi "lực lượng này phải được tinh nhuệ, đầy đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghiệp vụ, có chế độ đãi ngộ xứng đáng, như vậy mới đủ sức điều tra nhanh các vụ án tham nhũng lớn, không cho bị can, bị cáo có thời gian chạy án, tránh gây hoài nghi, làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào chế độ.”
Cần tạo dựng niềm tin cho giới trẻ
Cũng đại diện cho tiếng nói của người dân Hà Nội, ĐB Nguyễn Đình Quyền nhìn nạn tham nhũng nói riêng, và bức tranh tội phạm nói chung ở một góc độ khác. Theo ông, có một loại vi phạm mà trong báo cáo của các cơ quan Tư pháp, của ngành Công an chưa nhắc đến, đó là tình hình vi phạm hành chính của cán bộ công chức, viên chức.
“Họ vi phạm như thế nào nhân dân không được biết, QH không được biết. Cần báo cáo việc xử lý hành chính cán bộ công chức, viên chức.” ĐB Quyền khẩn thiết nói trong nghị trường.
Phải chăng theo ẩn ý của đại diện cử tri Hà Nội, nếu những sai phạm nhỏ được công khai, sẽ phát huy hiệu quả để ngăn ngừa những sai phạm lớn. Và đó chính là gốc rễ của việc đẩy lùi tham nhũng.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cũng đề nghị Chính phủ phải rà soát lại hiệu quả của các chương trình phòng chống tội phạm. Chúng ta có rất nhiều chương trình, nhưng hình như chỉ phát động, chứ không đánh giá hiệu quả. “Trách nhiệm phòng ngừa tội phạm là của nhiều ngành, nhiều cấp, chứ không thể đổ hết cho lực lượng công an” – ông nói.
Nhân câu chuyện về việc đi giám sát các nhà tù, ĐB Quyền cho biết, tỷ lệ tội phạm trẻ rất nhiều. Theo ông, nguyên nhân không phải là bởi mặt trái của nền kinh tế thị trường như nhiều đại biểu đã nhận định. Mà nguyên nhân là ở sự khủng hoảng niềm tin của thế hệ trẻ.
“Qua đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta thấy thế hệ trẻ khát khao niềm tin, khát khao sự tôn thờ thần tượng như thế nào. Công tác phòng chống tham nhũng, phòng chống tội phạm phải dựa vào đặc điểm này để làm. Phải có những con người chuẩn mực, phải có những tấm gương để thế hệ trẻ noi theo.”
“Trong những năm qua, tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng. Chúng ta cực lực phản đối. Tuy nhiên, hỡi những người thi hành công vụ, hãy nhìn lại mình đi! Nếu thi hành đúng, nếu thi hành mẫu mực, để người dân tin, người dân tuân thủ thì có xảy ra tình trạng đó không?” – ông nói.
Chung quan điểm với ĐB Quyền, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) đề nghị cần phải tạo niềm tin cho lớp trẻ trong công cuộc chống tham nhũng. Muốn tạo niềm tin, muốn chống tham nhũng có hiệu quả phải chọn được những con người tâm huyết, có trách nhiệm.
“Nhân dân VN là DN của một dân tộc có truyền thống dựng nước và giữ nước. Nếu biết dùng đúng người, chúng ta sẽ chống được tham nhũng”. ĐB tỉnh Ninh Thuận lạc quan nói.
Đb Nguyễn Thái Học - Phú Yên – cũng cho rằng số cán bộ công chức sai phạm bị phát hiện và xử lý chưa nhiều. Việc tự phát hiện cán bộ sai phạm của lãnh đạo, cơ quan, đơn vị không nhiều mà chủ yếu là qua phát hiện của báo chí, qua đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân, qua công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
"Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém. Nhiệm vụ bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ cán cân công lý chỉ được giữ nghiêm khi có được đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh. Điều này tùy thuộc rất lớn vào sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan tư pháp." - ĐB tỉnh Phú Yên hiến kế trong việc xây dựng sức mạnh từ người dân.