Quy định chung chung, dễ tùy tiện
Báo cáo tiếp thu, giải trình Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) do Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu trình bày cho biết: Có ý kiến tán thành thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội nhưng phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị không quy định Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội.
Theo UBTVQH, để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất các cấp đã dự kiến quỹ đất sử dụng cho mục đích phục vụ lợi ích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội quy mô lớn, quan trọng của đất nước.
Đồng tình với quy định chỉ thu hồi đất cho dự án phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng nhưng theo Đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội) thì Dự luật còn quy định chung chung với các dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, sẽ dẫn đến tùy tiện trong cơ chế áp dụng.
Thực tế ở Hà Nội có khá nhiều dự án bị ách tắc do cơ chế đền bù giải phóng mặt bằng và theo đó là đơn thư, là khiếu kiện vô cùng phức tạp. Đã có dự án nhà thầu đòi phạt chủ đầu tư đến hàng trăm tỷ đồng do chậm bàn giao mặt bằng thi công. Do đó, ĐB đề nghị quy định thành một điều riêng về các trường hợp Nhà nước thu hồi đất cho dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Với dự án mà cơ quan nhà nước chỉ ra thông báo hoặc chấp nhận đầu tư thì không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất phải trưng mua quyền sử dụng đất. Tương tự, ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị Dự thảo không bao gồm các dự án thiên về lợi nhuận của nhà đầu tư như khu đô thị mới, chỉnh trang đô thị, dự án khai thác khoáng sản v.v...
Các dự án này nếu phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị thì thực hiện cơ chế góp vốn bằng cách cùng hưởng lợi hoặc nhà đầu tư thỏa thuận với cộng đồng dân cư, người sử dụng đất có sự giám sát của chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương.
Lo sinh kế cho người có đất bị thu hồi
Đánh giá Dự thảo Luật quy định cần xin ý kiến nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của người có đất thu hồi để có phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ, tìm kiếm việc làm là cần thiết, tuy nhiên ĐB Trần Ngọc Vinh đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan lập phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm trong việc tiếp thu ý kiến của người có đất bị thu hồi và giải trình về những ý kiến của người có đất bị thu hồi không tiếp thu quy định này, tránh việc lấy ý kiến của người dân và phương án chuyển đổi nghề, tư vấn hỗ trợ tìm kiếm việc làm chỉ mang tính hình thức.
Riêng quy định trường hợp tái định cư mà tiền bồi thường, hỗ trợ không đủ mua một suất tái định cư tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ để đủ mua một suất tái định cư tối thiểu được nhiều ĐB đánh giá “rất nhân văn”, song hệ lụy của nó, theo ĐB Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì mỗi tỉnh sẽ có quy định suất tái định cư tối thiểu khác nhau. Vì vậy “nên chăng giao cho Chính phủ quy định để suất tái định cư này hợp lý hơn vì ở thành phố trực thuộc Trung ương khác, đô thị khác, nông thôn đồng bằng khác, miền núi khác và sẽ tạo được sự thống nhất trong tổ chức thực hiện” - ĐB này đề xuất.